Vì sao tôi hy vọng Google có thể biến HTC thành một Motorola thứ hai? – VnReview

Với kết quả kinh doanh thua lỗ và nhiều sản phẩm thất bại, HTC là một công ty thiếu sức sống trong những năm qua. Tuy nhiên, nếu được mua lại bởi Google, điều này sẽ thay đổi. Người dùng sẽ được trải nghiệm những smartphone HTC được chạy Android gốc và thậm chí là có giá rẻ hơn.

>HTC đàm phán lần cuối để quyết định có bán mình cho Google hay không

Bài viết dưới đây là của tác giả David Imei tới từ trang công nghệ Android Authority để chia sẻ những quan điểm về thương vụ mua lại HTC của Google. VnReview xin trích đăng nguyên văn để bạn đọc có thêm một góc nhìn khác về thương vụ này:

Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì nhưng “Googorola” (chơi chữ từ tên của Google và Motorola) là một sự kết hợp tuyệt vời. Sự trợ giúp của Google đã không thể cứu được Motorola khi sau đó, hãng tiếp tục phải bán mình cho Lenovo. Tuy nhiên, điều này đã đem Motorola quay trở lại thị trường theo một cách không giống như bất kì nhà sản xuất nào khác.

Mặc dù sự hợp tác này chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 năm (từ tháng 3/2012 tới tháng 1/2014), Motorola dưới thời của Google đã tạo ra được một số sản phẩm đáng kinh ngạc. Từ smartphone huyền thoại Moto X cho tới smartwatch tuyệt đẹp Moto 360, dường như không có gì khiến cho bộ đôi sản phẩm này không thể làm được.

Trong tuần qua, khi tin tức Google tiến gần tới thỏa thuận mua hãng điện tử HTC của Đài Loan đã tràn ngập trên khắp các mặt báo, tôi lại có một cảm giác như thời điểm Google mua lại Motorola vào 5 năm trước. Sự thật là Google đã thuê HTC để sản xuất thế hệ smartphone Pixel đầu tiên. Tuy nhiên, nếu Google muốn thâu tóm hoàn toàn HTC, đó có thể là một sự thay đổi lớn đối với cả hai công ty.

Smartphone “Made by Google” 100%

Smartphone Pixel của Google.

Bạn có biết tại sao mọi người tại Mỹ thường nói câu “iPhone làm được” (iPhone just work) không? Đó là bởi vì Apple gần như kiểm soát hoàn toàn mọi sự phát triển phần cứng và phần mềm trên điện thoại của họ. Mặc dù, Foxconn mới là hãng sở hữu dây chuyền lắp ráp iPhone nhưng Apple chỉ làm từ 1 cho tới 2 chiếc smartphone mỗi năm. Điều này cho phép Táo khuyết cẩn thận hơn trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Apple có hàng trăm nhân viên làm việc tại bộ phận quản lý chất lượng để đảm bảo mẫu iPhone hàng năm không có lỗi và luôn ổn định. Ngoài ra, Apple cũng có thể xây dựng một hệ điều hành iOS lấy trọng tâm là iPhone.

Giờ đây, Google hoàn toàn có thể làm như Apple bằng cách mua lại HTC. Google có thể tạo ra một chiến dịch “Made by Google” (được sản xuất bởi Google) để phục vụ cho những người dùng đã quá mệt mỏi khi phải chọn mua một thiết bị Android.

Nhiều người thường nhầm chiếc Pixel của tôi là iPhone. Bạn có biết là tại sao không? Đơn giản là vì hai chiếc smartphone này đem lại trải nghiệm giống nhau. Trên tất cả, Pixel là một mẫu smartphone rất dễ để sử dụng. Điện thoại này có những biểu tượng to, dễ nhìn và độ trễ thấp tới mức ấn tượng. Đây là những chi tiết không được ghi vào tờ thông số kĩ thuật của thiết bị nhưng lại cực kì dễ lấy lòng của người dùng.

Smartphone Moto X của Motorola.

Hãy dành chút thời gian để nhìn lại chiếc Moto X. Điều gì đã khiến mẫu điện thoại này trở nên đặc biệt đến như vậy. Đối với nhiều người, đó chính là Moto Maker, chương trình cho phép bạn thỏa sức tùy biến điện thoại theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, đối với tôi, điều khiến Moto X trở thành chiếc smartphone tuyệt vời nhất chính là những trải nghiệm do nó mang lại.

Motorola muốn làm ra một thứ gì đó thật dễ để sử dụng. Các tác vụ như vuốt màn hình hay mở ứng dụng đều được tiến hành một cách mượt mà. Xét một cách tổng quan, Moto X là một thiết bị được phát hành để tập trung vào những gì một chiếc điện thoại thật sự cần, thay vì cung cấp thông số kĩ thuật đơn thuần“.

Đó là những gì được tôi viết sau khi được trải nghiệm trên tay Moto X vào năm 2013. Rõ ràng là Google và Motorola đã tập trung để giúp cho trải nghiệm của người dùng trở nên tốt nhất có thể và dường như một nỗ lực tương tự cũng được tiến hành trên dòng Pixel. Tập trung vào khả năng xử lý hình ảnh và giảm độ trễ khi sử dụng có thể khiến điện thoại của Google “ghi điểm” trong lòng của người dùng.

iPhone của Apple thành công nhờ một phần vào việc Táo khuyết hoàn toàn làm chủ trong việc thiết kế cả phần mềm lẫn phần cứng. Nếu Google làm được điều tương tự, smartphone của hãng sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Thay đổi trong triết lý kinh doanh

Khi Google mua lại Motorola, đó chỉ là một toan tính nhất thời của họ. Trong một tuyên bố chính thức, Google cho biết họ thực hiện hợp đồng mua lại để nhằm mục đích giữ cho những bằng sáng chế của Motorola xa khỏi tầm với của các đối thủ như Apple hay Microsoft. Đối với nhiều người, đây thật sự là một động thái kì lạ của Google. Rõ ràng, Google không phải là một công ty sản xuất thiết bị nên hãng sẽ được lợi gì khi làm suy yếu các OEM (nhà sản xuất điện thoại) khác trên thị trường?

Việc được chạy Android gốc khiến Moto X đem lại trải nghiệm tuyệt vời.

Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ, mục đích của Google là muốn nâng cao trải nghiệm của người dùng. Moto X là chiếc smartphone chạy Android gần như là nguyên gốc với những phần mềm hữu ích cho người dùng, thay vì được cài vào cả tá bloatware (ứng dụng cài sẵn) như các smartphone khác. Điều này đã khiến điện thoại của Motorola trở nên đặc biệt khi đặt cạnh điện thoại của Samsung hay bất cứ đối thủ Android nào khác.

Hiện nay, chiến lược của Google đã thay đổi. Việc tạo ra những thiết bị của riêng mình đã trở thành một phần trong triết lý kinh doanh mới của Google. Mặc dù, bạn có thể tranh cãi rằng dòng Nexus trước đây đã có thể đem lại những  trải nghiệm “đúng chất” của Google, việc được làm việc với nhiều nhà sản xuất mỗi năm đã khiến Google muốn đi xa hơn thế. Nếu quá trình mua lại HTC được hoàn thành, Google có thể bắt đầu tập trung vào việc tinh chỉnh Android sao cho phù hợp với thiết bị của riêng mình tốt hơn bao giờ hết. Ngoài ra, các kĩ sư của Google còn thể phối hợp với bộ phận chế tạo của HTC để tạo ra những chiếc smartphone Pixel phù hợp nhất với hệ điều hành Android, giống như iPhone được sinh ra là để dành cho iOS vậy.

Câu hỏi tới từ HTC

Thương vụ giữa HTC và Google có một vài điểm kì lạ khiến chúng ta cần phải xem xét. Đầu tiên, nếu Google mua lại HTC, liệu công ty Đài Loan này có được phép tiếp tục sản xuất điện thoại hay toàn bộ dây chuyền của hãng sẽ được tập trung để sản xuất dòng Pixel.

Khi Google mua lại Motorola, họ vẫn để cho thương hiệu Moto tồn tại độc lập nhưng gửi tới một đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ công ty và cử Dennis Woodside trở thành CEO mới. Nếu mua được HTC, Google sẽ có hai lựa chọn. Một là loại bỏ hoàn toàn thương hiệu HTC để tập trung phát triển dòng Pixel và hai là tự loại bỏ chính dòng Pixel tâm huyết của mình để bán các smartphone mang thương hiệu HTC.

Tại sao Google phải lựa chọn như vậy? Nguyên nhân là vì HTC luôn tự quảng cáo hãng là một thương hiệu “cao cấp”, giống như những điều Google đang cố gắng nói về Pixel. Tạo ra tới hai dòng smartphone cao cấp khác nhau là một điều không phổ biến trên thị trường hiện nay và hậu quả trước mắt là doanh số dòng Pixel có thể sẽ bị sụt giảm.

Nếu được mua lại bởi Google, smartphone của HTC sẽ hướng tới phân khúc tầm trung và giá rẻ?

Nhiều khả năng, Google sẽ tái cấu trúc lại HTC để trở thành một thương hiệu hướng tới các phân khúc thấp hơn. Hiện nay, nhiều công ty cho thấy việc sản xuất ra những chiếc điện thoại đem lại trải nghiệm tuyệt vời nhưng có mức giá phải chăng là điều hoàn toàn có thể. Cứ thử nhìn vào chiếc Xiaomi Mi A1 được ra mắt gần đây là biết, nhiều người đã phấn khích khi có thể mua một chiếc smartphone có phần cứng và trải nghiệm tuyệt vời như vậy với giá rẻ. Nếu Google muốn giữ lại thương hiệu HTC, họ có thể đa dạng hóa danh mục sản phẩm của HTC bằng cách cho HTC sản xuất những chiếc smartphone tầm trung và giá rẻ.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu Google sẽ giữ HTC ở lại hay là họ sẽ bán lại vào một thời điểm thích hợp như Motorola? Mặc dù, chưa thể rõ mục đích của Google có phải là mua lại các bằng sáng chế và tạo thêm sự cạnh tranh trên thị trường như lần trước hay không nhưng Google thực sự cần một nhà sản xuất độc quyền vào thời điểm hiện nay.

Có vẻ hơi lạ khi gần đây có thông tin Google đang sử dụng LG để sản xuất chiếc Pixel 2 sắp được ra mắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi hãng cũng đang sử dụng HTC để làm điều tương tự. Việc sản xuất như vậy tạo cảm giác chiếc smartphone mới của Google sẽ giống dòng Nexus trước đây hơn là Pixel. Nếu thỏa thuận mua lại HTC được thông qua, chúng ta có thể được thấy HTC là nhà sản xuất duy nhất của dòng Pixel.

HTC sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm của Google.

Hiển nhiên, thương vụ giữa HTC và Google hiện mới chỉ dừng ở mức độ tin đồn. Mặc dù tất cả mọi thứ hiện nay chỉ là suy đoán nhưng tôi thật sự phấn khích khi Google có thể trở thành một nhà sản xuất thiết bị thật sự. Có hơi lạ một chút khi Google lại muốn tiếp tục tự làm ra những thiết bị của riêng mình thêm một lần nữa? Tuy nhiên, điều này không quan trọng khi người dùng Android sẽ được quyền kiểm soát cả phần cứng cũng như phần mềm trên điện thoại. Và hơn nữa, vì Android là một hệ điều hành mở nên sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sẽ không bao giờ chấm dứt.

Nguyễn Long

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2269978/vi-sao-toi-hy-vong-google-co-the-bien-htc-thanh-mot-motorola-thu-hai

Add Comment