[Lưu trữ tài liệu] P1 – Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn ổ cứng cắm ngoài (ổ cứng di động)

Bên cạnh việc lưu trữ tài liệu online, thì lưu trữ bằng ổ cứng vẫn là cách hiệu quả, tiện lợi, đặc biệt là khi lưu trữ hàng trăm GB phim ảnh. Trước đây, khi ổ cứng di động còn khá đắt, chúng ta buộc phải lưu trữ bằng đĩa CD, DVD, tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị lưu trữ thì giờ đây, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng hơn 1 triệu đồng là có thể sở hữu ngay một chiêc ổ cứng di động chính hãng dung lượng hàng TB.

Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn ổ cứng cắm ngoài (ổ cứng di động)

Trên thị trường có chục hãng sản xuất ổ cứng di động khác nhau với nhiều chủng loại, dung lượng, tính năng đa dạng khiến cho việc lựa chọn cho mình một chiếc ổ cứng phù hợp trở nên phức tạp, rắc rối. Qua bài viết này, mình hy vọng cung cấp cho các bạn một số kinh nghiệm chọn mua ổ cứng di động cũng như sử dụng ổ cứng di động hiệu quả, ít hỏng hóc nhất.

Phân loại ổ cứng di động

Dạo qua các shop công nghệ, chúng ta thấy hàng trăm loại ổ cứng di động khác nhau, từ chủng loại, kích cỡ, màu sắc, tính năng đến hãng sản xuất,…rất khó để có thể phân loại triệt để. Tuy nhiên, để đơn giản, có thể phân loại theo kích cỡ ổ cứng, từ kích cỡ mỗi loại khác nhau kéo theo nhiều đặc điểm khác cũng khác nhau

– Ổ cứng loại 3,5 inch: Ổ cứng cỡ 3,5″ đòi hỏi phải có dây cắm nguồn riêng cùng với dây truyền tải dữ liệu, thường thì dung lượng loại này cao hơn loại 2.5″ một chút. Hiện nay, trên thị trường, ổ cứng 3,5″ có dung lượng đến 4 TB

– Ổ cứng loại nhỏ (2,5 inch hoặc 1,8 inch): Với loại này, chỉ có một dây kết nối duy nhất vừa để truyền tải dữ liệu vừa để cấp nguồn cho ổ cứng (chuẩn USB). Dung lượng ổ cứng 2,5″ phổ biến trên thị trường hiện nay từ 500GB đến 2TB.

Lựa chọn ổ cứng di động phù hợp

Dung lượng lưu trữ

Đây thường là tiêu chí quan trọng nhất khi bạn chọn mua ổ cứng di dộng, hiện nay, dung lượng ổ cứng di động phổ biến từ 500GB đến 2TB. Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể chọn cho mình một chiếc ổ cứng với dung lượng phù hợp. Tuy nhiên, có hai điểm mà các bạn cần lưu ý:

– Dung lượng càng cao thì giá càng rẻ (giá tính theo dung lượng), ví dụ: Ổ cứng loại 500GB giá khoảng 1,2 triệu thì ổ cứng loại 1TB giá cũng chỉ khoảng 1,6 triệu.

– Nên mua dung lượng thừa ra một chút, dự phòng trước. Chẳng han, hiện tại bạn chỉ cần lưu trữ 400GB thì cũng nên mua loại ổ 750GB hoặc 1TB chứ không nên mua loại 500GB, vì khi bạn dùng hết 500GB phải mua một chiếc ổ cứng nữa thì chi phí bỏ ra sẽ cao hơn nhiều lần.

Chuẩn kết nối

Chuẩn kết nối là một trong những tiêu chí quan trọng, nó ảnh hưởng đến tốc độ copy dữ liệu và sự tiện lợi khi sử dụng (kết nối với máy tính qua cổng USB hay phải mua thêm cáp ngoài). Hiện nay, phổ biến nhất vẫn là ổ cứng di động theo chuẩn USB (2.0 và 3.0), ngoài ra, còn một số chuẩn kết nối khác như FireWire, eSATA,..

– USB 2.0:  Trước đây, USB 2.0 chuẩn kết nối phổ biến nhất, nhưng, hiện nay đang dần bị thay thế bởi chuẩn USB 3.0. Tốc độ của chuẩn USB 2.0 theo lý thuyết là 480Mbps. Thực tế, khi sử dụng các ổ cứng di động chuẩn USB 2.0, tốc độ copy dữ liệu còn tùy thuộc vào hãng sản xuất, dung lượng dữ liệu cần copy. Tốc gộ copy dữ liệu ra ổ cứng di động thường giao động từ 1MB/s đến 20 MB/s

– USB 3.0: Đây là chuẩn kết nối khá mới, được phổ biến khoảng 5 năm trở lại đây ở Việt Nam. Tốc độ kết nối của chuẩn USB 3.0 nhanh gấp 10 lần chuẩn USB 2.0 (vẫn chung cáp kết nối USB như chuẩn USB 2.0), đồng thời, thiết bị hỗ trợ chuẩn USB 3.0 cũng tương thích cả với chuẩn USB 2.0. Thực tế sử dụng, khi copy đồng thời (1 lần) 80 GB dữ liệu ra ổ cứng di động, tốc độ copy đo được khoảng 60 MB/s đến 100 MB/s

eSATA: Chuẩn này không phổ biến bằng chuẩn USB vì ít thiết bị hỗ trợ, thường phải mua thêm cáp ngoài. Tốc độ kết nối của chuẩn eSATA khoảng 3Gb/s (tức gần 400MB/s). Giới thiệu thêm một chút là chuẩn eSATA (external SATA – cho ổ cứng cắm ngoài), còn chuẩn SATA (cho ổ cứng trong máy tính) tốc độ cũng khá cao và không ngừng được phát triển, từ 3Gb/s với SATA 2.0 => 6 Gb/s với SATA 3.0 => khoảng 16 Gb/s trong chuẩn SATA Express.

– FireWire: Tốc độ truyền tải dữ liệu là 400Mbps hoặc 800Mbps tùy phiên bản.

Nếu không có lý do nào đặc biệt thì bạn nên ưu tiên lựa chọn ổ cứng di động với chuẩn kết nối theo thứ tự giảm dần như sau: USB 3.0 => USB 2.0 => eSATA => FireWire

Lựa chọn hãng sản xuất

Ở Việt Nam có khoảng 10 hãng cung cấp ổ cứng di động, như: Hitachi, Kingston, Toshiba, Western Digital, Samsung, Transcend, Apacer, Adata, Seagate… Mình đã và đang dùng 5 chiếc ổ cứng di động của 3 hãng khác nhau là Hitachi, Western Digital và Seagate (khoảng 3 năm rồi mà chưa cái nào hỏng, “chộm vía” hí hí)

– Theo đánh giá của nhiều người thì Western Digital và Seagate vẫn là hai thương hiệu nổi tiếng hơn hẳn, và đương nhiên, giá cũng đắt hơn một chút nhưng cũng không đáng kể! Ngoài ra, theo đánh giá của bản thân mình thì Seagate nhìn hơi “mỏng manh dễ vỡ” (nhưng lại bảo hành 5 năm), Western Digital thì vuông vắn, khỏe khoắn lại còn tích hợp sẵn tính năng bảo mật dữ liệu bằng cách đặt password vào các phân vùng của ổ cứng di động!

– Kingston thì nổi tiếng với USB Kingston nên tương tự với ổ cứng di động chắc cũng không tồi !

Còn lại thi mình chưa xài qua nên chưa dám chém bừa.

Các tính năng cao cấp

Đối với các yêu cầu đặc biệt (chủ yêu về bảo mật) thì chúng ta cần chọn mua ổ cứng di động có tính năng tương ứng như: bảo mật bằng vân tay, bảo mật bằng mật khẩu,… Ngoài ra, một số người còn thích chọn ổ cứng độc (bọc thép chẳng hạn) hay ổ cứng chống xước, chống va đập, chống nước,…

Các tính năng khác

Ngoài 4 tiêu chí cơ bản để lựa chọn trên, khi mua ổ cứng di động, bạn có thể tham khảo thêm một vài tính năng khác như tốc độ vòng quay của ổ cứng, thường thì tốc độ càng cao càng tốt (phổ biến hiện nay là 5400 vòng/phút và 7200 vòng/phút => nên chọn 7200 vòng/phút)

Kinh nghiệm sử dụng ổ cứng di động

Có 3 nguyên nhân cơ bản làm hỏng ổ cứng di động là: sốc điện, va đập cơ học và hỏng đầu ghi/đĩa từ. Vì vậy, để ổ cứng của bạn “sống lâu trăm tuổi” bạn cần hạn chế cả ba nguyên nhân trên, bằng cách:

1- Không tút ổ cứng ra một cách đột ngột, đặc biệt là khi đang copy dữ liệu từ máy tính ra ổ cứng di động. Đối với ổ cứng định dạng FAT32 thì Mircrosoft khuyến cáo là không sao nhưng với định dạng NTFS thì sẽ gây nguy hại cho ổ cứng của bạn => theo mình thì dù dùng định dạng nào cũng nên safe remove ổ cứng (ở góc phải của taskbar) rồi mới tút dây kết nối ổ cứng với máy tính

2- Giữ gìn ổ cứng di động ở một nơi an toàn, tránh va đập, hoặc để rơi

3- Nếu có điều kiện thì nên để ổ cứng di động của bạn trong hộp trống ẩm và tránh nơi có từ trường mạnh (như nam châm của loa máy tính chẳng hạn) vì chúng ta đều biết đĩa từ thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu để trong từ trường mạnh.

Kết luận

Tùy theo nhu cầu, sở thích cũng như mục đích sử dụng khác nhau để chọn các loại ổ cứng di động khác nhau, nhưng, một số điểm chung mà chúng ta đều nên lưu ý khi mua và sử dụng ổ cứng di động là:
– Nên mua của hãng uy tín để giảm tối thiểu khả năng mất mát dữ liệu do hỏng ổ cứng
– Chọn mua ổ cứng có dung lượng lớn hơn nhu cầu của bạn một chút
– Sử dụng đúng cách để ổ cứng được bền lâu hơn

Hy vọng với các phân tích ở trên, bạn đã có đủ cơ sở để chọn cho mình một chiếc ổ cứng di động phù hợp.

Sử dụng máy tính

Chúc các bạn thành công !

Add Comment