Tiki “lỗ vui” nhưng coi chừng hầu bao thủng đáy!

8 tháng, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Tiki lỗ hết 157 tỉ đồng, trong đó riêng quí III/2016 lỗ 78,1 tỉ đồng. Khoản lỗ của Tiki đã xấp xỉ với khoản lỗ của sàn TMĐT Lingo – doanh nghiệp trước đó đã bị phá sản. Nhưng CEO của Tiki, được trang Trí Thức Trẻ dẫn lời lại nhìn nhận rằng đây là “một tín hiệu vui”.

Các khoản lỗ trong đầu tư kinh doanh có nhiều lí do, nguyên nhân, thậm chí góc khuất và cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Lỗ không có nghĩa là đã quá bi đát, là chết. Khoản lỗ 157 tỉ đồng của Tiki trong 8 tháng qua, được CEO của sàn này là ông Trần Ngọc Thái Sơn nhìn nhận như vậy.

tiki lỗ

Nguồn ảnh minh hoạ: CafeF

“Lỗ vui”. Nghe thấy gần với câu “trong nguy có cơ” (cơ hội) mà người ta hay sử dụng để lí giải một tình huống nào đó.

Dưới góc nhìn của tôi, lỗ 157 tỉ đồng trong 8 tháng – khoảng 7,5 triệu USD, có thể được coi là nhiều là lớn vì gắn với một sàn TMĐT đã có tên tuổi ở Việt Nam là Tiki. Và nếu mang ra so với khoản tiền 384 tỉ đồng mà Công ty Cổ phần VNG bỏ ra để mua lại 38% cổ phần tại Tiki (khoảng 3,7 triệu cổ phiếu) thì nó đã “ngốn” xấp xỉ 41% khoản tiền VNG đầu tư vào.

Nhưng nếu so với các công ty nước ngoài, các sàn TMĐT nước ngoài, đơn cử như Lazada chẳng hạn, hay thậm chí như Zalora, thì khoản lỗ 157 tỉ đồng trong 8 tháng cũng chẳng phải là gì quá to tát. Bất cứ một sàn TMĐT B2C nào đang trong giai đoạn đầu tư và cạnh tranh để chiếm vị trí số 1 hay để có được “số má”, mà lỗ 157 tỉ đồng đã coi là quá lớn, đã quá hụt hẫng, thì tốt nhất nên rút lui ngay khỏi cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử B2C tại Việt Nam hiện nay. Cỡ như Lingo, mới lỗ hơn trăm tỉ đồng, đã phá sản, đã bỏ chạy xù tiền lương bổng nhân viên một cách đáng xấu hổ, cho thấy từ nhà đầu tư đến những người xây dựng dự án kinh doanh này đã “hồn nhiên hơn cô tiên” khi bước chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tập đoàn Rocket Internet đã gọi vốn được cả tỉ USD để đầu tư cho Lazada, Zalora… mà vẫn còn chưa đủ tự tin có thể gồng mình “đốt tiền” đến ngày “thắng lợi”, vì thế khi gặp thương vụ hời bán Lazada 1 tỉ USD cho Alibaba là “khớp lệnh” ngay, nhờ từ đây mà có thể nhẹ nhàng rút lui khỏi Zalora sau khi bán lại giá bèo cho Central Group của Thái Lan.

Có lẽ không cần phải liệt kê ra từng thứ mà CEO Tiki kể ra về sự “lỗ vui” của doanh nghiệp này. Mà câu hỏi cốt lõi nhất, quan trọng nhất nên đặt ra lúc này là: Sau khoản “lỗ vui” ấy, đã giúp thay đổi được tương quan cục diện như thế nào đối với các đối thủ trên thị trường? Và Tiki có thể  tiếp tục chịu được những khoản “lỗ vui” như thế đến bao giờ, đặc biệt là trước một Lazada có đại gia tiền mạnh hàng đầu thế giới Alibaba hậu thuẫn, hay một Adayroi của Vingroup cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ?

Dù gì thì trên thị trường TMĐT B2C đến thời điểm này, Lazada vẫn đang chiếm ưu thế từ doanh số đến tổng số đơn hàng, sức lan tỏa của thương hiệu… Nhưng gần đây, có lẽ sự tăng trưởng mạnh về lượng khách hàng và đơn hàng của Lazada đã khiến sàn này mất khả năng kiểm soát về chất lượng hàng hóa cũng như cam kết thời hạn giao hàng khi Lazada liên tục dính những phàn nàn, khiếu nại, đấu tố vì bị khách hàng cho rằng bán hàng nhái, hàng giả, khuyến mãi ảo.v.v…

Trong khi đó, với tổng giá trị giao dịch năm 2016 này đạt khoảng 50 triệu USD qua sàn Sendo theo hé lộ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, thì khoảng cách của những sàn đứng ở vị trí thứ 2 hay thứ 3 còn khá xa so với Lazada. Sendo trước mắt, chỉ có thể kèn cựa với Tiki. Nhưng cả hai lại có cùng một điểm khó: trường vốn đến đâu để đương đầu với đối thủ số 1 cùng phân khúc? Vì vậy, khoản 157 tỉ đồng cho dù được xem là “lỗ vui” trong mắt ông Trần Ngọc Thái Sơn, thì về lâu dài, mỗi khoản lỗ chắc chắn sẽ làm chất chồng thêm những lo lắng, sẽ làm chất chồng thêm những khó khăn lên những Tiki hay Sendo mà thôi. Trong thời đại kinh tế O2O (Online 2 Offline) đang dần thịnh hành, ở mỗi lĩnh vực, phân khúc hầu như chỉ có vị trí số 1 là sống được, chính vì thế các đại gia mới không tiếc tiền đầu tư để “tàn sát” các đối thủ ở phía dưới nhằm xác lập trật tự thống lĩnh tuyệt đối.

Nhiều khách hàng của Tiki thích cái cách kiểm soát chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng của sàn giao dịch này. Có lẽ đó cũng là những yếu tố giúp cho Tiki được “lỗ vui”. Song tất cả những yếu tố “vui” ấy sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa nếu trong cuộc đua TMĐT B2C tại Việt Nam Tiki không có được hầu bao đủ mạnh để “đánh” đến được mục tiêu giành vị trí thống lĩnh. Khoảng thời gian này chưa thể biết chắc được là 1 năm, 2 năm hay 3 năm hoặc lâu hơn nữa…, nhưng có thể xác định được là dài hạn, và tất nhiên cơ hội sẽ ít dần theo sự teo tóp của hầu bao doanh nghiệp.

“Lỗ vui”, thôi thì xem là một cách nói vui. Nhưng sẽ chẳng thể nào vui được nếu những khoản “lỗ vui” cứ mãi kéo dài.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn: http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2037405/tiki-lo-vui-nhung-coi-chung-hau-bao-thung-day

Add Comment