Amazon đã vượt qua nguy cơ phá sản để trở thành công ty 400 tỷ đô như thế nào? – VnReview

Amazon trên thực tế đã suýt phá sản vào thời kỳ bùng nổ bong bóng dot-com cuối thập niên 1990, khi công ty rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và chỉ có thể tồn tại bằng tiền các nhà đầu tư rót cho.

Tuần vừa qua, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã chính thức vượt qua Warren Buffet để trở thành người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản 76 tỷ USD. Nếu như giá cổ phiếu Amazon tiếp tục đi lên với tốc độ như hiện nay, Bezos thậm chí có thể sớm soán ngôi Bill Gates, người hiện đang sở hữu 83 tỷ USD.

CEO Amazon Jeff Bezos

Ở thời điểm hiện tại, Amazon đã bán hầu như tất cả mọi thứ, từ ebook cho đến tã giấy, ô tô,… nên nhiều người có thể nghĩ sự đi lên của nó cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, Amazon trên thực tế đã suýt phá sản vào thời kỳ bùng nổ bong bóng dot-com cuối thập niên 1990, khi công ty rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và chỉ có thể tồn tại bằng tiền các nhà đầu tư rót cho.

Nếu vậy thì Amazon đã vượt cơn khủng hoảng như thế nào? Lịch sử đã chỉ ra rằng đôi khi, điều đó không nhất thiết phải cần đến những ý tưởng xuất chúng hay tài quản lý bậc thầy. Amazon thực chất đã sống sót nhờ gọi được những khoản vốn khổng lồ trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ, và chính những khoản vốn này đã cứu rỗi công ty khỏi cơn địa chấn những năm 2000.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2013 của mình, Brad Stone, người viết tiểu sử về Jeff Bezos có giải thích về nguy cơ phá sản đã trực chờ ngay trước ngưỡng cửa của Amazon thời kỳ năm 2000 như sau:

Đầu năm 2000, vị giám đốc tài chính bảo thủ Warren Jenson của công ty quyết định rằng Amazon cần một nguồn tiền lớn làm lá chắn phòng thủ trong trường hợp các nhà cung ứng lo sợ có thể đòi thanh toán tiền hàng bán sớm hơn bình thường… Chính vì vậy mà vào tháng 2 năm đó, Amazon đã bán 672 triệu trái phiếu chuyển đổi (loại trái phiếu mà người nắm giữ có khả năng chuyển đổi chúng thành một lượng cổ phiếu nhất định của công ty phát hành – PV) cho các nhà đầu tư.

Thời điểm này, thị trường chứng khoán đã biến động mạnh, còn kinh tế toàn cầu thì cũng chạm ngưỡng suy thoái, quá trình gọi vốn cũng không suôn sẻ như trước đây. Amazon đã buộc phải đưa ra mức lãi suất hào phóng 6,9% cùng kỳ hạn linh hoạt. Thương vụ này được hoàn thành chỉ 1 tháng trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ, kéo theo một thời kỳ vô cùng khắc nghiệt cho các công ty muốn gọi vốn hoạt động“.

Không có “tấm đệm” vốn yên ấm này, Amazon chắc chắn đã phải đối mặt với viễn cảnh sạt nghiệp chỉ trong vòng 1 năm sau đó. Bezos và các cộng sự chỉ cần gọi vốn chậm vài tuần thôi thì có lẽ Amazon giờ đây cũng đang trở thành một trong những biểu tượng của vụ nổ bong bóng dot-com cùng với Webvan, Kozmo hay Pets.com – những tập đoàn chi tiêu điên cuồng cho những mô hình kinh doanh không thể sinh lời.

Điều thú vị là những yếu tố quyết định giúp Amazon thành công lại chỉ thực sự ra đời sau bong bóng dot-com. Chẳng hạn như việc Bezos nỗ lực ươm mầm đột phá sáng tạo trong nội bộ Amazon để biến công ty thành các nhóm “2 pizza” – những nhóm nhân viên nhỏ tới mức mỗi bữa chỉ ăn hết 2 chiếc pizza – hoạt động tự chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả của mình. Theo tác giả Stone, Bezos công bố và thực thi ý tưởng này từ năm 2002.

Một ý tưởng hay ho khác ra đời sau thời kỳ bùng nổ dot-com là việc biến Amazon thành nền tảng hỗ trợ các mảng kinh doanh khác của công ty. Marketplace, nền tảng cho các bên thứ ba đăng bán sách cũ (và sau đó là nhiều sản phẩm khác nữa) ra đời vào tháng 11 năm 2000. Công ty cũng giới thiệu Prime, dịch vụ ship hàng hỏa tốc cho các nhà bán lẻ trên nền tảng Amazon vào năm 2005 hay Amazon Web Service, mảng cung cấp dịch vụ đám mây tận dụng chính hạ tầng công nghệ của Amazon vào năm 2006.

Tất cả những điều trên cũng chỉ ra một bài học cho những startup như Uber – rằng kể cả những công ty cực kỳ thành công như Amazon cũng từng phải chịu lỗ lớn trước khi đến được với mô hình bền vững như ngày nay. Và bất chấp những scandal thất thiệt gần đây, nhiều người vẫn khá lạc quan về tương lai của Uber.

Điều cốt lõi ở đây là, Uber hiện đang là công ty thống trị một thị trường có nhiều tiềm năng nhân rộng hơn rất nhiều trong tương lai. CEO Travis Kalanick đã phạm phải nhiều sai lầm, nhưng với sự bền bỉ và một chút may mắn, ông hoàn toàn có thể thay đổi văn hóa công ty và lật ngược thế cờ như những gì Bezos đã làm 15 năm trước. Sau cùng thì, chính văn hóa nội bộ của Amazon cũng không hề hoàn hảo với vô vàn những câu chuyện bất mãn vẫn được lan truyền từ các cựu nhân viên.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2123651/amazon-da-vuot-qua-nguy-co-pha-san-de-tro-thanh-cong-ty-400-ty-do-nhu-the-nao

Add Comment