Bí mật đằng sau màn giới thiệu iPhone đời đầu – VnReview

Mọi người đều công nhận màn trình diễn iPhone hồi tháng 1/2007 của Steve Jobs là hoàn hảo. Ông đã cầm chiếc iPhone mẫu hầu như chưa hoạt động và với một số kỹ thuật khéo léo trong tay, ông đã khiến hàng triệu người muốn mua nó ngay lập tức.

Bí mật đằng sau màn giới thiệu iPhone đời đầu

 

Trong bài viết trước, độc giả đã biết điều mà ít người biết rằng ngày ra mắt, iPhone đầu tiên còn chứa đầy lỗi và Steve Jobs đã phải sử dụng ‘tiểu xảo’ nào để khiến nó trở nên hoàn hảo. Ở bài viết này, qua lời kể của cựu kỹ sư Apple, ông Andy Grignon, chúng ta sẽ trở lại hồi năm 2007 để thấy không khí cực kỳ căng thẳng như thế nào trong nội bộ Apple khi chuẩn bị cho Steve Jobs trình diễn chiếc smartphone “thần thánh” iPhone đầu tiên.

Theo 9toMac, Andy Grignon là kỹ sư cấp cao phụ trách Dashboard và iChat của OS X, đã cảm thấy hoảng sợ trước khi sếp của ông – Steve Jobs – trình diễn công khai iPhone với thế giới, bởi ông là người đảm trách mọi thứ liên quan đến sóng điện thoại cho iPhone. Sẽ là thảm họa nếu như nếu iPhone không thực hiện được cuộc gọi, không kết nối được với tai nghe Bluetooth hay không thiết lập được kết nối Wi-Fi ngay trước toàn thể thế giới, và đặc biệt là giới báo chí.

Ông kể ông và một số đồng nghiệp ở qua đêm trong một khách sạn gần sự kiện để tiện đến nơi tập dượt, và khoảng 10 giờ ngày hôm sau họ cùng với cả thế giới xem Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Chỉ có điều ông không cảm thấy phấn khích chút nào. Thay vào đó là sự lo lắng, hoảng sợ. Vấn đề Grignon và các cộng sự phải giải quyết chính là làm thế nào để Steve Jobs có thể thực hiện cuộc gọi thoại một cách trơn tru trên iPhone khi sóng điện thoại vẫn chưa hoàn thiện và lúc nào cũng chập chờn.

Ông Andy Grignon, cựu kỹ sư Apple.

Trước ngày diễn ra sự kiện, Apple diễn tập cho lễ ra mắt tại Trung tâm Moscone ở San Francisco. Ông Grignon tất nhiên cũng có mặt. Mặc dù đã 5 ngày luyện tập nhưng hầu như lần nào Jobs trình bày thử cũng đều gặp trục trặc. iPhone vẫn bị rớt sóng, mất kết nối Internet, bị treo thậm chí là tự động tắt máy.

Để trước mắt xử lý vấn đề, ông Grignon đã cho lập trình một đoạn mã hóa giúp cho iPhone của Jobs luôn hiển thị 5 vạch sóng trên sân khấu. Nguy cơ bị rớt sóng là rất thấp nhưng cũng không thể tính đến những rủi ro. Hậu quả sẽ khó lường nếu như để cho hàng ngàn con người đang hướng mắt về sân khấu thấy sự tệ hại của iPhone trong chính chức năng cơ bản mà điện thoại nào cũng có thể làm được. Trong khi Jobs đang thực hiện cuộc gọi thoại, Grignon và nhóm của ông đã ngồi dưới và… cầu nguyện.

Khi Jobs bắt đầu chơi một vài đoạn nhạc và video clip trên màn hình iPhone, Grignon cùng những người cộng sự khi đó đang ngồi trên hàng ghế khán giả bắt đầu lo lắng. Jobs đã thực hiện một cuộc gọi điện thoại, gửi một tin nhắn và e-mail để minh họa cho bàn phím cảm ứng trên màn hình rất dễ sử dụng. Tiếp đến, ông lướt qua một loạt các bức ảnh đồng thời phóng to thu nhỏ chỉ với thao tác vuốt và di chuyển hai ngón tay. Vị thuyền trưởng của Apple bắt đầu truy cập vào The New York Times và các trang web của Amazon để chứng minh trình duyệt Internet của iPhone sử dụng tốt như trên máy tính.

Jobs muốn khi ông giới thiệu điện thoại thì sẽ có một màn hình lớn phản chiếu những tính năng mà mình sẽ sử dụng trên sân khấu. Vì vậy, ông đã yêu cầu kỹ sư của Apple dành nhiều tuần lắp thêm bảng mạch và cáp video lên lưng của iPhone mà ông sẽ sử dụng trên sân khấu. Các cáp video sau đó sẽ được kết nối với máy chiếu. Khi Jobs thao tác trên ứng dụng của iPhone, các hiệu ứng sẽ tự chuyển động mà không thấy ngón tay của Jobs. Hầu hết những người ngồi trong khán phòng đều rất thích thú vì họ có cảm giác như đang cầm một chiếc iPhone trên tay.

Vượt qua tất cả những vấn đề trên, vẫn còn một thử thách cuối cùng. iPhone gốc chỉ có 128 MB bộ nhớ và các ứng dụng chưa được hoàn thiện (chúng rất nặng và hoạt động chậm chạp). Điều đó có nghĩa là thiết bị cầm tay thường hết bộ nhớ và sẽ phải khởi động lại để giải phóng RAM. Để có thể vượt qua được giới hạn này, Jobs đã sử dụng nhiều iPhone trên sân khấu. Khi thiết bị có dấu hiệu hết bộ nhớ, ông lập tức đổi bằng thiết bị khác để thiết bị trước đó có thời gian khởi động lại.

Sẽ không quá phóng đại nếu như cho rằng việc ra mắt iPhone vào năm 2007 của là một canh bạc lớn từ trước đến nay của Apple. Jobs đã giới thiệu một bản mẫu của chiếc điện thoại chứ không phải là một sản phẩm hoàn chỉnh. Đó là lý do vì sao sau ngày ra mắt, phải đến 6 tháng sau đó, những chiếc iPhone đầu tiên mới được tung ra thị trường. Cái hay của Jobs chính là đã tạo được sự hưng phấn, tò mò của đám đông khi sản phẩm vẫn còn trong giai đoạn “trứng nước”. Dù dây chuyền sản xuất vẫn chưa thiết lập, thiết kế màn hình và vỏ nhựa vẫn chưa hoàn chỉnh, phần mềm chạy đầy lỗi, nhưng Steve Jobs vẫn muốn thế giới phải háo hức chờ đón sản phẩm này trước khi nó được bán ra.

Bạch Đằng

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2231091/bi-mat-dang-sau-man-gioi-thieu-iphone-doi-dau

Add Comment