6 lý do Google Maps là ứng dụng khiến chúng ta phải thật sự lạnh gáy – VnReview

Google biết bạn ở đâu và các nhà quảng cáo cũng vậy.

Google Maps hệt như một cuốn bách khoa từ điển vậy. Nó gần như biết mọi thứ! Không chỉ ngóc ngách của từng con phố mà còn là mọi quán cà phê, quán bar và cửa hàng nằm trên tuyến phố cũng như những người tìm đến đó. Với 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, ứng dụng này như được “tích hợp” vào đời sống của con người – từ điều hướng đến chỗ làm, nhà của bạn bè, người thân, đến những cuộc hẹn với bác sĩ và những chuyến du ngoạn nước ngoài.

Google Maps có đủ khả năng để theo dõi từng động thái của bạn không hẳn đồng nghĩa với việc họ sẽ lạm dụng sức mạnh này. Đó chỉ là vấn đề họ có muốn hay không, đặc biệt là khi trụ sở đầu não của Google được đặt tại Hoa Kỳ, nơi mà những luật lệ về bảo mật vốn lỏng lẻo hơn châu Âu, đồng thời các cơ quan tình báo của nước này đã có tiền lệ theo dõi sự riêng tư của công dân.

Chúng ta phải thừa nhận rằng Google Maps cực kỳ hữu dụng nhưng đồng thời nó cũng mang đến những rủi ro nhất định. Sau đây là một vài lý do để bạn quyết định kiểm tra lại cài đặt quyền riêng tư của mình cũng như tự đánh giá xem bản thân sẵn sàng hy sinh dữ liệu cá nhân đến đâu để đổi lấy sự thuận tiện.

1. Google Maps muốn có lịch sử tìm kiếm của bạn

Cài đặt mặc định khi tạo tài khoản Google mới. Ảnh: Google.

Cài đặt “Web & App Activity” (Hoạt động web và ứng dụng) của Google mô tả cách công ty thu thập dữ liệu, chẳng hạn như vị trí của người dùng, để mang đến trải nghiệm nhanh hơn và “cá nhân hóa” hơn. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là mọi địa điểm bạn đã tìm kiếm trong ứng dụng, cho dù là câu lạc bộ thoát y, cửa hàng bánh mì Doner kebab hay vị trí của gã bán chất kích thích, đều được lưu và tích hợp vào thuật toán công cụ tìm kiếm của Google trong khoảng thời hạn 18 tháng.

Google đoán được bạn sẽ cảm thấy rùng mình khi biết điều này. Đó là lý do tại sao họ sử dụng cái gọi là “các mô thức đen tối” (Dark Pattern) – giao diện người dùng được thiết kế để “dụ dỗ” chúng ta sẵn sàng lựa chọn những thứ bản thân có thể sẽ bỏ qua, chẳng hạn như làm nổi bật lựa chọn với một số phông chữ nhất định hoặc màu sáng hơn.

Tác giả bài viết đã tạo một tài khoản Google để thử nghiệm xem người dùng mới sẽ gặp khó khăn như thế nào khi tránh các mô thức đen tối. Sau khi nhấn chọn “Create Account” (Tạo tài khoản), sẽ có một cửa sổ pop-up với các chữ cái nhỏ màu xám cho biết tài khoản đã được “thiết lập kèm theo các tính năng cá nhân hóa”, một nút màu xanh lam lớn để “Confirm” (Xác nhận). Bằng cách nhấp chọn “Confirm”, bạn sẽ đồng ý với cài đặt “Web & App Activity” đã được đề cập ở trên. Nếu kỹ lưỡng hơn, bạn có thể tìm đến lựa chọn thay thế là “More options” (Nhiều tùy chọn) ít nổi bật hơn, mở ra một trang mới với những giải thích dài dòng và phức tạp. Còn nếu không muốn, chúng ta vẫn phải hủy kích hoạt cài đặt “Web & App Activity” để không thực hiện tùy chọn.

Tác giả đã gửi cho văn phòng báo chí của Google một danh sách gồm 12 câu hỏi và được phản hồi rằng Google muốn cài đặt của mình dễ tìm kiếm và dễ dàng sử dụng. Họ cho biết các tùy chọn đã được phát triển cẩn thận và luôn sẵn lòng tiếp nhận phản hồi.

2. Google Maps giới hạn các tính năng nếu bạn không chia sẻ lịch sử tìm kiếm

Google Maps khi ngoại tuyến. Ảnh: Google.

Trong ứng dụng Google Maps của mình, bạn sẽ thấy một vòng tròn nằm ở góc trên cùng bên phải biểu thị đã đăng nhập bằng tài khoản Google. Bạn hoàn toàn có thể đăng xuất nếu muốn. Vì nút đăng xuất đã bị ẩn vào bên trong, nên có thể tìm đến như sau: nhấp chọn vòng tròn > Settings (Cài đặt) > cuộn xuống > chọn Log out (Đăng xuất) khỏi Google Maps.

Rất tiếc là Google Maps sẽ không cho phép bạn lưu lại các địa điểm thường lui tới nếu chưa đăng nhập vào tài khoản Google. Nếu chọn không đăng nhập, khi nhấp vào thanh tìm kiếm, thông báo “Tired of typing?” sẽ xuất hiện, đề xuất đăng nhập và gợi ý bạn chấp nhận việc thu thập dữ liệu.

3. Google Maps có thể chỉ điểm

Timeline Google Maps. Ảnh: Google.

Một tính năng gây nghi ngại khác là “Google Maps Timeline” (Dòng thời gian Google), “hiển thị thông tin ước đoán về các địa điểm mà bạn có thể đã đến và các tuyến đường mà bạn có thể đã đi dựa trên Lịch sử vị trí của bạn”. Với tính năng này, bạn có thể xem các lộ trình cá nhân của mình trên Google Maps, bao gồm cả các phương tiện giao thông có thể đã sử dụng, chẳng hạn như ô tô hoặc xe đạp. Bất cập ở đây chính là mọi động thái của bạn đều sẽ bị Google cũng như bất cứ ai có quyền truy cập vào tài khoản đó biết.

Không chỉ tin tặc, Google cũng có thể chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như cảnh sát. Trên trang FAQ (Các câu hỏi thường gặp) về chủ đề này, Google cho biết đội ngũ pháp lý của họ đánh giá từng trường hợp một cách riêng lẻ. Cứ mỗi 6 tháng, công ty sẽ phát hành một báo cáo minh bạch (trong năm 2020 vẫn chưa thấy động thái gì). Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019, Google đã nhận được 81.785 yêu cầu tác động đến 175.715 tài khoản trên toàn thế giới, họ tiết lộ thông tin của phần lớn các trường hợp – 74% vào tháng 5 năm 2019.

Đồ thị các yêu cầu trên toàn thế giới về cung cấp thông tin, từ 2009 đến 2019. Ảnh: Google.

Nếu tùy chọn “Lịch sử vị trí” được bật, điện thoại của bạn sẽ “lưu trữ những nơi bạn đã đến trên thiết bị, ngay cả khi bạn đang không sử dụng một dịch vụ cụ thể của Google”. Tính năng này sẽ rất hữu ích trong trường hợp bạn đánh mất điện thoại, nhưng cũng có thể biến nó thành một thiết bị theo dõi “cực kỳ tận tâm”.

4. Google Maps muốn biết thói quen của bạn

Ví dụ về đánh giá trên Google. Ảnh: ADOBE STOCK/ MONTICELLLLO.

Những đánh giá trên Google có thể cực kỳ hữu ích, nhưng chỉ với tìm kiếm nhanh cũng có thể biết được thông tin nhạy cảm mà ai đó vô tình để lộ. Ví dụ như một người dùng (dường như sử dụng tên thật của họ) viết bài đánh giá về một siêu thị tại Berlin: “Tôi đã đến đó hai hoặc ba lần một tuần trong bốn năm qua để mua sắm cho gia đình hoặc đi dạo sau buổi tối”. Không cần thiết phải nói như vậy, chia sẻ kiểu thông tin này với toàn thế giới có thể mang tới những rủi ro.

Google Maps thường gợi ý người dùng chia sẻ xếp hạng công khai nhanh. “Berlin Burger thế nào? Hãy giúp những người khác biết được điều đó” – đó giống như một câu hỏi thông thường, nhẹ nhàng và dựa trên cảm xúc tích cực có được khi giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, tất cả thông tin đều được thu thập vào tiểu sử Google của bạn, giúp ai đó dễ dàng biết được bạn có đang ghé thăm một địa điểm nào đó trong thời gian ngắn, một vài lần (kỳ nghỉ chẳng hạn) hoặc bạn có sống ở gần đó.

Nếu cuối cùng cảm thấy hối hận về bài đánh giá, thì ít nhất Google cũng cho bạn tùy chọn để đặt lại các bài đăng ở chế độ riêng tư. Cách thức: Nhấp chọn Profile icon > Your profile > Edit profile > Profile and privacy settings > Cuộn xuống > Restricted profile. Nếu kích hoạt tính năng này, bạn sẽ cần phê duyệt những ai có thể theo dõi hồ sơ và xem các bài đánh giá của mình.

5. Google Maps dường như không muốn bạn ngoại tuyến

Google Maps ngoại tuyến. Ảnh: Google.

Định vị GPS? Đúng là nó khá rắc rối và còn chậm chạp, nhưng bạn lại không cần phải kết nối Internet để điều hướng. Thật ra, các ứng dụng khác cũng cung cấp điều hướng ngoại tuyến. Còn trên Google, bạn có thể tải xuống bản đồ, tuy nhiên, điều hướng ngoại tuyến chỉ khả dụng cho ô tô. Có vẻ như “gã khổng lồ” công nghệ không thể tìm ra cách chỉ đường cho người đi bộ và người đi xe đạp mà không có Internet.

6. Google làm ra vẻ tất cả mọi thứ là vì bạn

“Mang đến những trải nghiệm hữu ích, đầy ý nghĩa là cốt lõi những gì Google làm”, theo trang web của Google, đồng thời họ cho biết vì lý do này mà vị trí của bạn rất quan trọng. Họ nói rằng dữ liệu được sử dụng cho tất cả những thứ hữu ích, như là “bảo mật” và “cài đặt ngôn ngữ” (và dĩ nhiên, còn để bán quảng cáo nữa!). Google cũng bán cho các bên quảng cáo khả năng đánh giá mức độ hiệu quả mà chiến dịch của họ tiếp cận mục tiêu (chính là bạn!), tần suất mọi người ghé thăm cửa hàng truyền thống của họ “theo cách ẩn danh và tổng hợp”. Nhưng chỉ là khi bạn đồng ý với các tùy chọn đã đề cập ở trên.

Những lựa chọn thay thế chưa thể sánh bằng Google Maps

Đôi khi, chúng ta vẫn có những lựa chọn thay thế đủ tốt đối với những ứng dụng rắc rối. Điều đó có thể đúng với những ứng dụng khác, chẳng hạn như WhatsApp, nhưng Google Maps thì không. Apple Maps có những tính năng bảo mật chặt chẽ hơn nhưng nó lại không khả dụng cho Android. Các ứng dụng như Here WeGo và OsmAnd vẫn thu thập dữ liệu và lại không tốt bằng. Tuy nhiên, nếu bạn là người thích chế độ ngoại tuyến khi đi bộ, thì OsmAnd và Maps.me ít nhất có thể chỉ đường cho bạn mà không cần đến kết nối Internet.

Giang Vu theo Vice

!function(f,b,e,v,n,t,s) if(f.fbq)return;n=f.fbq=function(); if(!f._fbq)f._fbq=n;n.push=n;n.loaded=!0;n.version=’2.0′; n.queue=[];t=b.createElement(e);t.async=!0; t.src=v;s=b.getElementsByTagName(e)[0]; s.parentNode.insertBefore(t,s)(window, document,’script’, ‘https://connect.facebook.net/en_US/fbevents.js’); fbq(‘init’, ‘137432690179439’); fbq(‘track’, ‘PageView’);

Nguồn: https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/3316572/6-ly-do-google-maps-la-ung-dung-khien-chung-ta-phai-that-su-lanh-gay

Add Comment