Đánh giá chi tiết Canon M50: flagship mới của Canon trong phân khúc mirrorless? – VnReview

Thị trường máy ảnh vài năm trở lại đây chứng kiến sự bùng nổ của các máy ảnh không gương lật (mirrorless) nhờ những ưu điểm nổi bật như nhỏ gọn, tiện mang theo mọi lúc mọi nơi, trong khi chất lượng hình ảnh ở mức gần tiệm cận với các máy ảnh DSLR cồng kềnh, to nặng.

Và Canon, một trong những trong những “gã khổng lồ” về máy ảnh trên thị trường cũng không thể nào làm ngơ trước xu hướng tất yếu này. Trong những năm vừa qua, Canon liên tục giới thiệu các mẫu máy ảnh mirrorless và đại diện mới nhất của họ vừa ra mắt thị trường là mẫu Canon M50. Đây có thể coi là phiên bản kế nhiệm của chiếc Canon M5, mẫu mirrorless từng được mệnh danh là flagship không gương lật của Canon nhưng đã có gần 2 năm tuổi đời.

Canon M50 – mẫu mirrorless mới nhất của Canon vừa ra mắt

Với M50, Canon tỏ ra đặc biệt ưu ái khi trang bị nhiều tính năng lần đầu tiên xuất hiện trên các máy ảnh không gương lật của hãng như khả năng quay phim 4K 24/25fps, vi xử lý DIGIC 8, lấy nét nhận diện mắt Eye AF… 

Canon M50 hiện có mức giá đề xuất vào khoảng 20 triệu đồng khi đi kèm ống kính kit EF-M 15-45 mm F/3.5-6.3 IS STM.

Thiết kế thân thiện, dễ sử dụng

Canon M50 thừa hưởng gần như toàn bộ thiết kế của mẫu M5 với kiểu dáng tựa như một chiếc DSLR thu nhỏ do cũng có phần gù lên trên ở giữa thân máy chứa ống ngắm điện tử EVF, đèn flash cóc và phần báng cầm được làm nhô cao để cầm nắm chắc tay hơn. Tuy nhiên, M50 có thêm phiên bản màu trắng trông thời trang và nhẹ nhàng hơn hẳn, phù hợp với đối tượng người dùng nữ hay những ai ưa thích sự trẻ trung, tươi mới.

Canon M50 phiên bản màu trắng mang phong cách trẻ trung, thời trang, hợp với người dùng nữ

Cầm trên tay, M50 thực sự nhẹ và gọn gàng, có thể sử dụng trong cả ngày dài, thậm chí bằng một tay mà không gây nhức mỏi. Dù thế, toàn bộ thân máy được làm từ nhựa, chỉ phủ da duy nhất cho phần báng cầm (grip) nên xét về độ chắc chắn, cao cấp chưa bằng được với M5 và M6.

Bản thân M50 cũng hướng đến sự tối giản. Hệ thống nút bấm và vòng xoay trên M50 được lược giảm tối đa. Máy chỉ còn duy nhất một vòng xoay bao quanh nút chụp, đảm nhận toàn bộ các chức năng chỉnh khẩu độ, tốc độ và ISO khi kết hợp cùng các nút bấm khác. Vòng xoay điều chỉnh mức bù trừ sáng EV giống như các máy ảnh phim, từng có mặt trên M5, M6 đã không còn xuất hiện trên M50. Ngay cả vòng xoay quen thuộc trên các máy Canon, nằm ở vị trí phím điều hướng chính cũng bị loại bỏ đi.

Các vòng xoay được lược giảm tối đa, chỉ còn duy nhất một vòng xoay quanh nút chụp

Hệ nống nút bấm với cách bố trí quen thuộc trên các máy Canon nhưng vòng xoay trên cụm phím điều hướng chính đã không còn xuất hiện

Việc ít vòng xoay nút bấm sẽ phù hợp với người dùng mới bắt đầu làm quen với máy ảnh, giúp họ đỡ rối và tập trung hơn vào việc sử dụng màn hình cảm ứng, nhất là khi M50 là chiếc mirrorless đầu tiên của Canon có màn hình cảm ứng xoay lật, linh hoạt hơn nhiều màn hình trượt lật của 2 “đàn anh” M6, M5. Mặc định, máy còn bật sẵn giao diện dạng đơn giản, với hướng dẫn chi tiết về các thiết lập để người dùng mới dễ nắm bắt. Một điểm gây chú ý khác là M50 hỗ trợ cả giao diện tiếng Việt khiến mẫu máy này trở nên rất thân thiện với người dùng không thông thạo ngoại ngữ.

Màn hình xoay lật trên M50 tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi ngắm chụp ở những góc khó như thấp sát đất hay cao quá đầu, chụp ảnh selfie, quay Vlog… Cảm ứng trên màn hình này có độ nhạy cao, mượt mà, phản hồi nhanh nhẹn, hỗ trợ cả các thao tác đa điểm như chụm 2 ngón tay để phóng to, thu nhỏ ảnh, nhập pass WiFi…

Màn hình cảm ứng xoay lật tiện lợi khi chụp ở những góc khó như thấp sát đất hay cao quá đầu

Cảm ứng nhạy, hỗ trợ đa điểm, tiện dụng khi quay phim hay với người dùng mới làm quen với máy ảnh

Máy hỗ trợ tiếng Việt, thân thiện với người không thạo ngoại ngữ, có cả menu đơn giản cho người mới chơi đỡ bỡ ngỡ

Màn hình của M50 là loại LCD, kích thước 3″, độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh, thông số giống chiếc M6. Góc nhìn, độ sáng màn hình tốt, có thể nhìn rõ cả lúc ở ngoài trời nắng gắt khi thiết lập mức sáng tối đa tuy nhiên màu sắc màn hình hơi nhạt nên khi xem ảnh trên màn hình máy tính, điện thoại sẽ thấy đẹp hơn.

Bên cạnh màn hình xoay lật, điểm đáng giá khác trên M50 là việc được tích hợp sẵn ống ngắm điện tử EVF (Electronic Viewfinder). Ống ngắm này thừa hưởng trọn vẹn thông số của chiếc M5 với kích thước 0,39 inch, màn hình OLED, độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh (ngang mức Full HD).

Kính ngắm điện tử EVF thừa hưởng từ thế hệ M5

Kính ngắm EVF trên M50 có chất lượng ấn tượng, hiển thị tốt, giúp ngắm chụp tiện lợi

Chất lượng EVF trên M50 gây ấn tượng mạnh với màu sắc tươi tắn, sống động, độ sáng, tương phản cao, trong trẻo, độ nét, chi tiết tốt, hiển thị mượt mà, vượt trội so với màn hình LCD xoay lật, giúp kiểm tra chính xác ảnh đã đủ sáng, chuẩn nét hay chưa. EVF cũng giúp việc ngắm chụp trên các M50 dễ chịu hơn, nhất là khi dùng ngoài trời bởi chất lượng hiển thị gần như không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng môi trường.

Khả năng kết nối phong phú

M50 được trang bị hàng loạt các kết nối gồm WiFi, Bluetooth và cả NFC. Với NFC, máy có thể kết nối nhanh chóng với các điện thoại hỗ trợ chỉ với một cú chạm nhẹ, toàn bộ thiết lập sau đó đều được kích hoạt tự động mà không cần người dùng phải thao tác phức tạp.

Máy có cả kết nối NFC, giúp việc giao tiếp với các smartphone hỗ trợ dễ dàng, nhanh chóng

Có thể điều khiển quay phim, chụp ảnh từ xa bằng smartphone cũng như chuyển ảnh tức thì sau mỗi lần bấm chụp bằng tính năng Auto Transfer

Trong khi đó, Bluetooth cũng giúp việc kết nối giữa smartphone và M50 đơn giản hơn, ổn định hơn mà không gây ảnh hưởng nhiều đến pin. Một khi đã kết nối thành công, bạn có thể sử dụng smartphone để xem, tải ảnh, gắn thẻ vị trí, điều khiển từ xa, tinh chỉnh các thiết lập trên máy hết sức tiện lợi. Điểm mới nữa là M50 còn hỗ trợ cả việc điều khiển chế độ quay video từ xa bằng smartphone, rất hữu dụng khi tự quay video một mình dạng Vlog, review sản phẩm…

Đáng chú ý khi mẫu mirrorless của Canon còn được bổ sung tính năng mới Auto Transfer, tự động gửi ảnh đến điện thoại hay máy tính ngay sau mỗi lần chụp. Thậm chí, với máy tính, khi kết nối vào cùng mạng WiFi, M50 có thể tự động gửi cả video và file RAW dung lượng lớn.

Bên cạnh đó, M50 tiếp tục được trang bị khả năng up ảnh, video trực tiếp từ máy lên các dịch vụ phổ biến như Facebook, Twitter, Flickr, YouTube, Google Drive…

M50 cho phép up ảnh, video trực tiếp từ máy lên Facebook, Twitter, YouTube…

Quay video tốt nhưng chất lượng 4K chưa như mong đợi

Không chỉ là mẫu mirrorless đầu tiên của Canon được trang bị khả năng quay video 4K, M50 cũng là một trong những model hiếm hoi của hãng máy ảnh Nhật Bản có thể quay video ở độ phân giải cực cao này bên cạnh các mẫu DSLR cao cấp như 5D Mark IV, Canon 1DX Mark II.

M50 là một trong những máy ảnh hiếm hoi của Canon hỗ trợ quay phim 4K

Máy được trang bị nhiều công cụ hỗ trợ để quay video như cổng cắm microphone, nút quay phim chuyên dụng, báo nét Focus peaking, bám nét theo chủ thể, lấy nét liên tục, chế độ chỉnh tay chuyên sâu, quay video Time-lapse…Bản thân màn hình cảm ứng xoay lật đã là một tính năng đáng giá cho người dùng thích quay phim, các Vlogger, YouTuber. Ngoài ra, M50 còn có tính năng Frame Grab cho phép trích xuất một khung hình bất kỳ trong video 4K thành bức ảnh tĩnh chất lượng tốt, độ phân giải tương đương 8MP.

Chất lượng video 4K của M50 đáp ứng ở mức cơ bản nếu so với đàn anh EOS 5D mark IV đang có giá gần 85 triệu đồng. Người dùng chuyên nghiệp sẽ phải chấp nhận nhiều hạn chế như chế độ lấy nét khi quay 4K chỉ là theo tương phản, không phải Dual Pixel nhanh và chính xác hơn nhiều lần. Video 4K có tỷ lệ 16:9, độ phân giải 3840 x 2160 pixel, crop hệ số 1.7x , số khung hình tối đa 25fps, bitrate tối đa 120Mbps, sử dụng codec H.264, thời lượng tối đa 30 phút, mỗi phút video 4K tốn khoảng 900MB.

Một lưu ý là để quay được video 4K, bạn phải chuyển núm xoay sang chế độ video chuyên dụng. Ở các chế độ khác, M50 chỉ cho chọn chất lượng video tối đa là Full HD 60fps.

Máy có khe cắm mic rời, hữu dụng với người dùng hay quay phim, giới Vlogger, YouTuber

Nhìn chung, video 4K trên M50 sẽ phù hợp nhất với các khung cảnh tĩnh không di chuyển máy quá nhiều, dạng như video quay sản phẩm, phong cảnh. Với các video dạng vlog, hành động, one shot bám theo chủ thể, chế độ Full HD 1080p với sự giúp đỡ của công nghệ lấy nét Dual Pixel, chống rung IS sẽ là lựa chọn thích hợp hơn. Mang tới các video bám nét chuẩn xác, chuyển động mượt mà.

Màn hình xoay lật giúp quay Vlog hay chụp ảnh selfie dễ dàng, tiện lợi

Chụp thiếu sáng ấn tượng, khử noise tốt, chống rung hiệu quả

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, M50 được Canon đặc biệt ưu ái khi ngoài khả năng quay video 4K, đây còn là chiếc mirrorless đầu tiên của hãng được trang bị tính năng lấy nét theo mắt Eye AF. Bên cạnh đó, đây cũng là mẫu máy ảnh đầu tiên của Canon sử dụng hệ thống file C-RAW CR3 hoàn toàn mới, song hành cùng file RAW CR2 quen thuộc trên các máy Canon từ trước đến nay. File C-RAW CR3 trên M50 có dung lượng nhỏ hơn tới 40% so với file RAW CR2 thông thường, giúp tiết kiệm đáng kể dung lượng thẻ nhớ và cả dung lượng ổ cứng lưu trữ, trong khi chất lượng hoàn toàn tương đương, không có khác biệt nào đáng kể.

Ảnh C-RAW CR3 chụp từ Canon M50 cho dải sáng (Dynamic Range) ấn tượng, chi tiết, màu sắc, độ chuyển màu đều thể hiện tốt

File C-RAW CR3 trên M50 có dung lượng nhỏ hơn tới 40% so với file RAW CR2 thông thường

File RAW đặc biệt hữu dụng trong các tình huống nắng gắt, chụp chênh sáng, ngược sáng, giúp “cứu” lại những vùng cháy sáng hay quá tối

Ấn tượng mạnh nhất khi trải nghiệm chụp ảnh với M50 là tốc lấy nét và thực thi rất nhanh. Hệ thống lấy nét Dual Pixel AF khi được kích hoạt tính năng lấy nét liên tục sẽ bắt nét gần như tức thì mỗi khi di chuyển máy vào vùng cần chụp. Tốc độ chụp, lưu ảnh nhanh nhẹn, trội hơn nhiều mẫu Canon M6 mà người viết đang sử dụng trước đó. Số điểm lấy nét của M50 được tăng lên tối đa tới 143 điểm khi gắn các ống kính EF-M 18-150mm F3.5-6.3, 55-200mm F4.5-6.3 hoặc 28mm F3.5 macro, phủ kín tới 100% cảm biến theo chiều dọc và 88% chiều ngang. Với các lens còn lại, số điểm lấy nét của M50 cũng lên tới 99 điểm, phủ 80% cảm biến, một bước tiến lớn so với chỉ 49 điểm lấy nét của M5 và M6 giúp việc bố cục ngắm chụp thuận tiện.

Tính năng lấy nét theo mắt Eye AF đặc biệt hữu dụng khi chụp ảnh chân dung, giúp có được những bức ảnh chuẩn nét vào phần quan trọng nhất trên gương mặt không mấy khó khăn, nhất là khi sử dụng các lens tele tiêu cự dài như 70-200mm F4L hay lens khẩu độ lớn 60mm F2.8. Máy sẽ ưu tiên lấy nét vào bên mắt gần camera nhất, muốn đổi bên mắt khác, chỉ cần bấm vào nút chọn điểm nét 2 lần. Tiếc là Eye AF mới hoạt động ở chế độ lấy nét cố định One Shot, chưa hỗ trợ chế độ lấy nét bám theo chủ thể Servo AF kể cả khi chụp ảnh hay quay video.  

Tính năng lấy nét theo mắt Eye AFgiúp cho các bức ảnh chân dung luôn chuẩn nét nhất là khi dùng các lens khẩ độ lớn. Ảnh chụp với ống kính EF-S 60mm F2.8 ở khẩu độ lớn nhất, tốc 1/500, ISO 100.

Eye AF sẽ được kích hoạt khi chuyển sang chế độ lấy nét theo gương mặt

Tốc độ chụp liên tục của M50 cải thiện nhẹ so với M5, M6, đạt mức 10 hình/giây khi ở chế độ One shot AF (lấy nét cố định) và giảm xuống còn 7,4 hình/giây khi lấy nét liên tục Servo AF (2 đàn anh đạt mức 9fps ở One Shot và 7fps ở Servo AF). Tốc độ này vừa đủ để ghi lại các cảnh hoạt động nhanh như thể thao, trẻ nhỏ, thú cưng… Máy có thể lưu tối đa 33 ảnh JPEG và 10 ảnh RAW khi chụp liên tục.

Chất lượng ảnh chụp từ cảm biến CMOS APS-C 24.1 MP trên Canon M50 gây ấn tượng với độ nét, chi tiết tốt, màu sắc trung thực, cân bằng trắng chuẩn xác, dải sáng rộng. Tông màu dễ chịu, dịu nhẹ, vừa mắt đặc trưng của Canon tiếp tục được phát huy. Tính năng HDR đã từng xuất hiện trên nhiều máy ảnh Canon trước đó nhưng với M50, thuật toán HDR đã có những cải thiện đáng kể. Ảnh HDR tự nhiên hơn, nhanh hơn, bắt mắt hơn, giúp tạo ra những bức ảnh phong cảnh ấn tượng, nhất là phần mây và các khoảng xanh trên bầu trời.

Màu sắc tái tạo trên M50 trung thực, tông màu dịu nhẹ đặc trưng của Canon, chi tiết, độ nét tốt. Ảnh chụp với ống kính Macro EF-S 60mm F2.8 ở khẩu độ lớn nhất, tốc 1/100, ISO 100.

Ảnh HDR giúp cải thiện đáng kể dải sáng, nhất là vùng bầu trời nắng gắt và vùng khuất sáng dưới gầm cầu

Ảnh chụp ở chế độ M, không HDR, ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 15mm, khẩu F 5.0, tốc 1/500, ISO 100

Chế độ HDR sẽ tự động chụp 3 ảnh với mức phơi sáng khác nhau rồi ghép lại nên cần cầm máy thật chắc tay để ảnh nét và cho ra kết quả tốt nhất

Ảnh HDR giúp tạo ra những bức ảnh phong cảnh ấn tượng, nhất là phần bầu trời được tái tạo trọn vẹn, không còn trắng xóa một màu như thông thường

Trong điều kiện thiếu sáng, M50 vẫn giữ được tốc độ lấy nét nhanh, khả năng chống rung điện tử trên thân máy kết hợp cùng chống rung trên ống kính rất hiệu quả. Tôi hoàn toàn có thể cầm tay, không cần đến tripod mà vẫn chụp được những bức ảnh phơi sáng từ 0.5s đến 1s sắc nét. Khả năng khử nhiễu của M50 cũng ở mức tốt. Ở mức ISO 1600 trở xuống, M50 cho độ nét, chi tiết, khả năng khử nhiễu ấn tượng, ảnh trong trẻo, sắc nét. Ảnh ở ISO cao hơn vẫn dùng tốt với kích thước nhỏ và nhiễu chỉ xuất hiện rõ nhất ở ISO 6400. Máy hỗ trợ mức ISO tối đa tới 51200, nhưng có lẽ nó chỉ thực sự cần thiết nếu bạn phải chụp được ảnh ở điều kiện sáng rất kém.

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 15mm, khẩu F 3.5, tốc 1/3s, ISO 100

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 15mm, khẩu F 4, tốc 1/2s, ISO 100, cầm tay

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 15mm, khẩu F 5.6, tốc 1/2s, ISO 1600, cầm tay

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 45mm, khẩu F 6.3, tốc 1/125s, ISO 6400

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 45mm, khẩu F 6.3, tốc 1/10s, ISO 3200

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 45mm, khẩu F 6.3, tốc 1/10s, ISO 6400

Ảnh chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 20mm, khẩu F 4.0, tốc 1/40s, ISO 3200

Ảnh phơi sáng 20s chụp với ống kính EF-M 15-45 mm, tiêu cự 20mm, khẩu F 25, ISO 100

Một tính năng mới xuất hiện khác trên M50 khá hữu dụng khi chụp thiếu sáng dưới ánh đèn đường là khả năng cân bằng trắng ưu tiên môi trường. Khi chuyển sáng chế độ cân bằng trắng này, M50 sẽ khử hết gần như toàn bộ màu vàng, phù hợp khi chụp chân dung.

Chế độ cân bằng trắng thông thường

Chế độ cân bằng trắng ưu tiên môi trường sẽ khử bớt mà vàng từ đèn đường

Tính năng chụp ảnh yên lặng (Silent Mode) sử dụng màn trập điện tử đã xuất hiện trên M50, cho phép bấm chụp mà không tạo ra bất cứ tiếng động nào nhưng khi sử dụng chế độ này người dùng chỉ chỉnh được mức sáng tối của ảnh. Toàn bộ các thông số ISO, khẩu, tốc đều do máy tự quyết định.

Ống kit đi kèm EF-M 15-45 mm F/3.5-6.3 IS STM có dải tiêu cự phù hợp với nhiều thể loại ảnh từ phong cảnh đến chân dung, cận cảnh nhưng nếu muốn chất lượng cao hơn nữa, người dùng nên cân nhắc đến việc mua thêm bộ chuyển đổi ngàm EF/EF-M với giá khoảng 1,5 triệu đồng để tận dụng kho ống sẵn có phong phú của Canon và các hãng “for’. Do là phụ kiện chính hãng nên các ống cắm qua bộ chuyển vẫn hỗ trợ các tính năng như lấy nét hoặc IS, là điểm vượt trội so với bộ chuyển sử dụng trên các hệ thống khác.

M50 và các máy mirrorless khác của Canon có thể tận dụng được kho ống kính vô cùng phong phú chỉ với ngàm chuyển EF/EF-M có giá khoảng 1,5 triệuđồng

Đối với những người không rành chụp ảnh thì chế độ chụp hoàn toàn tự động của M50 là đủ cho những cảnh chụp không quá phức tạp. Máy đo sáng tốt, tự động đặt tốc độ màn trập và ISO hợp lý nên khi chụp buổi tối ảnh cũng ít bị rung. Chế độ cân bằng trắng tự động cũng hoạt động tốt, cho ra màu sắc chuẩn.

Bên cạnh chế độ tự động, M50 cũng trang bị nhiều chế độ chụp sáng tạo, trong đó có các bộ lọc màu tích hợp sẵn hay các hiệu ứng mắt cá Fish Eye, Toy Camera, Tilt Shift, giả lập hiệu ứng tranh vẽ…Đáng chú ý khi máy có cả các chế độ làm đẹp da khi chụp ảnh selfie.

Tính năng làm mịn da khi chụp selfie

Ảnh selfie chụp với ống EF-M 15-45 mm, tiêu cự 15mm, khẩu F 3.5, tốc 1/80s, ISO 100

Ảnh chụp với hiệu ứng mắt cá Fish Eye

Ảnh chụp giả lập hiệu ứng tranh vẽ

Ảnh chụp với hiệu ứng Tilt Shift

Thời lượng pin tốt bất ngờ

Dù sử dụng viên pin LP-E12 có dung lượng chỉ 875 mAh thấp hơn viên pin LP-E17 (1040 mAh) trên M5, M6 nhưng trong sử dụng thực tế M50 lại cho thời lượng pin có phần nhỉnh hơn. Người viết hoàn toàn có thể chụp được từ 500 đến 600 tấm ảnh với mỗi lần sạc đầy so với khoảng 300 tấm của M6. Có lẽ nhờ việc sử dụng nhiều EVF nên tôi đã hạn chế được tối đa thời gian màn hình LCD phải hoạt động, giúp tiết kiệm đáng kể thời lượng pin.

Viên pin LP-E12mới trên Canon M50 có dung lượng chỉ 875 mAhthấp hơn LP-E17 (1040 mAh) trên M5, M6nhưng lại cho thời gian sử dụng thực tế nhỉnh hơn

Canon vẫn giữ quan điểm không hỗ trợ sạc qua cổng microUSB trên máy để bảo đảm độ an toàn điện áp so với các hãng đối thủ nên người dùng chưa thể tận dụng những viên pin dự phòng đang rất phổ biến hiện nay để sạc cho M50 khi cần kíp.

Cổng microUSB trên M50 vẫn không hỗ trợ sạc pin

Tổng kết

Rõ ràng ở phân khúc phổ thông, các máy ảnh mirrorless đang cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các máy ảnh DSLR truyền thống. Ngay bản thân người viết trước đây dù đã từng gắn bó với nhiều mẫu máy DSLR nhưng hiện tại cũng chỉ sử dụng khi không phải di chuyển quá nhiều và chủ yếu tại nơi làm việc hoặc studio do kích thước cồng kềnh, to nặng của chúng.

Những lúc đi công tác, du lịch hay lang thang dạo phố, mirrorless trở thành lựa chọn hàng đầu của tôi nhờ ưu điểm cực kỳ gọn nhẹ, có thể dùng cả ngày mà không gây mệt mỏi. Những hạn chế trước đây của mirrorless như lấy nét, chụp ảnh chậm, thời lượng pin yếu gần như đều đã được khắc phục trên các model thế hệ mới.

Với M50, Canon cho thấy họ đang có những đầu tư nghiêm túc vào các máy ảnh không gương lật. Mẫu mirrorless này có đầy đủ những điểm mạnh cần thiết như màn hình cảm ứng xoay lật tiện lợi cho giới Vlogger hay những ai thích quay phim, tích hợp kính ngắm EVF chất lượng cao cho người quen ngắm chụp kiểu DSLR, hệ thống lấy nét liên tục, chống rung ấn tượng. Chất lượng ảnh tốt kể trong điều kiện thiếu sáng với thuật toán khử noise hiệu quả. Cùng với đó là hàng loạt tính năng mới lần đầu xuất hiện trên các máy mirrorless của Canon.M50 xứng đáng là mẫu mirrorless flagship của Canon, thay thế dần cho các đàn anh M5, M6.

Điểm hạn chế của M50 là tuy có thể quay phim 4K nhưng chất lượng chỉ vừa đủ với người dùng mới còn với dân quay chuyên nghiệp thì khó có thể làm họ hài lòng.      

So với nhiều thương hiệu trong dòng mirrorless như Sony mạnh về quay phim, Fujifilm mạnh về thiết kế hoài cổ thì sự khác biệt của M50 đến từ “kho tàng ống kính” Canon. Khi dùng bộ chuyển đổi ngàm, bạn sẽ tận dụng được rất nhiều ống kính Canon chất lượng cao sử dụng ngàm EF và EF-S với nhiều tính năng hơn so với bộ chuyển trên các hệ máy khác.

Với giá bán hiện tại khoảng 20 triệu cho bộ kit M50 và ống kính EF-M 15-45 mm F/3.5-6.3 IS STM, sản phẩm này có thể là bước khởi đầu cho việc “dấn thân” vào nghiệp cầm máy của fan Canon, các Vlogger, Reviewer Youtube hoặc là một bộ mirrorless phụ trợ tốt cho những người dùng đang sở hữu DSLR và bộ ống Canon chuyên nghiệp.

Thành Đạt

/**/

Nguồn: https://vnreview.vn/danh-gia-chi-tiet-may-anh-so/-/view_content/content/2537004/danh-gia-chi-tiet-canon-m50-flagship-moi-cua-canon-trong-phan-khuc-mirrorless

Add Comment