Sự cố ba tuyến cáp quang biển, nhà mạng im lặng chuyện đền bù – VnReview

Việc 3 tuyến cáp quang biển gặp sự cố gần như cùng thời điểm đã gây nhiều thiệt hại cho người dùng, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ba tuyến cáp quang biển bị sự cố cùng lúc, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế – Đồ họa: Như Khanh

Mở đầu cho chuỗi sự cố liên tục đối với cáp quang biển là ngày 7/1, tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố ở phân đoạn gần trạm cập bờ Đà Nẵng, khiến lưu lượng qua tuyến cáp này chỉ còn 15-20%.

Một ngày sau (8/1), tuyến cáp quang AAG xảy ra sự cố sụt nguồn gây gián đoạn liên lạc trên 3 hướng kết nối đi Hong Kong, Singapore, Mỹ.

Nguyên nhân được xác định do lỗi rò điện và khu vực sự cố thuộc vùng biển Vũng Tàu, đại diện VNPT Vinaphone cho biết.

Khi cả hai sự cố trên đều chưa được khắc phục, ngày 9/1, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) lại tiếp tục gặp sự cố đứt cáp theo hướng kết nối đi Hong Kong.

Chiều 10/1, sự cố của tuyến cáp quang IA được khắc phục nhưng lúc 6g15 ngày 11/1, IA lại tiếp tục gặp sự cố gây gián đoạn thông tin trên các hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ, trong khi cả hai tuyến cáp quang biển AAG và APG đều chưa được khôi phục.

Đại diện Viettel cho biết đã nhận được thông báo nguyên nhân khiến IA gặp sự cố là do sụt nguồn tại phía Singapore. Trước đó, sự cố đối với tuyến cáp APG cũng là do sự cố rò điện tại Singapore.

Mất trắng trăm triệu đồng, nguy cơ bị đuổi việc

Ngày 12/1, chị Thùy Linh, Hãng điện thoại Mobiistar, cho biết do chất lượng mạng kém nên công ty chị phải hủy hai cuộc họp trực tuyến, chuyển sang gọi thoại hoặc tin nhắn để trao đổi công việc với đối tác nước ngoài.

Chị Ly Na (Q.2, TP.HCM) cho biết: “Tôi dùng mạng Viettel nhưng cả tối 11/1 không thể nào mở email hay gửi email được. Đến sáng 12/1, đối tác nước ngoài mới nhận được email. Công việc bị trễ tiến độ so với lịch hẹn với đối tác khiến nguy cơ hợp đồng bị hủy và tôi có thể bị đuổi việc” – chị Na bức xúc nói.

Nặng nề hơn, ông Hoàng Huỳnh, đại diện Công ty Phúc Hải Mobile, kể: “Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện tại chúng tôi đang triển khai một sự kiện bán hàng đặc biệt cho thứ sáu ngày 13 đầu tiên của năm 2017.

Theo đó, khách hàng đăng ký tham dự chương trình trong ngày 11, 12 và sáng 13/1. Nhưng với tình trạng mạng chập chờn hiện nay, khách hàng không thể đăng ký chương trình.

Vì vậy, toàn bộ chi phí chúng tôi thực hiện chương trình và quảng bá vài trăm triệu đồng coi như mất trắng“.

Giám đốc một công ty sản xuất điện tử trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân cho biết trong ngày 12/1, toàn bộ hoạt động giao dịch của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài cũng như với các chi nhánh ở các tỉnh qua mạng đều đình trệ, phải chuyển qua bằng… điện thoại.

Các hoạt động gửi mail, công văn chuyển về các chi nhánh đều không thể gửi đi do mạng chập chờn.

Tương tự, các thủ tục hải quan để lấy hàng qua mạng không thể truy cập được nên việc lấy hàng cũng bị gián đoạn. Nhưng mệt nhất là hợp đồng giao dịch gửi cho đối tác khiến doanh nghiệp không thể gửi đơn hàng cho đối tác để đặt hàng cho sau tết.

Hôm nay lại đúng vào ngày chốt đơn hàng, thế là doanh nghiệp buộc phải nhờ đại diện ở văn phòng nước ngoài soạn một văn bản mới chữa cháy gửi cho đối tác mà không có con dấu và hẹn ngày hôm sau gửi thông tin cụ thể cũng như văn bản chính thức” – vị giám đốc này cho biết.

Toàn bộ nhân viên cũng được đồng ý linh động chuyển qua liên lạc bằng điện thoại, thay cho email như hằng ngày.

“Dù chúng tôi đều dự trù hai mạng FPT và Viettel, nhưng hầu hết các văn bản trong ngày đều không thể gửi đi được”, vị giám đốc này nói thêm.

Ở các thành phố lớn như TP.HCM, khi Internet đã trở thành thứ thiết yếu trong mỗi nhà, việc rớt mạng hay truy cập chập chờn đã gây nên những xáo trộn trong sinh hoạt của người dân.

Anh Công Vinh, chung cư TDH Trường Thọ (quận Thủ Đức), cho biết: “Mạng Viettel chỗ tôi 2-3 ngày nay lúc vô được lúc không. Không có mạng khiến sinh hoạt và công việc của nhiều hộ dân ở đây rất khó chịu. Không xài được mạng Internet truyền thống, người dùng khi cần xử lý công việc lại phải tốn tiền chuyển sang dùng 3G“.

Dù vậy, theo nhiều người, việc chuyển sang dùng dịch vụ 3G của các nhà mạng di động cũng không khả quan hơn bao nhiêu.

Nhà mạng im lặng chuyện đền bù

Khi chúng tôi hỏi về việc đền bù hoặc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do sự cố mạng nêu trên, chỉ duy nhất VNPT Vinaphone trả lời: “Chúng tôi sẽ đề nghị phân tích đánh giá mức ảnh hưởng của sự vụ đứt cáp và đề xuất phương án hỗ trợ bù đắp tối ưu thiệt hại trong khả năng thẩm quyền của VNPT Vinaphone“. Còn lại các nhà mạng khác đều im lặng.

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo Luật thương mại, điều 302: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do việc vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm…, nhưng theo điều 294: bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng…

Vì vậy trong chuyện này, cả nhà mạng và khách hàng là doanh nghiệp, người dùng đều bị thiệt hại.

Dù thiệt hại mỗi người dùng có thể không nhiều bằng nhà mạng nhưng thiệt hại của hàng triệu người dùng, doanh nghiệp chắc chắn lớn gấp nhiều lần nhà mạng.

Người dùng nên thông cảm với các nhà mạng trong sự cố này nhưng đồng thời các nhà mạng nên chia sẻ thiệt hại với người dùng“.

Luật sư Đức đề xuất: “Theo tôi, nhà mạng nên tỏ thiện chí bằng việc hỗ trợ, chẳng hạn như giảm giá cước hoặc không tính cước cho khách hàng 20% hoặc 30% trên hóa đơn thanh toán của khách hàng“.

Theo báo Tuổi trẻ

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2052627/su-co-ba-tuyen-cap-quang-bien-nha-mang-im-lang-chuyen-den-bu

Add Comment