Blog: Trung Quốc đang dẫn trước trong cuộc đua Blockchain, Mỹ sẽ làm gì?

Coin68 Blog: Trung Quốc đang dẫn trước trong cuộc đua Blockchain, Mỹ sẽ làm gì?
Blog: Trung Quốc đang dẫn trước trong cuộc đua Blockchain, Mỹ sẽ làm gì?

Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được tham khảo từ bài viết của Michael J.Casey, đăng tải trên Coindesk.

Kể từ khi bắt đầu mở cửa hội nhập và vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn luôn khét tiếng với phong cách “làm rồi mới nói” của mình. Các quan chức Trung Quốc có vẻ không hứng thú với những phát ngôn rung cây dọa khỉ nên thường khi họ công bố điều gì đó với thế giới, họ đã có những bước tiến rất xa rồi.

Đặt trong bối cảnh những chuyển động của lĩnh vực blockchain tại quốc gia này thời gian qua, chúng ta cũng có thể tin vào điều tương tự. Mặc dù đến tận thời gian gần đây, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới lên tiếng cổ vũ cho những tiến bộ blockchain ở Đại Lục, sẽ là ngây thơ nếu chúng ta tin rằng đến tận lúc đó người Trung Quốc mới bắt đầu “lên gân” cho cuộc đua blockchain. Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, những tiến bộ trong lĩnh vực blockchain mà Trung Quốc đã đạt được nhiều khả năng đã vượt qua tất cả các quốc gia khác, kể cả Mỹ.

Vậy họ (người Mỹ và cả các quốc gia châu Âu) đang làm gì trong cuộc đua này?

Chà…

Phương Tây loay hoay trước những cải tiến

Nói đi cũng phải nói lại, nhiều chuyên gia cũng không nghĩ nhà nước nhúng tay vào việc thúc đẩy sự phát triển blockchain là một ý hay. Bởi vì khi đó, blockchain sẽ chẳng hơn gì một mạng lưới tập quyền và chịu ảnh hưởng từ các chính khách của quốc gia này, và trở thành công cụ của nhà cầm quyền chứ không phục vụ hoàn toàn cho lợi ích của người dùng những gì chúng ta định nghĩa về công nghệ này.

Tuy nhiên, chỉ vì cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các sổ cái phân tán không phù hợp với lý tưởng của tiền điện tử và có khả năng phục vụ cho một nhóm lợi ích không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua và lờ đi những gì xảy ra.

Đồng thời, chúng ta cũng phải xem xét những động thái này song song với những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật mà Trung Quốc đang đạt được trong những lĩnh vực khác, vì blockchain sẽ chẳng làm được gì cả nếu nó đứng một mình. Như đã nói ở trên, các lãnh đạo Trung Quốc không hứng thú với những phát ngôn vô thưởng vô phạt, ngay sau khi Chủ tịch nước phát biểu úy lạo tinh thần anh em, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lập tức thông báo rằng họ chuẩn bị phát hành đồng tiền số quốc gia, đồng thời Quốc hội nước này cũng thông qua dự luật về khung pháp lý cho blockchain và tiền điện tử, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm sau. Những động thái trên nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng gần như nằm ngoài tầm với của các quốc gia khác trong thời điểm hiện tại, ngay cả với Mỹ – do những mâu thuẫn nội bộ khó lòng dàn xếp trong ngày một ngày hai.

Image result for china blockchain
Mỉa mai thay, mô hình nhà nước của Trung Quốc lại cho phép họ đạt được lợi thế trong cuộc đua công nghệ với phương Tây

Tạm gác lại những định hướng vĩ mô ở tầm quốc gia, không nói đâu xa, thị trường tiền điện tử trong hiện tại cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ các dự án “made in China”, từ các sàn giao dịch, các dự án nền tảng hay các ứng dụng tập trung vào một lĩnh vực nhất định.

Vậy người Mỹ phản ứng thế nào?

Trong một thế giới lý tưởng, nước Mỹ có thể tạo điều kiện cho những nhà phát triển và nhà đầu tư của họ làm những điều mà những đồng nghiệp ở phía bên kia Thái Bình Dương không bao giờ được phép: xây dựng một mạng lưới mở, phân quyền và tách biệt khỏi những ảnh hưởng chính trị.

“Cởi mở” từng là một tính từ được người ta nhắc đến đầu tiên khi mô tả về hệ thống kinh tế của Mỹ, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón những ý tưởng mới, miễn là điều đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung.

Đáng buồn thay, sau khi trải qua hàng loạt bong bóng cũng như khủng hoảng kinh tế, các cơ quan quản lý cùng nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Định hướng bảo hộ thương mại của Chính quyền Tổng thống Trump – được đánh dấu bằng cuộc chiến thuế quan tàn khốc với Trung Quốc – và tuyên bố của Tổng thống về tập trung mọi nguồn lực để đưa nước Mỹ trở lại vị thế của mình, khiến cho những phiêu lưu và thử nghiệm trong giai đoạn này trở thành ưu tiên thứ yếu.

Tuy nhiên, Mỹ có một lịch sử hào nhoáng trong việc đánh bại kẻ thù của mình bằng cách cởi mở hơn với nhiều điều mới mẻ. Đó là chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, khi chính sách kinh tế và đối ngoại không khéo của tổng thống đảng Cộng hòa Ronald Reagan đã góp phần rất lớn trong việc kéo sập siêu cường đối lập – Liên Xô. Gần đây hơn, vào thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX, chính những chính sách thúc đẩy thương mại tự do và internet đã đưa nước Mỹ đến vị thế hiện tại.

Nhưng họ có thể tiếp tục làm vậy không?

Những quốc gia phương Tây như Mỹ và EU vẫn đang vật lộn để xây dựng khung pháp lý cho tiền điện tử, đặc biệt là khi các chuyên gia kinh tế vẫn không thể đồng ý với nhau rằng tiền điện tử có thể trở thành cú hích cho thế giới hay chỉ đơn thuần là một loại “bánh vẽ”. Tuy nhiên, nếu những quốc gia này đặt mục tiêu là xây dựng các dự án tiền điện tử và hệ thống blockchain để vượt mặt các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đã được cái gật đầu xác nhận hỗ trợ từ chính phủ, qua đó gây áp lực với Bắc Kinh trong cuộc đua này thì ngành công nghiệp này nhiều khả năng sẽ phát triển vượt bậc. Nhưng liệu đó có phải là điều chúng ta trông đợi?

Thực ra, tôi không quá trông chờ vào một chính sách như vậy từ Washington, bởi vì điều có nghĩa là loại bỏ các rào cản đối với bitcoin và các loại tiền điện tử khác, bao gồm cả Libra và một cơ số các stablecoin khác. Trong thời điểm hiện tại, chỉ cần Mỹ có một chút đồng thái mềm mỏng với tiền điện tử thôi cũng có thể dẫn đến việc từ bỏ vị thế đồng tiền dự trữ cho toàn thế giới của đồng USD. Chưa cần bàn đến liệu đó có phải là một việc nên làm hay không, một nước đi như vậy sẽ rất khó chấp nhận ở khía cạnh kinh tế vĩ mô.

Related image
Người đàn ông quyền lực nhất thế giới nhiều khả năng sẽ không đưa ra những phát biểu về blockchain giống như Chủ tịch Trung Quốc

Tiếp đó, như đã nói ở trên, Donald Trump là một chính trị gia khép kín, luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết và nhìn nhận bàn cờ kinh tế là một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game). Khả năng Trump chấp nhận Bitcoin cũng tròm trèm số không.

Nhưng gì thì gì, môi trường chính trị ở Mỹ hoàn toàn có thể thay đổi, đó cũng là cái hay của dân chủ. Biết đâu sau cuộc bầu cử năm 2020, chú Sam lại có một bộ sậu cởi mở với những phát kiến mới, sẵn sàng làm việc nghiêm túc với blockchain để công nghệ này có thể phát huy được hết tiềm năng thực sự của nó, đồng thời cạnh tranh một cách sòng phẳng với những người Trung Quốc.

Hồng Phong

Add Comment