Bộ Tài chính Mỹ “hồi sinh” quy định quản lý ví crypto gây tranh cãi

Bộ Tài chính Mỹ được cho là sẽ công bố quy định KYC ví tiền mã hóa bất kể nó thuộc dạng có lưu ký hay phi lưu ký.

Bộ Tài chính Mỹ “hồi sinh” quy định quản lý ví crypto gây tranh cãi

Quy định ấy trên thực tế đã được đề xuất vào cuối năm 2020 bởi Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN), dưới sự chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thuộc chính quyền Trump. Tuy nhiên, sau khi ông Biden lên làm Tổng thống, đề xuất tưởng như đã rơi vào quên lãng, cho đến ngày hôm nay.

Sáng ngày 30/01, báo CoinDesk đưa tin đương kim Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tái công bố đề xuất này trên Công báo Liên bang vào ngày 31/01, bước đầu tiên để lấy ý kiến dư luận về việc triển khai quy định đó.

Thông báo của Bộ Tài chính viết:

“FinCEN đang đề xuất sửa đổi các quy định của Đạo luật Bí mật Ngân hàng để yêu cầu các ngân hàng và dịch vụ xử lý tiền tệ phải nộp báo cáo, sao lưu dữ liệu và xác minh danh tính khách hàng có liên quan đến các giao dịch tiền kỹ thuật số hoặc tài sản mã hóa đã được công nhận làm tiền tệ được nắm giữ trong các ví tiền phi lưu ký hoặc lưu ký tại những vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của FinCEN.”

Hiện vẫn chưa rõ quy định cụ thể của đề xuất trên, cũng như có sự thay đổi nào so với phiên bản 2020 không. Như đã được đưa tin, quy định 2020 yêu cầu áp đặt biện pháp xác minh danh tính khác hàng (KYC) đối với các giao dịch rút tiền có giá trị từ 3.000 USD trở lên. Còn với các giao dịch có giá trị lớn hơn 10.000 USD, các công ty sẽ phải báo cáo trực tiếp lên FinCEN. Những thông tin khách hàng được yêu cầu phải thu thập bao gồm dữ liệu về giao dịch, tên và địa chỉ của hai bên tham gia giao dịch.

Cộng đồng tiền mã hóa khi ấy đã kịch liệt phản đối quy định đó, vì họ cho rằng nó không thể thực hiện được. Vì bản chất phi tập trung của lĩnh vực crypto, nhiều sàn giao dịch, trong đó có nền tảng lớn nhất nước Mỹ Coinbase, tuyên bố sẽ không thể giám sát được nguồn tiền từ các ví phi lưu ký (tức ví không thuộc quyền quản lý của sàn), cũng như theo dấu những giao dịch tương tác với hợp đồng tương lai (smart contract).

Ngoài ra, vì crypto là một thị trường online toàn cầu và cực kỳ phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà vấn đề định danh chưa được đề cao, việc thu thập thông tin khách hàng để đảm bảo tuân thủ sẽ là vô cùng khó khăn. Đã có một số ý kiến cho rằng để chắc chắn không phạm luật, các công ty crypto Mỹ sẽ phải từ bỏ thị trường quốc tế hoặc di chuyển sang các quốc gia khác, điều mà sẽ chỉ gây hại cho sự phát triển của lĩnh vực tiền mã hóa tại xứ cờ hoa.

Bộ Tài chính Mỹ hiện còn đang đảm nhận trọng trách phải định nghĩa thế nào là “nhà môi giới tiền mã hóa” theo như điều khoản luật đánh thuế crypto, vốn bị nhiều chính trị gia chỉ trích là “mơ hồ” và “đánh đồng” nhiều thành phần khác nhau trong lĩnh vực tiền mã hóa để có thể dễ dàng tính thuế.

Trong những tháng qua, mảng pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, với nhiều đề xuất quản lý crypto sắp được các nghị sĩ công bố. Nhà Trắng mới đây tiết lộ Tổng thống Biden có thể sẽ ra mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ tăng cường giám sát lĩnh vực tiền mã hóa sau một năm tăng trưởng bùng nổ của cả giá tiền mã hóa lẫn các khía cạnh đầu cơ đang nổi như NFT. Sở Thuế vụ IRS trong tháng 01/2022 cũng tỏ ý muốn đánh thuế lợi nhuận từ cả nhà đầu tư crypto lẫn NFT.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều ứng viên cho các vị trí trong chính quyền lại đang sử dụng quân bài “tiếp nhận tiền mã hóa” như là lợi thế thu hút cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.

tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

Add Comment