Giao dịch phái sinh crypto là gì? Tổng quan về giao dịch phái sinh, lợi ích và rủi ro

Sau cơn sốt ICO, IEO trong quá khứ, thời gian gần đây, cộng đồng Crypto đang đón chào một xu hướng mới đó là Phái sinh Tiền điện tử. Vậy xu hướng mới này là gì và lợi ích cũng như rủi ro của hình thức trên là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé

giao-dich-phat-sinh-crypto

Phái sinh tiền điện tử là gì?

Trước hết, để dễ tiếp cận hơn, ta hãy đi tìm định nghĩa “Phái sinh” của các tài sản truyền thống. Phái sinh, về bản chất, là một loại tài sản thừa hưởng giá trị từ một tài sản gốc đồng thời bản thân chúng không có giá trị nội tại.

Những dạng phái sinh thường gặp đó là Hợp đồng Tương lai (Futures), Hợp đồng Quyền chọn (Options), Hợp đồng Hoán đổi (Swap). Mỗi loại hợp đồng này có những quy định chi tiết khác nhau và nếu có cơ hội sẽ tiếp tục có những bài viết chuyên sâu hơn.

Vậy theo định nghĩa trên, phái sinh tiền điện tử đơn giản chỉ là các loại tài sản thừa hưởng giá trị từ tài sản gốc, mà ở đây là tiền điện tử.

Một số nền tảng mà anh em có thể giao dịch phái sinh tiền điện tử hiện tại là BitMEX, Binance Futures, FTX hay Snapex. Mỗi nền tảng thì sẽ đính kèm bài viết giới thiệu cũng như hướng dẫn ở cuối bài, anh em có thể theo dõi tìm hiểu thêm nhé!

Tại sao phải có phái sinh tiền điện tử? Lợi ích của tài sản phái sinh là gì?

Đầu tiên, ứng dụng quan trọng nhất của hình thức phái sinh là giảm thiểu rủi ro. Để dễ hình dung thì chúng ta sẽ phân tích một ví dụ vui dưới đây nhé:

Ông CZ, một người kinh doanh cần một lượng lớn tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) để vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên bản chất Bitcoin là biến động mạnh và trồi sụt. Nhiều khi hôm nay mua được giá tốt là 7 hay 8.000 USD, nhưng tháng sau có thể phải mua một BTC với giá 10.000 hay 20.000 USD.

Như vậy, chi phí vận hành doanh nghiệp của ông CZ sẽ bị đội lên đáng kể trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề trên, ông CZ sẽ mua lượng BTC trong tương lai với giá 7.000 USD ngay bây giờ cho nó chắc cốp, đỡ phải suy nghĩ nhiều. Nhờ đó, CZ cũng có thể chủ động được chi phí ước tính cho công ty.

Tất nhiên, sẽ có trường hợp mua 7.000 USD tháng này, tháng sau BTC giảm xuống còn 6.000 USD thì CZ sẽ lỗ. Dù vậy, CZ chỉ lỗ nếu đứng ở phương diện coi BTC là công cụ đầu tư, nhưng nếu đứng ở phương diện phòng ngừa rủi ro, ông CZ đã có lợi khi chủ động được chi phí bằng việc sử  công cụ Phái sinh.

Thứ hai, công cụ phái sinh giúp bình ổn thị trường. Trước hết, với mức đòn bẩy cao mà các sàn cung cấp, nhiều trader sẽ đặt lệnh theo hai chiều để tận dụng được triệt để sự dao động của thị trường.

Ngoài ra, mức phí qua đêm ở nhiều sàn khá cao, rủi ro đòn bẩy lớn, hiếm có trader nào muốn đặt một lệnh quá lâu. Chính điều này cũng góp phần khiến giá Bitcoin có hai chiều di chuyển với lực mua (long) đẩy giá lên và lực bán (short) kéo giá xuống, giúp đồng coin này dao động quanh một mức giá và ít biến động hơn.

Bên cạnh đó, giá đóng hợp đồng tương lai và giá giao dịch spot trading thường sẽ có xu hướng tiệm cận nhau, điều này cũng giúp BTC có một chỉ số giá, một nơi để neo đậu, giúp Bitcoin ít biến động hơn thời kì chỉ bị chi phối bởi những lệnh spot thông thường.

Như ta có thể thấy, với trường hợp giá future cao hơn giá spot ở hình bên trái, thị trường sẽ có xu hướng kéo hai mức giá này gần nhau khi sát đến ngày đáo hạn (Expiration). Điều tương tự cũng diễn ra với trường hợp bên phải.

Với cơ sở đó, mức giá Phái sinh (tượng trưng cho niềm tin của mọi người vào tương lai) sẽ gần hơn với mức giá Spot (mức giá “cả” hiện tại), giúp Bitcoin không còn sự mung lung như trước khi các công cụ phái sinh nở rộ.

Thứ ba, phái sinh là công cụ dự đoán giá trong tương lai. Trên các sàn phái sinh thường sẽ có chỉ số Open Interest và Funding Interest. Nói một cách dễ hiểu là các chỉ số này cho biết lượng lệnh long (mua vào) nhiều hơn hay lượng lệnh short (bán ra) nhiều hơn.

Với những chỉ số mang lại góc nhìn tổng quan về tâm lý thị trường như vậy, anh em sẽ có thêm công cụ để dự đoán được chiều và xu hướng giá trong tương lai.

Rủi ro của hình thức phái sinh tiền điện tử là gì?

Thứ nhất, đó chính là đòn bẩy cao. Tất nhiên nếu chỉnh đòn bẩy lên cao thì anh em sẽ có cơ hội có lợi nhuận lớn. Nhưng bên cạnh đó nếu thị trường đi ngược dự đoán của mình, khoản lỗ chúng ta phải chịu cũng là lớn không kém.

Ngoài ra các phí giao dịch cũng được tính dựa trên tỉ lệ đòn bẩy của bạn. Anh em nào chơi đòn bẩy càng cao, phí giao dịch sẽ nhân theo hệ số đòn bẩy tương ứng.

Thứ hai, đó chính là sự thao túng trên các nền tảng giao dịch. Chắc hẳn một số anh em có nghe qua thuật ngữ “kill long” hay “kill short”.

Khi xuất hiện các lệnh “long” với lượng lớn, nhưng lại nằm chờ ở ngưỡng giá thấp, thị trường sẽ bị trì trệ và gần như không dịch chuyển.

Lúc này sẽ có một lượng tiền khổng lồ thực hiện đợt bán ra mạnh, xuyên qua vùng giá đang có cách lệnh “long” chờ sẵn và thanh khoản hoá các lệnh này cho đến khi những ai đang kỳ vọng “bắt đáy” không thể gồng nổi rồi sẽ phải thoát lệnh.

Sau đó, thị trường sẽ nhanh chóng quay trở lại ngưỡng giá cũ như chưa có chuyện gì xảy ra. Đó là kill long và điều tương tự diễn ra theo chiều ngược lại với kill short.

Mỗi lần kill như thế sẽ giúp thị trường quay về trạng thái giao dịch sôi nổi và có giả thuyết cho rằng các sàn hay nền tảng giao dịch là những người hưởng lợi và đứng sau giật dây cho việc này. Song những giả thuyết kia vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể để chứng minh.

Cuối cùng, đó chính là sự phức tạp nằm ở bản chất giá trị cũng như cơ chế của loại phái sinh anh em muốn tham gia. Anh em cần tìm hiểu kĩ là sau khi đáo hạn hợp đồng, tài sản mình nắm giữ là gì, là BTC hay USDT, vì các hợp đồng sẽ có điều khoản bàn giao khác nhau.

Cũng phải nhấn mạnh một lần nữa, rằng giá trị tài sản phái sinh là được thừa hưởng từ tài sản gốc và có thể coi là “niềm tin” của người tham gia về giá trong tương lai, nên những biến động chắc chắn là sẽ có.

Gần đây cũng xuất hiện thêm một số loại token đòn bẩy như BULL, BEAR của FTX neo giá vào các tài sản kĩ thuật số như Bitcoin hay ETH. Nên nếu muốn tham gia anh em cũng nên cân nhắc tìm hiểu cặn kẽ bản chất. cũng sẽ đính kèm bài giới thiệu tại đây.

BULL, BEAR, ETH BULL và ETH BEAR là gì? Lợi ích và rủi ro của token đòn bẩy (Leveraged tokens)

Như vậy là đã giới thiệu cho anh em sơ nét về phái sinh tiền điện tử là gì, lợi ích và rủi ro. Anh em muốn tham gia luôn thị trường thì có thể đọc qua về các nền tảng phổ biến hiện tại như Binance Futures, FTX, Snapex.

Hi vọng là bài viết này sẽ có ích với anh em. Chúc anh em sẽ có những trải nghiệm giao dịch thật tuyệt vời!!!

Add Comment