Hedging là gì? Có nên sử dụng hedging trong forex hay không?

Hedging hay giao dịch đối ứng, là một biện pháp phòng ngừa rủi ro cho một vị thế được mở trên thị trường, nhằm chống lại những biến động đi ngược hướng kỳ vọng. Hedging thường được nhà đầu tư sử dụng phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán và công cụ hedging hiệu quả trên thị trường này chính là các sản phẩm chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai hay quyền chọn. Trong forex, hedging được xem là một công cụ phòng ngừa rủi ro ưa thích của khá nhiều các trader chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung, số đông còn lại không biết đến hoặc chưa hiểu rõ về công cụ này.

Vậy, Hedging chính xác là gì? Cách thực hiện như thế nào và có nên hedging trong giao dịch forex hay không? Tất cả sẽ được giải đáp ở những nội dung tiếp theo của bài viết.

Hedging là gì? Các công cụ Hedging trên thị trường tài chính.

Hedge hay hedging là một phương pháp phòng ngừa rủi ro trong đầu tư tài chính. Mục đích của hedging là để bù đắp rủi ro cho những khoản đầu tư khi thị trường biến động ngược hướng kỳ vọng.

Về cơ bản, cách thức thực hiện hedging chính là việc mở một vị thế đối ứng hay ngược lại với vị thế chính, để nếu vị thế chính gặp rủi ro thì vị thế phòng ngừa sẽ có lợi nhuận và bù đắp được một phần thua lỗ cho vị thế chính đó.

Tùy thuộc vào mỗi thị trường tài chính mà có những công cụ và cách thức hedging khác nhau.

Ví dụ 1: hedging bằng hợp đồng quyền chọn trên thị trường chứng khoán

Cho rằng giá cổ phiếu A sẽ tăng lên trong dài hạn, bạn mua cổ phiếu A ở mức giá hiện tại là 50 nghìn/1 cổ phiếu.

Ngay lập tức sau đó, có một nguồn tin nội bộ cho rằng công ty A sắp bị vỡ nợ. Nếu thông tin chính xác, các bạn sẽ gặp rủi ro lớn khi ôm “nguyên đống giấy vụn” của công ty này.

Để phòng ngừa rủi ro cho giao dịch mua cổ phiếu A, các bạn quyết định mua quyền chọn Bán cổ phiếu A với mức giá thực hiện là 48 nghìn/cổ phiếu. Đến thời gian đáo hạn của hợp đồng quyền chọn, giả sử giá cổ phiếu công ty A giảm rất mạnh, chỉ còn 12 nghìn, lúc này, các bạn được phép thực hiện quyền của mình, tức là bán cổ phiếu A với giá 48 nghìn đã ấn định trong hợp đồng. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu A tăng mạnh, lên đến 70 nghìn, các bạn có thể lựa chọn không thực hiện quyền. Sau đó bán cổ phiếu A với mức giá trên thị trường, thu về lợi nhuận cao. Chi phí cho giao dịch phòng ngừa rủi ro này chính là mức phí bạn bỏ ra để mua hợp đồng quyền chọn đó.

Ví dụ 2: hedging bằng hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hóa.

Một công ty sản xuất chăn dự định sẽ mua nguyên liệu bông vào 3 tháng tới. Nhưng vì lo ngại thị trường bông có thể sẽ tăng mạnh nên đã phòng ngừa rủi ro bằng cách ký một hợp đồng tương lai với bên bán. Theo đó, công ty này sẽ được mua một lượng bông cụ thể với một mức giá được ấn định trước sau 3 tháng nữa. Đúng 3 tháng, bên bán sẽ giao bông cho công ty và công ty sẽ trả cho họ mức giá như đã thỏa thuận mặc cho giá bông lúc đó trên thị trường tăng hoặc giảm. Nếu thật sự giá bông tăng lên, công ty đã thành công trong việc phòng ngừa rủi ro bằng hợp đồng tương lai.

Trên thực tế, các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều trường hợp hedging, trong đó việc mua bảo hiểm chính là một cách thức phòng ngừa rủi ro thường thấy nhất. Nếu rủi ro xảy ra, các bạn sẽ nhận được một số tiền bồi thường lớn, nếu không thì các bạn cũng nhận được sự an tâm với số phí đã bỏ ra.

Các chiến lược hedging trong forex

Trong thị trường forex, nhà đầu tư được phép hedging với 3 công cụ hay 3 chiến lược khác nhau:

Chiến lược Hedging trực tiếp

Đây là kỹ thuật phòng ngừa rủi ro đơn giản nhất trong đầu tư forex. Với kỹ thuật này, các bạn có thể mở một lệnh giao dịch đối ứng lại với vị thế hiện tại, nghĩa là có thể đặt lệnh mua và bán cùng lúc với cùng một cặp tiền tệ. Khối lượng giao dịch của 2 lệnh này có thể khác nhau.

Ví dụ: với phương pháp phân tích của mình, bạn kỳ vọng rằng giá EUR/USD sẽ tăng lên và quyết định đặt lệnh Buy 0.5 lots cặp tiền này. Tuy nhiên, tại thời điểm đặt lệnh cũng là lúc xuất hiện một tin tức bất lợi cho đồng EUR. Vì lo ngại thị trường sẽ có những biến động lớn, bạn quyết định hedging bằng cách đặt thêm một lệnh Sell 0.5 lots EUR/USD.

Việc của bạn bây giờ là theo dõi thị trường để đưa ra những quyết định chính xác nhất. Có 2 trường hợp có thể xảy ra:

  • Một, tỷ giá EUR/USD tăng lên. Lệnh Buy lời, lệnh Sell lỗ. Lúc này, nếu bạn cảm thấy thị trường chắc chắn đi lên theo đúng kỳ vọng, bạn có thể đóng lệnh Sell hoặc đặt stop loss. Nếu dự đoán đúng, bạn sẽ mất một khoản tiền cho lệnh Sell nhưng bù lại lệnh Buy đạt được lợi nhuận trong dài hạn. Nếu dự đoán sai, ngay sau khi đóng lệnh Sell hoặc lệnh Sell bị chạm stop loss, giá quay đầu đi xuống, bạn sẽ thua lỗ ở cả 2 lệnh. Lúc này, hedging không hiệu quả, hãy xem xét lại hệ thống giao dịch của mình.
  • Hai, tỷ giá EUR/USD giảm xuống. Lệnh Buy đang lỗ, lệnh Sell đang lời. Mặc dù, tỷ giá có giảm nhưng bạn vẫn tin rằng thị trường sẽ đi lên trong dài hạn, tác động của tin tức chỉ là tác động ngắn hạn. Lúc này, khi thị trường đã giảm đến một mức mà bạn cho rằng sau mức đó nó sẽ đi lên lại, bạn quyết định đóng lệnh Sell để chốt lời và tiếp tục duy trì lệnh Buy. Nếu bạn dự đoán đúng, cả 2 lệnh cùng có lời. Ngược lại, nếu dự đoán sai, ngay sau khi đóng lệnh Sell, thị trường lại tiếp tục đi xuống nữa, lệnh Buy của bạn sẽ thua lỗ nhiều hơn, nhưng ít nhất đã được bù đắp một phần từ lợi nhuận của lệnh Sell.

Kỹ thuật hedging trực tiếp rất dễ thực hiện, nhưng quan trọng ở chỗ các bạn phải đủ tỉnh táo để nhận định chính xác hướng đi của giá để đạt được mục đích cuối cùng là phòng ngừa rủi ro chứ không phải là gia tăng rủi ro.

Chiến lược hedging nhiều loại tiền tệ

Với kỹ thuật này, các bạn có thể sử dụng một cặp tiền khác để hedging cho cặp tiền mà mình đang muốn bảo vệ.

Để thực hiện được chiến lược hedging nhiều loại tiền tệ, các bạn phải chọn được cặp tiền có tương quan mạnh mẽ với cặp tiền mình đang giao dịch. Nếu sự tương quan là thuận chiều thì mở 2 vị thế đối nhau, nếu sự tương quan là nghịch chiều thì mở 2 vị thế giống nhau.

Một công cụ rất hữu ích giúp các bạn xác định mối tương quan của các cặp tiền tệ trong forex chính là ma trận hệ số tương quan (Correlation Matrix). Công cụ này thường sẽ được các broker cung cấp cho trader, các bạn phải tải về và cài đặt vào phần mềm giao dịch.

Ví dụ: các bạn đang muốn mở một lệnh Buy cặp EUR/USD. Để phòng ngừa rủi ro cho vị thế này, các bạn mở một lệnh Buy cặp USD/JPY, vì 2 cặp này có hệ số tương quan là -83. Hoặc một lệnh Sell EUR/CAD sẽ là một chiến lược hedging cho vị thế Buy cặp USD/CAD vì hệ số tương quan giữa 2 cặp này là +91.

Các tình huống xảy ra các bạn có thể lập luận tương tự như chiến lược hedging trực tiếp.

Chiến lược hedging với hợp đồng quyền chọn.

Cách thức thực hiện cũng khá giống với phương pháp phòng ngừa rủi ro bằng quyền chọn trên thị trường chứng khoán đã được trình bày ở phần đầu tiên. Ở đây, chúng tôi sẽ lấy thêm ví dụ về hedging trong forex trading để các bạn dễ hình dung hơn.

Ví dụ: các bạn Buy cặp EUR/USD tại mức giá 1.17543, để hedging cho vị thế này, các bạn mua một Quyền chọn Bán EUR/USD với giá thực hiện là 1.16700. Nếu tỷ giá EUR/USD tăng lên như kỳ vọng, các bạn đóng lệnh Buy ban đầu để chốt lợi nhuận và được quyền không thực hiện quyền chọn. Ngược lại, nếu tỷ giá EUR/USD giảm mạnh, bạn được quyền bán cặp tiền này với mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng, tất nhiên là lệnh Buy ban đầu sẽ lỗ nhưng rủi ro đã được bù đắp từ lợi nhuận của Quyền chọn Bán. Trong cả 2 trường hợp thì các bạn đều sẽ mất một khoản phí để mua Quyền chọn.

Chiến lược hedging bằng hợp đồng Quyền chọn được thực hiện với các vị thế đối ứng như sau:

  • Mở lệnh Buy forex thì hedging bằng vị thế Mua Quyền chọn Bán hoặc Bán Quyền chọn Mua.
  • Mở lệnh Sell forex thì hedging bằng vị thế Mua Quyền chọn Mua hoặc Bán Quyền chọn Bán.

Trên thực tế, đa số các sàn forex đều cho phép trader hedging theo chiến lược thứ hai, 2 chiến lược còn lại thì ít hơn. Đặc biệt, chỉ có một số rất ít các forex broker cung cấp hợp đồng quyền chọn, nên chiến lược hedging thứ 3 thường ít xảy ra nhất.

Có nên hedging trong forex không?

Câu trả lời chắc chắn là có, vì hedging có thể giúp các bạn giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động. Nhưng, chỉ hedging với đúng mục đích và bản chất của nó. Đừng lạm dụng và sử dụng một cách “không có ý thức”.

Thông thường, một nhà đầu tư thực hiện hedging khi họ không thể đóng giao dịch vì một lý do nào đó và mục đích chủ yếu của họ vẫn là để phòng ngừa rủi ro cho giao dịch này. Nếu may mắn, họ sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận hoặc ít nhất sẽ bù đắp được một phần rủi ro.

Bên cạnh đó, lại có rất nhiều người lạm dụng công cụ này mà giao dịch Buy-Sell loạn xạ, chúng tôi tạm gọi là “hedging không có ý thức”. Khi đặt lệnh Buy, giá vừa mới đi xuống thì vào ngay lệnh Sell đối ứng, khi lệnh Sell vừa có lợi nhuận thì bắt đầu đóng lệnh, nhưng khi vừa đóng lệnh thì giá lại tiếp tục giảm khiến cho lệnh Buy ban đầu mất nhiều hơn, rồi lại vào tiếp một lệnh Sell khác. Việc đặt nhiều lệnh liên tục như vậy thực chất không phải là đang hedging mà chỉ làm cho họ mất thêm nhiều khoản chi phí giao dịch hơn.

Bạn phải biết rằng, tất cả các chiến lược hedging đều không miễn phí. Cái giá mà bạn phải trả khi hedging chính là khiến cho chi phí giao dịch của bạn tăng lên do đặt nhiều lệnh hơn hoặc phải bỏ tiền ra mua các công cụ hedging như hợp đồng quyền chọn, tương lai…. Nếu hedging hiệu quả, lợi nhuận có thể bù đắp được những khoản chi phí đó, nếu không, bạn sẽ mất nhiều hơn.

Chính vì vậy, chúng tôi chỉ khuyến khích các bạn hedging trong trường hợp các bạn có một hệ thống giao dịch tốt, vì một sự kiện nào đó mà thị trường có thể biến động và ảnh hưởng đến các giao dịch này, khi đó, việc hedging mới có ý nghĩa và phát huy hết hiệu quả của nó.

Tất nhiên, hedging vẫn có thể là một công cụ để gia tăng lợi nhuận, nhưng nó chỉ thật sự hiệu quả với những trader chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Với những trader mới, các bạn nên sử dụng hedging đúng với mục đích của nó.

Qua những gì mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết này, hy vọng các bạn đã hiểu được phần nào về hedging và cách sử dụng hiệu quả các chiến lược phòng ngừa rủi ro trong forex. Một hệ thống giao dịch tốt, một chiến lược hedging phù hợp sẽ giúp bạn ứng phó hiệu quả với những biến động lớn từ thị trường này. 

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Add Comment