Inside bar là gì? Cách giao dịch với mô hình Inside bar

Nếu trader nào đang giao dịch theo trường phái Price Action thì có lẽ đã không còn quá xa lạ với Inside bar, đây là một trong 3 mô hình nến quan trọng nhất của phương pháp Price Action, bên cạnh Pin barFakey. Inside bar không quá khó để giao dịch nhưng có khá nhiều trader, đặc biệt là những trader mới tiếp cận mô hình này một cách không đầy đủ và cứng nhắc, khiến cho việc vận dụng Inside bar chưa được hiệu quả, chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn điều này ở những phần sau của bài viết.

Inside bar là gì? Đặc điểm và ý nghĩa của mô hình Inside bar

Inside bar là một mô hình nến Nhật cơ bản nhưng rất mạnh trong số các mẫu hình quan trọng của phương pháp Price Action, Inside bar phù hợp với tất cả các thị trường tài chính, bao gồm chứng khoán, forex, tiền điện tử và cả binary option.

Mô hình Inside bar cho biết thị trường đang tích lũy, cả 2 phe bán và mua đang giảm lực để chuẩn bị đẩy giá đi mạnh hơn theo kỳ vọng. Sau quá trình tích lũy, giá sẽ bức phá nhưng không biết sẽ theo hướng nào, lực bức phá đủ mạnh để trader có thể thu lợi từ mô hình.

Đặc điểm của mô hình Inside bar

Mô hình Inside bar bao gồm 2 cây nến trở lên với cây nến đầu tiên có độ dài lớn nhất (tính từ giá Low đến giá High), được gọi là cây nến mẹ (mother bar), các cây nến phía sau nằm gọn bên trong độ dài của cây nến mẹ, gọi là nến con hay Inside bar.

Mô hình Inside bar cơ bản: là mô hình Inside bar chỉ bao gồm 1 nến con.

Một mô hình Inside bar điển hình thì màu sắc của mother bar và Inside bar phải khác nhau. Tuy nhiên, Với Price Action thì không quan trọng, có thể giống hoặc có thể khác, điều cốt lõi là độ dài của các cây nến phải phù hợp với mô hình. Đây chính là dẫn chứng thứ nhất cho sự tiếp cận còn hạn chế của các trader mới. Khi bắt đầu nghiên cứu Inside bar, các bạn sẽ thấy người ta mặc định màu sắc của nến mẹ và nến con là khác nhau mà không hề lưu ý về vấn đề này, cho nên, khi áp dụng vào thực tế, các bạn thường chỉ giao dịch khi bắt gặp mô hình này với mother bar và Inside bar khác màu, không để ý đến trường hợp còn lại nên dễ bỏ lỡ những cơ hội mang về lợi nhuận cao.

Sự tiếp cận hạn chế thứ 2 chính là ở các biến thể của mô hình Inside bar. Mô hình này không chỉ bao gồm 2 cây nến (1 mother bar, 1 inside bar) và chỉ có hình dạng giống như các mẫu trên hình mà còn rất nhiều biến thể khác nữa.

Mô hình Inside bar đa nến (double/multi Inside bar): là mô hình Inside bar bao gồm 2 nến con trở lên.

Số lượng nến con không quan trọng, chỉ cần thỏa mãn điều kiện các nến con nằm gọn bên trong nến mẹ thì đều là mô hình Inside bar. Đặc biệt, nến con càng nhiều, chứng tỏ quá trình tích lũy càng dài thì lực bức phá sẽ càng mạnh.

Mô hình Inside bar lồng vào nhau (Coiling Inside bar): là mô hình Inside bar có các nến con lồng vào nhau.


Đây là một dạng đặc biệt của mô hình Inside bar đa nến, các nến con lồng vào nhau, nến đứng trước trở thành mother bar của các cây nến phía sau nó. Mô hình này có hiệu lực cao hơn so với mô hình Inside bar đa nến, vì sự tích lũy diễn ra đều đặn và liên tục. Càng nhiều nến con lồng vào nhau thì lực bức phá của mô hình Inside bar càng mạnh.

Mô hình Inside bar – Pin bar kết hợp (Inside bar – Pin bar combo): là mô hình Inside bar có nến con là pin bar.


Xem lại: Pin bar là gì? Cách giao dịch hiệu quả với Pin bar.

Nếu mô hình Inside bar cho thấy sự tích lũy của thị trường và giá sẽ bức phá theo một hướng nhưng chưa rõ hướng nào, khi Pin bar xuất hiện trong mô hình ở vị trí nến con thì vai trò của nó chính là cung cấp tín hiệu rõ hơn về xu hướng bức phá của giá.

Mô hình phá vỡ giả của Inside bar (False breakout of Inside bar)

Cây nến thứ 3 chính là breakout bar (cây nến phá vỡ) của mô hình Inside bar phía trước nó. Khi breakout bar này kết thúc, nhiều trader sẽ lầm tưởng rằng Inside bar bị phá vỡ và vào lệnh theo hướng phá vỡ, nhưng không may, đó chỉ là một cú lừa đầy ngoạn mục từ thị trường, giá nhanh chóng đảo chiều mạnh, thân nến khá dài, lấp đầy chiều cao của toàn bộ mô hình, mở ra cho trader một hướng giao dịch mới, nên nó mới có tên gọi là False breakout of Inside bar.

Vì đặc biệt nên mô hình này không hẳn là một biến thể của Inside bar, và nó được xếp riêng vào một loại khác với tên gọi Fakey. Đây chính là 1 trong ba mô hình nến quan trọng trong Price Action mà chúng tôi đã nhắc đến ở phần mở đầu.

Các bạn có thể tìm hiểu riêng về nó qua bài viết Fakey là gì? Cách giao dịch với Fakey.

Ý nghĩa của mô hình Inside bar

Mô hình Inside bar cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tích lũy, nếu sau một xu hướng tăng mạnh thì nghĩa là phe mua bắt đầu giảm nhiệt, sau một xu hướng giảm mạnh thì phe bán đang chững lại, giảm lượng giao dịch, bằng chứng là mô hình Inside bar tạo đỉnh thấp hơn và đáy cao hơn.

Thông thường, mô hình Inside bar sẽ xuất hiện khi thị trường gần chạm những mức giá quan trọng, có thể là các ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự. Tại các mức giá quan trọng này, các trader sẽ trở nên thận trọng hơn và không dám mạo hiểm, điều này hình thành nên tình trạng tích lũy và khối lượng giao dịch giảm xuống đáng kể.

Có 2 kịch bản có thể xảy ra khi mô hình Inside bar xuất hiện:

  • Giá sẽ breakout mô hình, bức phá mạnh mẽ đi theo xu hướng ban đầu.
  • Các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự với lực cản mạnh làm cho giá dừng lại, quay đầu đảo chiều xu hướng.

Sự tiếp cận hạn chế thứ 3 chính là ở phần này. Đa số các trader thường chỉ trade theo hướng tiếp diễn mà quên đi khả năng đảo chiều khi giao dịch với mô hình Inside bar. Các bạn có thể chỉ trade tiếp diễn vì giao dịch đảo chiều không phải dễ, nhiều rủi ro, đặc biệt đối với những trader mới, nhưng phải nắm rõ bản chất của mô hình này là không phải lúc nào cũng tiếp diễn. Nhiều trader khi gặp Inside bar là nghiễm nhiên vào lệnh theo hướng tiếp diễn mà không cần phân tích hành động giá, đây là sai lầm lớn nhất.

Với mỗi kịch bản sẽ hình thành nên một phương pháp giao dịch cụ thể với mô hình này. Các bạn tiếp tục theo dõi cách giao dịch với Inside bar ở phần tiếp theo nhé.

Cách giao dịch với mô hình Inside bar

Giao dịch tiếp diễn xu hướng

Khi thị trường đang trong một xu hướng mạnh thì mô hình Inside bar sẽ cho tín hiệu tiếp diễn mạnh mẽ hơn so với tín hiệu đảo chiều.

Cách giao dịch với chiến lược này như sau:

  • Đầu tiên, xác định xu hướng chung của thị trường (tăng mạnh hay giảm mạnh)
  • Nếu là uptrend thì đặt một lệnh Buy Stop tại giá cao nhất của mother bar (khi giá vượt qua khỏi mức này, đồng nghĩa với mô hình Inside bar bị phá vỡ), hoặc để an toàn hơn, các bạn có thể chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận (nến tăng sau nến con và tạo đỉnh cao hơn mother bar) và vào lệnh Buy khi cây nến xác nhận này kết thúc.
  • Nếu là downtrend thì đặt một lệnh Sell Stop tại giá thấp nhất của mother bar, hoặc vào lệnh Sell khi cây nến xác nhận (nến giảm sau nến con và tạo đáy thấp hơn mother bar) kết thúc.
  • Đặt stop loss dưới đáy của mother bar 5-6 pips (uptrend) hoặc trên đỉnh mother bar 5-6 pips (downtrend). Take profit với tỷ lệ R:R tối thiểu 1:2.

Trong xu hướng mạnh thì mô hình Inside bar thường xuất hiện rất nhiều lần, nếu các bạn nhồi lệnh mỗi khi Inside bar xuất hiện thì lợi nhuận mang về sẽ rất lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý những vùng giá quan trọng để tránh trường hợp Inside bar đảo chiều.

Giao dịch đảo chiều xu hướng

Khi thị trường di chuyển đến các vùng giá quan trọng, giá thường sẽ bức phá theo hướng đảo chiều sau khi mô hình Inside bar hình thành.

Chiến lược giao dịch đảo chiều với Inside bar được thực hiện như sau:

  • Đầu tiên vẫn là xác định xu hướng chung của thị trường (uptrend, downtrend)
  • Xem xét giá hiện tại của thị trường có đang gần các vùng giá quan trọng hay không, nếu không thì chiến lược này sẽ không thực hiện được. Nếu có, hãy chờ đợi sự xuất hiện của mô hình Inside bar.
  • Khi mô hình Inside bar xuất hiện, xác định mô hình này đang nằm ở vùng giá quan trọng nào (vùng kháng cự hay hỗ trợ, mức cản càng mạnh thì khả năng đảo chiều càng lớn).
  • Vào lệnh ngay khi giá phá vỡ mô hình hoặc chờ đợi thêm sự xác nhận của confirm bar.
  • Đặt stop loss tại đỉnh của mother bar nếu là đảo chiều giảm và tại đáy của mother bar nếu là đảo chiều tăng. Take profit theo tỷ lệ R:R hợp lý.

Ở ví dụ trên, mô hình Inside bar xuất hiện đến 2 lần tại vùng kháng cự mạnh. Các bạn có thể áp dụng chiến lược đặt lệnh như trên hình, nghĩa là vào lệnh Sell khi cây nến xác nhận kết thúc hoặc có thể đặt lệnh Sell Stop tại giá thấp nhất của mother bar khi mô hình Inside bar xuất hiện tại mức kháng cự này. Bằng việc nhồi 2 lệnh liên tiếp, các bạn đã mang về một khoản lợi nhuận rất lớn. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy mô hình Inside bar lại xuất hiện thêm một lần nữa, tuy nhiên, mô hình này nằm khá xa vùng kháng cự, để có thể tự tin nhồi tiếp một lệnh Sell nữa trong tình huống này có thể là điều hết sức khó khăn, trừ khi các bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm phân tích hành động giá.

Giao dịch Inside bar với mối liên hệ giữa các khung thời gian

Đây là một chiến lược giao dịch với Inside bar khá thú vị. Với chiến lược này, các bạn sử dụng khung thời gian D1 để vào lệnh.

Hình trên là đồ thị của cặp USD/JPY trên khung thời gian D1. Thị trường đang trong xu hướng tăng, tuy nhiên, xu hướng này đã kéo dài một thời gian khá lâu. Khi mô hình Inside bar xuất hiện, chúng ta bắt đầu phân vân liệu rằng giá sẽ tiếp tục xu hướng hay đảo chiều. Nhưng các bạn có thể nghiêng về kịch bản đảo chiều nhiều hơn do xu hướng tăng đã duy trì khá lâu rồi. Để giao dịch đảo chiều với Inside bar, điều kiện cần là mô hình này phải xuất hiện tại một vùng giá quan trọng, nhưng nhìn quanh thì chẳng thấy đâu. Chúng tôi luôn nhắc các bạn rằng, để nhìn thị trường một cách tổng quát nhất, các bạn nên thu nhỏ biểu đồ giá lại.

Tại đây, chúng tôi tiến hành thu nhỏ biểu đồ lại theo chiều ngang, các bạn có thể quan sát ở hình dưới:

Vùng giá mà mô hình Inside bar xuất hiện ở thời điểm hiện tại (tháng 2/2020) cũng chính là vùng giá mà cặp tiền này đạt mức giá cao nhất trong năm qua, 2019. Đây là một mức kháng cự rất mạnh. Tại đây, các bạn hoàn toàn có thể tự tin để dự đoán rằng giá sẽ đảo chiều giảm. Nếu vẫn chưa đủ chắc chắn, hãy quát sát cặp tiền này trên khung thời gian nhỏ hơn (H4).

Các bạn có thể dễ dàng tưởng tượng rằng, một mô hình Inside bar ở khung thời gian lớn sẽ tạo thành một tam giác ở khung thời nhỏ hơn.

Giá đang hình thành mô hình tam giác trên khung thời gian H4, đây lại là mô hình tam giác giảm nên khả năng cao là giá sẽ phá vỡ giảm.

Đến đây thì các bạn đã đủ tự tin chưa?

Quay lại đồ thị trên khung thời gian D1, đặt một lệnh Sell Stop tại giá thấp nhất của mother bar, stop loss trên đỉnh của mother bar khoảng 5-6 pips. Hoặc đợi cây nến xác nhận kết thúc rồi vào lệnh Sell (nếu vẫn chưa tự tin), rồi ngồi chờ thị trường di chuyển.

Và đây là thành quả cho giao dịch này:

Một số lưu ý khi giao dịch với mô hình Inside bar

  • Nên giao dịch trên khung thời gian lớn, từ H4 trở lên, các khung thời gian nhỏ hơn dễ gặp các tín hiệu bị nhiễu, không chính xác.
  • Giao dịch đảo chiều xu hướng không đơn giản, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân tích hành động giá và kỹ năng xác định các ngưỡng giá quan trọng (kháng cự, hỗ trợ), nếu bạn là một trader mới, nên giao dịch tiếp diễn với Inside bar và cẩn trọng với tín hiệu đảo chiều.
  • Một ưu điểm khá lớn của mô hình này là tỷ lệ R:R khá tốt vì điểm stop loss không quá xa điểm vào lệnh. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm, giao dịch với Inside bar rất dễ bị quét stop loss vì mức dừng lỗ quá gần. 
  • Hãy cẩn thận với mô hình phá vỡ giả của Inside bar (Fakey), các trader mới rất dễ mắc phải sai lầm khi gặp mô hình này.

Là một mẫu hình nến rất quan trọng trong Price Action, các bạn cần nghiên cứu và luyện tập giao dịch thật nhiều. Inside bar hay Price Action tuy đơn giản về hình thức nhưng lại vô cùng phức tạp khi tiếp cận, đừng chủ quan mà hãy tích lũy thật nhiều kinh nghiệm.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Add Comment