Pin bar là gì? Cách giao dịch hiệu quả với Pin bar

Trong 3 mẫu hình nến quan trọng của Price Action, bao gồm Inside bar, Pin bar và Fakey thì Pin bar là mô hình nến mạnh nhất. Các trader phân tích hành động giá xem Pin bar là công cụ không thể thiếu trong giao dịch của mình. Ý nghĩa cơ bản nhất của Pin bar chính là sự từ chối giá của thị trường và cho trader các tín hiệu đảo chiều mạnh. Nếu sử dụng hiệu quả mô hình này, Pin bar sẽ mang lại cho trader lợi nhuận đáng kể.

Nếu bạn chưa từng tiếp cận Pin bar hoặc chưa biết cách giao dịch với mô hình này thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nó ngay sau đây.

Pin bar là gì?

Pin bar là một mô hình đảo chiều mạnh và cũng là một trong những công cụ phân tích hành động giá mạnh mẽ nhất. Pin bar đơn thuần chỉ là một cây nến Nhật có bóng nến dài về một phía và thân nến ngắn. Khi Pin bar xuất hiện cũng là lúc thị trường đang từ chối giá xuống hoặc lên, đồng nghĩa với việc một trong 2 phe gấu hoặc bò đang có lực rất mạnh, giá sẽ đi rất xa theo một hướng xác định.

Pin bar phù hợp với nhiều loại thị trường khác nhau, các trader thường sử dụng mô hình này trên cả thị trường forex lẫn chứng khoán và nó nghiễm nhiên trở thành mô hình phổ biến nhất hiện nay cùng với Inside bar trong Price Action.

  • Đặc điểm của mô hình Pin bar

Pin bar là một cây nến Nhật có phần thân rất ngắn và nghiêng hẳn về một phía, một bóng nến rất dài, bóng nến còn lại rất ngắn hoặc không có bóng nến.

  • Bóng nến trên hoặc dưới rất dài, càng dài càng tốt, dài hơn ít nhất là 2 lần so với thân nến. Bóng nến còn được gọi là tim hay đuôi. Đây là bộ phận quan trọng nhất của Pin bar, bóng nến thể hiện sự từ chối giá của thị trường hoặc là một sự phá vỡ không thành công của giá khỏi một ngưỡng giá quan trọng nào đó (false breakout).
  • Thân nến Pin bar ngắn, màu sắc của Pin bar không quan trọng. Thân nến càng ngắn càng tốt và thân nến càng nghiêng về một phía thì mô hình Pin bar càng có hiệu lực.
  • Phần bóng nến còn lại càng ngắn càng tốt và phần này còn được gọi là “mũi” nến.
  • Đuôi nến dài ít nhất là 2/3 so với tổng chiều dài cây nến thì mới đủ điều kiện trở thành mô hình Pin bar. Nhưng xét trong một đồ thị nến, để mô hình Pin bar trở nên có hiệu lực hơn thì đuôi nến của Pin bar phải vượt ra khỏi các cây nến ở vùng lân cận.

Ví dụ:

Phân loại mô hình nến Pin bar

Mô hình Pin bar được chia thành 2 loại: Bullish Reversal Pin bar (Pin bar đảo chiều tăng) và Bearish Reversal Pin bar (Pin bar đảo chiều giảm).

Bullish Reversal Pin bar

Đuôi của Pin bar hướng xuống (bóng nến dưới dài), màu sắc thân nến không quan trọng, có thể là cây nến tăng hoặc giảm.

Bóng nến dưới dài chứng tỏ trong phiên giao dịch hình thành nến Pin bar, phe bán đã rất nỗ lực để đẩy giá đi xuống rất sâu, nhưng vì lực mua quá mạnh nên kéo giá lên lại gần sát với giá mở cửa, thị trường từ chối giá xuống. Phe mua đang chiếm ưu thế ở những phiên giao dịch sau đó. 

Mẫu hình cơ bản của Bullish Reversal Pin bar là Giảm (Một xu hướng giảm hoặc một đợt giảm) –> Bullish Reversal Pin bar –> Tăng (Một xu hướng tăng hoặc một đợt tăng).

Các bạn có thể thấy rằng, sau Bullish Reversal Pin bar, nếu không là một sự đảo chiều tăng mạnh thì ít nhất cũng sẽ có một đợt tăng xuất hiện.

Nếu Bullish Reversal Pin bar xuất hiện ở cuối một xu hướng giảm thì chứng tỏ xu hướng đó đang yếu đi, lực bán đang giảm dần, thị trường có khả năng đảo chiều tăng. 

Ngược lại, trong một xu hướng tăng, các đợt giảm giá trước khi Pin bar xuất hiện chỉ là những đợt điều chỉnh giảm của thị trường, khi Pin bar hình thành chứng tỏ thị trường không cho phép giá giảm sâu hơn nữa. Mô hình Bullish Reversal Pin bar trong xu hướng tăng chính là sự củng cố xu hướng, phe mua tạm nghỉ để tiếp tục lấy đà đẩy giá lên cao hơn nữa.

Bearish Reversal Pin bar

Đuôi của Pin bar hướng lên (bóng nến trên dài), màu sắc thân nến không quan trọng, có thể là xanh (tăng) hoặc đỏ (giảm).

Bóng nến trên dài chứng tỏ trong phiên giao dịch hình thành nến Pin bar, phe mua đã rất nỗ lực để đưa giá lên cao, nhưng vì lực bán quá mạnh nên giá nhanh chóng bị đẩy xuống lại, thị trường từ chối giá lên. Ở những phiên giao dịch sau, phe bán đang chiếm ưu thế.

Mẫu hình cơ bản của Bearish Reversal Pin bar là Tăng (Một xu hướng tăng hoặc một đợt tăng) –> Bearish Reversal Pin bar –> Giảm (Một xu hướng giảm hoặc một đợt giảm).

Sau Bearish Reversal Pin bar, sẽ là một xu hướng giảm hoặc ít nhất là một đợt giảm cả giá.

Nếu mô hình này xuất hiện sau một xu hướng tăng mạnh, thì động lực của xu hướng này đang yếu đi, thị trường có khả năng đảo chiều giảm. 

Trong một xu hướng giảm thì các đợt tăng giá trước khi Pin bar xuất hiện chính là những đợt điều chỉnh tăng của thị trường, khi Pin bar hình thành chứng tỏ thị trường không cho phép giá tăng hơn được nữa. Vai trò của mô hình Bearish Reversal Pin bar trong xu hướng giảm chính là sự củng cố của xu hướng, trước khi phe bán tiếp tục đẩy giá xuống thấp hơn.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình Pin bar

Ý tưởng cơ bản của chiến lược giao dịch với mô hình Pin bar là vào lệnh Buy khi Bullish Reversal Pin bar xuất hiện và vào lệnh Sell khi Bearish Reversal Pin bar xuất hiện.

Như đã nói, Pin bar không chỉ phát tín hiệu đảo chiều mạnh mà mô hình này còn cung cấp tín hiệu củng cố xu hướng. 

Bullish Reversal Pin bar xuất hiện tại đáy một xu hướng giảm và Bearish Reversal Pin bar xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng sẽ cung cấp cho trader tín hiệu đảo chiều xu hướng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao xác định được đó chính là đỉnh hoặc đáy?

Giao dịch đảo chiều RẤT KHÓ, đa số các trader mới đều phải e dè với trade đảo chiều. Nếu chỉ nhìn thấy pin bar mà xác định ngay tín hiệu đảo chiều thì rất dễ bị thị trường đánh lừa, các trader chuyên nghiệp họ có thể dễ dàng phát hiện ra tín hiệu đảo chiều do kỹ năng phân tích hành động giá tốt, nhưng với một trader mới, các bạn cần kết hợp thêm các chỉ báo, công cụ phân tích khác để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều.

Chiến lược giao dịch cụ thể với Pin bar như sau:

Vào lệnh Buy sau khi Bullish Reversal Pin bar kết thúc, đặt stop loss cách đáy của Pin bar này khoảng vài pips.

Vào lệnh Sell khi Bearish Reversal Pin bar kết thúc, đặt stop loss cách đỉnh của Pin bar này vài pips.

Số pips sẽ tăng lên theo khung thời gian dài hơn.

Ví dụ 1: Mô hình Bullish Reversal Pin bar xuất hiện tại đáy một xu hướng giảm.

Ví dụ 2: Mô hình Bearish Reversal Pin bar tại đỉnh của một xu hướng tăng:

Nến Pin bar đầu tiên xuất hiện chưa thực sự tạo tín hiệu đảo chiều tốt khi ngay sau đó là một phiên tăng giá mạnh. các bạn để ý sẽ thấy đuôi của Pin bar này tuy đáp ứng điều kiện của mô hình nhưng độ dài của nó không đủ lớn để vượt ra khỏi các vùng giá lân cận. Cây nến Pin bar thứ 2 xuất hiện mang tín hiệu đảo chiều mạnh hơn, đuôi nến rất dài vượt ra khỏi tất cả các vùng giá quanh nó, lực bán lúc này khá lớn, không còn cơ hội cho phe mua tạo đỉnh cao hơn, thị trường bắt đầu đảo chiều giảm.

Ví dụ 3: Mô hình Pin bar cho tín hiệu củng cố xu hướng

Ở hình trên, xu hướng chung đang là tăng, Bullish Reversal Pin bar liên tục xuất hiện sau những đợt điều chỉnh giảm của thị trường và sau đó thì giá tiếp tục tăng theo xu hướng chung. Trong trường hợp này, mô hình Bullish Reversal Pin bar cung cấp tín hiệu đảo chiều của một xu hướng giảm ngắn hạn (tạm thời) nhưng lại là tín hiệu củng cố của một xu hướng tăng dài hạn.

Chiến lược giao dịch cụ thể trong trường hợp này như sau: trong một xu hướng chung của thị trường (tăng hoặc giảm), chờ đợi Bullish Reversal Pin bar xuất hiện sau một đợt điều chỉnh giảm (xu hướng chung tăng) để vào lệnh Buy hoặc chờ Bearish Reversal Pin bar xuất hiện sau một đợt điều chỉnh tăng (xu hướng chung giảm) để vào lệnh Sell.

Với chiến lược này, các bạn có thể nhồi nhiều lệnh và trailing stop để chốt lợi nhuận cho những lệnh thực hiện trước.

Tuy nhiên, trong hình trên, các bạn sẽ thấy nến Pin bar xuất hiện rất nhiều lần (những nến Pin bar được khoanh tròn) nhưng lại không cho tín hiệu đảo chiều là bởi vì đuôi của những Pin bar đó không đủ dài để vượt ra khỏi các vùng giá lân cận, tín hiệu tạo ra từ Pin bar yếu.

Xem ví dụ dưới đây:

Ở hình trên, có 6 lần Pin bar xuất hiện, trong đó:

  • Lần 1, 2, 3, 5, 6 là mô hình Bullish Reversal Pin bar, nhưng chỉ có lần thứ 2 là đảo chiều tăng thành công, các trường hợp còn lại giá vẫn giảm sau khi mô hình này hình thành.
  • Nến Pin bar thứ 4 là mô hình Bearish Reversal Pin bar nhưng giá đảo chiều tăng chứ không giảm.

Chỉ có nến Pin bar thứ 2 thì đuôi nến mới đủ dài để vượt ra khỏi các vùng giá lân cận, các mô hình Pin bar còn lại có đuôi nến ngắn, không nhô ra khỏi các vùng giá xung quanh, nên tín hiệu đảo chiều là quá yếu.

Chính vì thế, khi giao dịch với mô hình Pin bar, các bạn cần lưu ý đến độ dài của đuôi nến.

Ví dụ 4: Pin bar tại các vùng giá quan trọng

Khi Pin bar xuất hiện tại những vùng giá quan trọng như các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự thì tín hiệu đảo chiều sẽ đáng tin cậy hơn.

2 cây nến Bearish Reversal Pin bar xuất hiện liên tiếp nhau chứng tỏ phe mua đang nỗ lực nhiều lần để đưa giá lên cao nhưng mọi cố gắng đều bất thành vì lực bán quá mạnh, cả 2 lần giá đều bị kéo xuống gần mức giá mở cửa, đồng thời khu vực mà Pin bar này xuất hiện là một vùng kháng cự mạnh vì trước đây giá nhiều lần quay đầu khi vừa chạm vào vùng giá này, điều này càng làm tăng hiệu lực của mô hình Bearish Reversal Pin bar. Và kết quả là một phiên giao dịch giảm mạnh ngay sau 2 nến Pin bar, phe bán chiếm lĩnh thị trường, tiếp tục đẩy giá đi xuống.

Hay Pin bar xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh

Ví dụ 5: Pin bar tại các mức Fibonacci thoái lui quan trọng.

Fibonacci Retracement là công cụ xác định các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự rất hiệu quả trong một xu hướng tăng/giảm.

Pin bar xuất hiện khi giá đang hồi lại tại mức Fibonacci 0.764, đây là một ngưỡng hỗ trợ mạnh, khả năng giá đảo chiều cao.

Chiến lược giao dịch với Pin bar không khó, nhưng mô hình này xuất hiện quá thường xuyên, dẫn đến rất nhiều tín hiệu gây nhiễu, không chính xác. Để giao dịch hiệu quả với Pin bar, các bạn cần kết hợp thêm một số công cụ phân tích khác như vùng kháng cự/hỗ trợ hay Fibonacci… như chúng tôi đã trình bày ở trên, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng phân tích hành động giá để hiểu được thị trường một cách sâu sắc nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Add Comment