Share kèo thường xuyên – Lợi hay hại cho NĐT – ICO Việt Nam

Nhiều bạn suy nghĩ về việc vào lệnh và thoát lệnh quá đơn giản. Đúng thì lãi, sai thì lỗ. Thực ra, có những lúc sai vẫn không lỗ, đúng lại không lãi (những ai thường xuyên kiếm lời bằng cách lướt sóng chắc cũng kinh nghiệm). Cái mà chúng ta nghĩ là “kèo”, nghĩa là một cơ hội để kiếm lời, chỉ gói gọn trong 3 thông tin: entry, take profit, cut loss (nhiều bạn còn không thèm đưa ra điểm cut loss). Trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng cách gọi: điểm vào, điểm chốt lời, điểm cắt lỗ. Tôi muốn trình bày cho các bạn hiểu, vì sao rất khó hay rất rủi ro để share kèo, cũng như chứng minh cho bạn thấy hoạt động share kèo thường xuyên theo cách mà cộng đồng chúng ta hay thực hiện nó mang nhiều rủi ro hơn là cơ hội kiếm tiền.

Những lý do tôi đưa ra sau đây sẽ kết hợp với một vài kinh nghiệm thực chiến gần đây của tôi (cũng có ví dụ vào lệnh rất ngớ ngẫn). Biết đâu bạn lại thấy mình trong đó. Ngoài ra, những ý kiến này hoàn toàn là quan điểm chủ quan của cá nhân tôi, nhưng được sắp xếp cho chủ ý từ trên xuống, để đến khi đọc đến cuối bài, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói cái gì thật sự quan trọng nhất trong một “kèo”?

TRONG BÀI VIẾT NÀY ( TABLE OF CONTENTS )

Lý do thứ nhất: người nhận không thể xác định xác xuất để kèo thành công, dẫn đến không tự xác định được số vốn vào lệnh

Không ai chỉ cho bạn cách để quản lý vốn trong kèo đó cả. Cách tôi quản lý vốn cũng đã thay đổi nhiều so với thời gian đầu hoạt động trading. Nhưng tôi nghĩ, nguyên tắc cơ bản nhất của việc quản lý tài khoản, đó là kích thước lệnh phải tỉ lệ với xác xuất thắng kèo. Đó là nguyên tắc khởi đầu trước khi chúng ta bổ sung nhiều kinh nghiệm quản lý vốn khác. Giả sử tháng trước, tôi short XRP tại 0.6 đô và kì vọng chốt lời tại 0.4x đô. Lý do đơn giản là, tôi tin tưởng và mức cản của kijun-sen (hệ thống ichimoku) của nến tuần thời điểm đó. Tôi đã lưu lại trong nhật kí của mình hình ảnh này:

Tôi hiểu sự “điên rồ” của tăng giá trong thị trường Crypto, nên xác định độ ngon ăn không cao.

Rất khó để đưa ra một định lượng cụ thể một con số phần trăm nào đó cho xác xuất thắng. Tôi thấy nhiều bạn đưa ra con số như 75%, 55%… tôi vẫn thắc mắc dựa trên quy chuẩn nào để tính ra được con số đó, trong bối cảnh thời gian rất gấp gáp trôi qua trước khi đưa ra quyết định xuống tiền hay không. Có chăng là tôi đưa một định tính gói gọn trong vài từ: khả năng thắng cao, không cao, thấp, rất thấp… Chỉ vậy thôi. Trường hợp này, với ví dụ XRP ở trên, tôi vẫn e sợ mình sẽ chịu hậu quả của việc “ngược trend”, cố đi ngược lại một cơn tâm lý tăng mạnh mẽ, nên tôi vào lệnh với kích cỡ không tới x3 so với hạn mức mà sàn Bitfinex cho phép, gần như là tỉ lệ 1:1, đồng thời chia vốn vào tài khoản margin chưa tới 1/2 tổng số vốn trên sàn. Nên, nếu có cháy, thì giá phải lên đến 1 đô, và chấp nhận điểm cắt lỗ khi giá tiếp tục vượt qua kijun-sen nến tuần.

Giả sử tôi có một kênh telegram share kèo chẳng hạn, tôi sẽ post (chỉ giả sử thôi nhé, chứ tôi không có):

Short XRP/USDT – Bitfinex
Entry: 0.6
TP: 0.4
SL: 0.62

Nếu bạn là người nhận kèo, khả năng rất cao bạn sẽ cháy lệnh hoặc cháy tài khoản. Xét cho cùng đây là lần vào lệnh nguy hiểm, bạn chỉ cần vào nhiều hơn một tí kích cỡ lệnh mà tôi đã vào, hoặc chỉ cần một động thái DCA thôi và chắc chắn sẽ cháy ngay. Về mặt cá nhân, tôi vẫn thoát được lệnh này thậm chí còn lãi chút xíu. Tôi cũng thừa nhận mình có phần chủ quan trong quyết định này.

Thật khó hình dung giá sẽ đi theo cách “điên rồ” như thế, nhưng tôi vẫn thoát nạn được và không cháy lệnh là vì đã cẩn thận đánh giá gần đúng mức độ rủi ro của kèo và hạn chế số vốn vào lệnh. Còn nếu bạn là người chỉ biết theo kèo, bạn sẽ mất tiền hoặc chạm điểm cắt lỗ ngay lập tức.

Ai có thể đánh giá chính xác mức xác xuất thắng của kèo? Chỉ có thể là người ra kèo đó mà thôi, thậm chí đôi khi chính họ còn không đánh giá được huống chi là chia sẻ nó cho người khác.

Lý do thứ hai: kế hoạch giao dịch quan trọng hơn dự đoán

Tôi thấy cộng đồng ít ai để ý đến vấn đề này. Chúng ta gần như chỉ quan tâm xem kể từ khi có điểm vào, thì giá đã đạt điểm chốt lời hoặc điểm cắt lỗ hay chưa. Đó chính là lối tư duy thụ động, thiếu tích cực và dễ dẫn đến thua lỗ. Ở đây, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch giao dịch. Chắc chắn bạn sẽ luôn cần phải đưa ra dự đoán cá nhân, nhưng dự đoán thì không bao giờ tuyệt đối, nên kế hoạch giao dịch trở thành giải pháp để bù lấp vào chỗ thiếu tuyệt đối đó.

Nếu bạn dự đoán sai nhưng có một kế hoạch giao dịch tốt, thì chưa chắc bạn đã lỗ hoặc lỗ rất ít. Nếu bạn dự đoán đúng nhưng có một kế hoạch giao dịch chưa tốt, thì không có nghĩa là bạn lãi, thậm chí có thể lỗ.

Tất cả những gì chúng ta share cho nhau đều là dự đoán, ít ai share kèo mà có thể share kế hoạch giao dịch cả. Có những lúc thị trường rất khó dự đoán, đặc biệt là khi đi ngang với biên độ hẹp. Đôi khi phải chấp nhận kế hoạch không được thực hiện còn hơn xuống tiền để rồi chịu lỗ.

Ví dụ về một kế hoạch thành công

Tôi không vào lệnh lúc này, vì rất khó đoán liệu giá có tăng hay giảm, tôi quyết định đặt stop buy sau khi phân tích đa khung thời gian. Nếu giá xuống tôi chẳng mất gì, nếu giá tăng mạnh trong khung giờ dự tính, tôi có thể sẽ có lãi. Kết quả là:

Ví dụ về một kế hoạch thất bại

Sau một cơn sóng giảm, tôi kì vọng giá sẽ tiếp tục giảm, quyết định tự ra cho mình kèo với đầy đủ điểm cắt lỗ. Có thể khi vào lệnh bạn chưa thể xác định chính xác mình lãi bao nhiêu nhưng bạn phải biết chính xác mình sẽ mất bao nhiêu.

Tuy nhiên giá đi ngang quá lâu, kế hoạch của tôi thất bại, tôi không giữ order nữa mà cancel nó.

Nếu bạn chỉ đơn thuần theo kèo của tôi, bạn có thể sẽ tiếp tục giữ order để đợi lệnh, điều đó có thể gây nguy hiểm cho tài khoản của bạn.

Bạn thấy đó, chỉ có chính trader mới biết mình lên kế hoạch thế nào, làm gì vào lúc nào, có những thứ không thể chia sẻ nhanh và ngay qua vài dòng chat ngắn được.

Lý do thứ ba: tính linh hoạt là cần thiết cho kế hoạch giao dịch

Giả sử là người đi share kèo, tôi cũng rất nhiệt tình chia sẻ hẳn cho bạn kế hoạch giao dịch của mình. Tuy nhiên, lại có một thứ rất khó chia sẻ, đó chính là sự thay đổi kế hoạch lập tức dựa vào những gợi mở mới từ thị trường. Những thay đổi này nảy sinh một cách rất tự nhiên và đôi khi trái ngược. Bạn chỉ đứng ở vị trí người nhận kèo sẽ khó thể nào bắp kịp hay phản ứng tức thời.

Tôi ví dụ một lần tôi short ETH:

Giả sử tôi có một kênh telegram share kèo chẳng hạn, tôi sẽ post (giả sử thôi nhé!):

Short ETH/USDT – Bitfinex
Entry: 222.xx
TP: 200
SL: 204

Nhưng đây mới là kế hoạch thực tế tôi đã làm.

Sau đó giá đã xuống thật và tôi bắt đầu có lãi.

Thế nhưng, khi lãi chỉ đến vùng 204 đô – 205 đô, tôi đã chốt ngay 1/2. Đây là động thái thay đổi kế hoạch để bảo toàn độ an toàn của lệnh, vì tôi nhận thấy xuất hiện khả năng giá sẽ không xuống tiếp nữa. Nhưng vì không muốn mất cơ hội nên tôi quyết định chốt 1/2. Và quyết định chờ đợi tiếp những gợi mở mới.

Sau đó, giá tạo mô hình hai đáy trong khung giờ nhỏ (nghĩa là chỉ có hiệu lực trong khung giờ 45 phút), tôi biết khả năng cao giá sẽ tăng trở lại, nên quyết định chốt luôn. Nếu so với điểm chốt 200 thì tôi vẫn chưa đạt đến, nhưng như tôi đã nói, tính linh hoạt trong kế hoạch còn quan trọng hơn cả chính kế hoạch đó.

Tôi đưa ra đây thêm một ví dụ, đây là lịch sử giao dịch của tôi vào ngày 12 tháng 10 với con XRP.

Nếu bạn nhìn kĩ, toàn bộ số lệnh tôi vào hôm đó đều đang đánh “ngược trend”, thế nhưng tôi vẫn không lỗ nhiều và còn lãi 5% tài khoản. Một phần lý do là, ngày hôm đó có một cơn sóng down khá mạnh và tôi kì vọng sẽ còn down tiếp. Bạn để ý kỹ thêm tí nữa sẽ thấy tôi có rất nhiều hành động liên tiếp nhau, cách nhau một khoảng thời gian rất ngắn, ví dụ như:

Vào short XRP tại 0.41159 đô, sau đó tôi liên tục nhồi short 2 lần nữa tại 0.41199 đô và 0.41133 đô. Bạn thấy đó, cứ hễ nhận thấy tín hiệu đang ủng hộ lệnh của mình thì tôi tăng kích thước lệnh dần dần (điều này rất khó để chia sẻ khi share kèo đúng không?). Rồi ngay sau đó, tôi chốt dứt khoát tại 0.387 đô trước khi giá tăng trở lại.

Mọi quyết định được thực hiện rất nhanh và thay đổi không ngừng tùy vào thị trường. Không hẳn mọi thay đổi đều đúng nhưng nó giúp bảo toàn tài khoản của mình bất kể trường hợp nào.

KẾT LUẬN

Có thể đến đây bạn đã hiểu phần nào điều tôi trình bày. Việc chỉ đưa ra thông tin ba con số: điểm vào, điểm chốt lời, điểm cắt lỗ thực tế sẽ gây nguy hiểm cho những bạn nào thiếu kiến thức và yếu tâm lý. Vì đằng sau ba con số này còn quá nhiều thông tin để nói. Theo tôi nghĩ, con đường chính đáng và lâu dài nhất vẫn là chính bản thân bạn tự quyết định cho kế hoạch và dự đoán của mình, từ đó kinh nghiệm và kiến thức sẽ tăng dần lên. Một khi lệ thuộc vào dự đoán hay kế hoạch của ai khác nghĩa là bạn dự đặt mình trong thế bị động và rủi ro rất cao.

Tôi vẫn thấy có một vài anh em rất cứng tay, chia sẻ kèo khá chính xác nhưng tôi nghĩ con số này rất hiểm, chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần việc chia sẻ kèo tràn lan như cộnng đồng làm thời gian qua về lâu về dài sẽ không giúp ai kiếm lời được, đôi khi còn gián tiếp gây nguy hại cho tài khoản người khác.

Đây là chia sẻ cá nhân của tôi, còn bạn nghĩ sao? Hãy chia sẻ ý kiến bên dưới nhé.

Tác giả: Tùng Nobi

Nguồn: icovn.net

Add Comment