Stop loss là gì? Cách đặt Stop Loss hiệu quả

Stop loss hay take profit không còn là những khái niệm xa lạ đối với nhà đầu tư trên thị trường forex. Đây là 2 cụm từ thường xuyên được sử dụng theo cặp, mang ý nghĩa Cắt lỗ – Chốt lời cho một lệnh giao dịch bất kỳ. Vì tính chất không bắt buộc phải có khi đặt lệnh nên rất nhiều trader không hiểu hết ý nghĩa của những loại lệnh này và cũng không sử dụng chúng trong quá trình đầu tư của mình, đây cũng là một trong những nguyên nhân để tài khoản giao dịch nhanh chóng bốc hơi, đặc biệt là lệnh stop loss.

Vậy thì Stop loss là gì? Stop loss quan trọng như thế nào? thì chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ trong bài viết này.

Stop loss là gì?

Stop loss là lệnh cắt lỗ hay dừng lỗ, được nhà đầu tư sử dụng để xác định trước giới hạn thua lỗ cho một giao dịch khi thị trường đi ngược hướng kỳ vọng.

Ví dụ: giả sử một lệnh Buy trên cặp EUR/USD được kích hoạt tại mức giá 1.40734, bằng kinh nghiệm và kiến thức giao dịch của mình, trader này đặt stop loss 50 pips. Nghĩa là, nếu giá thị trường giảm xuống 1.40234 thì lệnh Buy này sẽ tự động được đóng lại, trader sẽ chỉ thua lỗ 50 pips cho giao dịch này dù giá có đi xuống xa tới đâu. Ngược lại với stop loss, nhà đầu tư đặt một lệnh take profit 50 pips, tức là khi giá tăng lên đến 1.41234, lệnh cũng sẽ tự động đóng lại, trader chỉ lời 50 pips cho dù sau đó giá có tiếp tục tăng lên cao hơn nữa.

Tầm quan trọng của stop loss

Không riêng gì thị trường forex mà bất cứ một thị trường tài chính nào cũng biến động khôn lường. Ai có thể tự tin dám chắc rằng thị trường sẽ đi như thế này hay như thế kia?

Nếu có một người nào đó tự tin vỗ ngực rằng mình làm được điều như trên thì có thể họ đã trở thành vĩ nhân và đương nhiên là toàn bộ tiền trên thị trường này không sớm thì muộn sẽ về túi của họ. Điều này liệu có xảy ra? Chắc chắn là không bao giờ.

Nếu không đặt stop loss và thị trường đi ngược lại xu hướng kỳ vọng một cách mạnh mẽ mà bạn không thể trở tay kịp, giả sử bạn là một trader nhỏ, ít vốn, tiền trong tài khoản của bạn sẽ không cánh mà bay, ngược lại, nếu bạn là một trader giàu có, số tiền mà bạn mất đi cũng sẽ rất đáng kể. Việc đặt stop loss sẽ giúp trader giảm thiểu và kiểm soát được mức độ thua lỗ cho giao dịch. Bên cạnh đó, lệnh stop loss sẽ loại bỏ được yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến các quyết định trong quá trình giao dịch khi trader không thể trực tiếp theo dõi và kiểm soát lệnh của mình.

Thông thường sẽ có 2 lý do mà một người không thích đặt stop loss:

Thứ nhất: không muốn lệnh bị đóng sớm khi thị trường đi ngược xu hướng của lệnh trước khi chính thức đi đúng hướng như kỳ vọng.

Trường hợp này xảy ra khi giá quay đầu “quét stop loss” trước khi nó đi đúng hướng của lệnh, làm cho cơ hội có được lợi nhuận kỳ vọng bị đóng lại quá sớm, bên cạnh đó còn bị thua lỗ. Lý do để các bạn gặp phải trường hợp này là vì cách mà bạn chọn điểm stop loss có vấn đề. Hãy xem xét lại hệ thống giao dịch của mình trước khi đổ lỗi cho thị trường.

Thứ hai: thay vì đặt stop loss thì có thể đóng lệnh bằng tay để dừng lỗ.

Nếu như các bạn có thể đảm bảo 3 yếu tố sau đây thì chúng tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ việc bạn không đặt stop loss mà lựa chọn chốt lệnh bằng tay.

  • Giả sử bạn đặt một lệnh Buy trên cặp tiền nào đó và mức độ chấp nhận rủi ro cho lệnh này là 20$. Với chiến lược này của mình, bạn phải ngồi canh trên máy tính, nếu chẳng may thị trường đi ngược hướng, bạn sẽ đợi khi lợi nhuận của lệnh bị âm 20$ thì sẽ đóng lệnh. Tuy nhiên, chỉ vì bạn lơ là một chút hoặc có việc đột xuất phải giải quyết và lúc đó giá biến động rất mạnh, khiến lệnh của bạn bị lỗ đến 50$. Vậy bạn có còn đảm bảo rằng trong suốt thời gian giao dịch của mình bạn sẽ ngồi canh trên máy tính liên tục mà không hề rời mắt?
  • Hoặc giả sử bạn có thời gian để theo dõi thị trường liên tục, khi thua lỗ xấp xỉ 20$, bạn chuẩn bị tinh thần đóng lệnh, nhưng thật không may là chỉ trong vòng chưa đầy vài giây, giá đột ngột rớt xuống mạnh, lúc này dù bạn có đóng lệnh thì thua lỗ đã có thể vượt quá mức 20$ như kế hoạch. Chênh lệch thua lỗ này có lúc sẽ nhiều, có lúc sẽ ít nhưng về lâu về dài thì phương pháp giao dịch của bạn trở nên không hiệu quả. Vậy bạn có đảm bảo rằng mình sẽ đóng lệnh đúng tại mức lỗ như kế hoạch?
  • Vấn đề thứ ba liên quan trực tiếp đến tâm lý giao dịch. Ban đầu, các bạn chỉ dự định là sẽ thua tối đa 20$. Khi thị trường đi ngược hướng kỳ vọng và thua lỗ đạt đến 20$, lúc này, thường sẽ xuất hiện 2 luồng suy nghĩ: một là, nếu không đóng lệnh, nhỡ giá rớt nữa thì sẽ càng thêm lỗ, đây là suy nghĩ của những trader lý trí. Ngược lại với các trader thiên về cảm xúc, họ thường sẽ suy nghĩ rằng, nếu như đóng lệnh bây giờ, nhỡ đâu giá lại quay đầu đi lên lại, như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội ít nhất là gỡ lại một phần thua lỗ, hoặc thậm chí hòa vốn, có khi lại đảo ngược tình thế, đợi đến khi nào lợi nhuận rớt xuống âm 30$ thì đóng lệnh cũng được. Nếu bạn là người thiên về cảm xúc thì sao? Khả năng để bạn giữ lệnh là hơn 90% và rồi một lần nữa thị trường chống đối bạn, lúc này có khả năng bạn sẽ nghĩ rằng đã đợi đến mức này thì đợi thêm một chút nữa cũng không sao, chẳng nhẽ giá cứ rớt mãi, và sự thật là giá vẫn sẽ rớt mãi và số tiền thua lỗ của bạn ngày càng tăng lên đến mức không thể cứu vớt được. Đã có rất nhiều trader rơi vào trường hợp này, trong đó có cả chúng tôi. Vậy thì bạn có đảm bảo rằng lý trí của bạn sẽ chiến thắng?

Nếu bạn đảm bảo được cả 3 yếu tố đó thì lý do để bạn không sử dụng stop loss là hoàn toàn khả thi. Nhưng liệu có được bao nhiêu người đáp ứng được cả 3 yếu tố nêu trên? Trong khi đa số các trader gạo cội, kể cả các chuyên gia tài chính đều xem stop loss là một nguyên tắc giao dịch không thể thiếu.

Xác định kích thước của lệnh stop loss

Thông thường, một phương pháp giao dịch sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật như chỉ báo, mô hình nến hay mô hình giá… sẽ cung cấp vị trí stop loss cụ thể, nhà đầu tư dựa vào đó để xác định kích thước của lệnh dừng lỗ.

Ví dụ:

Ở hình trên, nhà đầu tư đang giao dịch theo phương pháp sử dụng kênh giá, vào lệnh Buy thuận chiều xu hướng khi giá chạm đường trendline dưới, stop loss tại đáy gần nhất trước đó vì nếu như giá vượt qua đáy này thì nghĩa là kênh giá tăng bị phá vỡ, hệ thống giao dịch của trader sẽ không còn ý nghĩa nữa.

Trong trường hợp trader giao dịch theo tin tức hoặc một phương pháp nào đó không chỉ ra được điểm stop loss cụ thể thì kích thước lệnh stop loss thường sẽ được quyết định bằng một trong những cách sau:

  • Dựa vào tổng vốn chủ sở hữu trên tài khoản. Thông thường, các trader thường đặt stop loss có kích thước từ 1-2% tổng nguồn vốn của tài khoản. Đây được xem là cách xác định kích thước stop loss cơ bản nhất. Dựa vào cách này mà các bạn sẽ kết hợp với điểm stop loss được xác định từ phương pháp giao dịch để tính khối lượng của lệnh.
  • Dựa vào mức độ biến động của thị trường: nếu một thị trường biến động mạnh, trader có thể đặt stop loss với kích thước lớn hơn so với thị trường ít biến động. Nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo Bollinger bands để xác định mức độ biến động của thị trường.

Một số lưu ý khi đặt stop loss

Không đặt stop loss quá gần

Một nguyên lý bất biến trên các thị trường tài chính, đó là trong một xu hướng tăng, giá sẽ không mãi đi lên mà sẽ có những lúc điều chỉnh giảm và ngược lại với một xu hướng giảm. Chính vì thế, việc đặt stop loss quá gần sẽ giúp trader giảm thiểu mức thua lỗ nhưng có thể khiến trader mất đi cơ hội có được lợi nhuận lớn khi giá chạm stop loss trước khi chạy đến take profit. Hãy tạo một khoảng cách đủ lớn để giá có thể dao động ngược chiều của lệnh mà không chạm stop loss trước khi đi đúng xu hướng như kỳ vọng.

Không đặt stop loss quá xa

Cái gì cũng có 2 mặt của nó, một điểm stop loss quá xa sẽ giúp lệnh của trader khó bị đóng sớm, tuy nhiên, nếu lệnh thất bại, thua lỗ sẽ nhiều hơn. Các bạn nên nhớ rằng, điều quan trọng là chiến lược giao dịch phải chính xác, dự đoán của bạn về hướng đi của thị trường phải đúng, bằng không, cho dù có đặt stop loss xa đến mức nào thì giá cũng sẽ chạm đến được.

Không được nới stop loss

Nới stop loss nghĩa là khi thị trường đi ngược hướng của lệnh, nhà đầu tư có xu hướng điều chỉnh stop loss đến một điểm xa hơn điểm stop loss ban đầu vì kỳ vọng thị trường sẽ vẫn đảo chiều và đi đúng lại như dự đoán chứ không chấp nhận thua lỗ như kế hoạch. Có 2 lý do để các bạn tuyệt đối không được nới stop loss

  • Thứ nhất, chắc gì sau khi nới stop loss thì thị trường sẽ đảo chiều và đi đúng xu hướng của lệnh. Nếu các bạn là người đã từng giao dịch nhiều trên các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường forex thì các bạn sẽ hiểu được vấn đề này. Cho dù các bạn thiết lập một hệ thống giao dịch thật hoàn hảo đi chăng nữa thì khả năng mọi chuyện diễn ra không như ý muốn vẫn có thể xảy ra, đừng nói gì đến việc mong muốn giá quay đầu. Hoặc cho dù là giá sẽ có khả năng quay đầu thì thời gian sẽ là bao lâu, hay đến lúc tài khoản không còn xu nào thì giá mới đi đúng hướng?
  • Thứ hai, bản chất của stop loss chính là vị trí mà khi giá vượt qua điểm này thì mọi hệ thống giao dịch của bạn đã bị phá vỡ, một kịch bản mới sẽ được hình thành. Vậy thì việc bạn nới stop loss sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Hãy thực hiện như đúng kế hoạch đã đặt ra, không nới stop loss vì bất kỳ lý do nào.

Xác định điểm stop loss và take profit, sau đó xét tỷ lệ Risk:Reward rồi mới đặt lệnh.

Một tỷ lệ Risk: Reward được cho là hợp lý khi tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1:2, nếu không đạt được tỷ lệ này thì nhà đầu tư không nên vào lệnh. Trong ngắn hạn có thể điều này không quá quan trọng, miễn sao có lợi nhuận là được, có thể là 1:1.5, tuy nhiên, về lâu về dài, một tỷ lệ R:R quá cao (tức là tỷ lệ thua cao hơn) thì giao dịch sẽ không hiệu quả.

Chính vì thế, trước khi đặt lệnh giao dịch, các bạn cần xác định được điểm stop loss và take profit để tính được tỷ lệ R:R, nếu hợp lý thì sau đó mới tính đến khối lượng giao dịch và đặt lệnh.

Ví dụ:

Ở ví dụ này, các bạn sử dụng tín hiệu tạo ra từ kênh giá để giao dịch. Điểm vào lệnh là khi giá chạm vào đường trendline trên. Stop loss tại đỉnh gần nhất trước đó vì nếu giá vượt qua điểm này thì chiến lược này coi như bị phá vỡ. Take profit được ước lượng sao cho giá đi xuống như kỳ vọng và chạm vào đường trendline dưới. Trong trường hợp này, stop loss là khoảng 160 pips và take profit là 358 pips. Tỷ lệ R:R lúc này là 160:358 xấp xỉ 1:2.24, hợp lý và các bạn quyết định đặt lệnh. Tiếp đến là xác định khối lượng giao dịch.

Giả sử các bạn có 1,000$ trong tài khoản, với giao dịch này, các bạn chỉ chấp nhận thua lỗ tối đa 2%, tức là 20$.

Ta có, với cặp USD/CAD, giá trị của 1 pip = 0.0001/1.00637 = 0.00009937 USD , với 1.00637 là tỷ giá lúc chạm stop loss. Xem lại Pip là gì? Cách tính giá trị của pip.

Số thua lỗ ước tính của giao dịch này = 20$ = Khối lượng lệnh x số pip thua lỗ x giá trị 1 pip = Khối lượng lệnh x 160 x 0.00009937. Suy ra, khối lượng lệnh sẽ là 1,258 = 0.01258 lots. Tuy nhiên, trong forex, các bạn không thể đặt lệnh với khối lượng lẻ như vậy nên có thể chọn 0.01 lot.

Xem lại: Lot là gì? Giao dịch với bao nhiêu lot là đủ?

Cách đặt stop loss và take profit trên phần mềm MT4

Để bắt đầu đặt một lệnh giao dịch mới, các bạn cần xác định được đầy đủ các yếu tố sau: điểm stop loss, điểm take profit, tỷ lệ R:R (hợp lý), và khối lượng giao dịch.

Trên phần mềm MT4, mở hộp thoại đặt lệnh bằng cách bấm chuột phải vào một cặp tỷ giá bất kỳ tại khu vực Market Watch rồi chọn New order hoặc bấm trực tiếp vào nút New order trên thanh công cụ.

Tại ô Symbol, các bạn chọn tài sản giao dịch.

Volume: khối lượng của lệnh (lot).

Stop loss: chọn mức giá cắt lỗ.

Take profit: mức giá chốt lời.

Type: chọn loại lệnh, nếu là lệnh thị trường thì chọn Market Execution, sau đó bấm Sell/Buy by Market để đặt lệnh. Nếu chọn lệnh chờ (Pending order) thì các bạn có thể tham khảo các bài viết sau của chúng tôi:

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thể hiểu được tầm quan trọng của stop loss cũng như cách đặt stop loss hiệu quả. Nếu trước đây, các bạn có thói quen không sử dụng stop loss thì hãy thay đổi nó ngay từ bây giờ, hãy xem stop loss là một điều kiện bắt buộc cần phải có khi quyết định đặt một lệnh giao dịch bất kỳ. Đừng để sau khi đọc xong bài viết này mà các bạn vẫn bị thua lỗ nhiều do không đặt stop loss.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Add Comment