Android đã đánh bại iPhone để giành vị thế “thống trị” như thế nào? – VnReview

Vào những ngày cuối tháng Sáu của 10 năm trước, chiếc iPhone đầu tiên đã được cho lên kệ và sẵn sàng định nghĩa lại cả nền công nghiệp di động. Tuy nhiên, chỉ 15 tháng sau, kẻ ngáng đường Android đã xuất hiện để phá vỡ kế hoạch của Apple.

Theo CNN, Google đã hợp tác cùng nhà mạng T-Mobile (Mỹ) để phát hành chiếc smartphone Android đầu tiên vào ngày 23/9/2008. Chiếc điện thoại mang tên là G1 và có thiết kế rất “kì lạ” với viền màn hình dày, bàn phím trượt và trackball theo kiểu của BlackBerry nhưng lại được trang bị màn hình cảm ứng.

Tuy nhiên, thiết bị này chính là cột mốc đánh dấu cuộc chiến thế kỷ đầy khốc liệt giữa hai gã khổng lồ công nghệ là Google và Apple. Vào đầu năm 2011, hệ điều hành Android đã trở thành nền tảng smartphone phổ biến nhất tại Mỹ và CEO Steve Jobs đã tuyên bố Apple sẽ tổ chức “chiến tranh hạt nhân” để chống lại Android.

Apple đã thành công trong việc tạo ra chiếc smartphone hàng đầu là iPhone. Tuy nhiên, ưu thế trên thị trường vẫn luôn thuộc về Android nhờ vào những mối quan hệ của Google với nhà mạng và các hãng smartphone có giá rẻ hơn. Theo dữ liệu của hãng phân tích Gartner, trong quý 1/2017, 86% smartphone trên toàn cầu chạy trên nền tảng Android.

Vị thế thống trị của Android vào thời điểm hiện nay càng trở nên có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết rằng nhóm phát triển của hệ điều hành này đã từng bị iPhone lấy hết sự chú ý của công chúng. “Google và Apple đã phát triển smartphone gần như là cùng thời điểm với nhau”, Fred Vogelstein, tác giả cuốn sách “Apple và Google đã tiến hành chiến tranh và bắt đầu một cuộc cách mạng như thế nào” cho biết.

Vào năm 2005, Google đã mua Android, khi đó còn là một startup nhỏ, để đạt được quyền phát triển một nền tảng mạnh mẽ cho các thiết bị di động. Tới năm 2006, nhóm phát triển Android của Google đã thiết kế ra được phần mềm riêng và một chiếc điện thoại mang phong cách của BlackBerry.

Không lâu sau đó, Steve Jobs đã công bố iPhone, một thiết bị mang tính cách mạng đối với ngành công nghiệp di động vào tháng 1/2007. Theo tác giả Fred Vogelstein, trưởng nhóm phát triển Android khi đó là Andy Rubin đã ngồi yên trong xe ô tô khi buổi thuyết trình của Steve Jobs diễn ra.

Rubin đã yêu cầu lái xe tìm cách cho ông xem trực tuyến sự kiện này thông qua Internet. “Ôi trời“, ông Rubin nói, “Tôi đoán là chúng ta sẽ không bán chiếc điện thoại đó (ám chỉ chiếc điện thoại đang thiết kế)“. Sau đó, nhóm phát triển Android của Andy Rubin đã nhanh chóng quay trở lại với bảng vẽ, loại bỏ thiết kế cũ và thiết kế lại một thiết bị Android hoàn toàn mới.

Nhờ vậy, chiếc điện thoại Android đầu tiên đã có màn hình cảm ứng giống như iPhone. Tuy nhiên, bản thân thiết bị này không phải là thứ có thể đe dọa Apple, điều đáng lo ngại chính là chiến lược được Google đặt ra phía sau nó.

G1, chiếc smartphone Android đầu tiên.

Nỗi lo ngại của Steve Jobs

Không giống như Apple, Android của Google là một hệ điều hành mở. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất có thể tùy ý sử dụng và điều chỉnh Android trên các thiết bị của họ. Vào năm 2010, thị trường đã tràn ngập những smartphone Android có mức giá hấp dẫn tới từ những nhà sản xuất tiêu biểu như Motorola, HTC và Samsung.  Trong số đó, chỉ có một vài mẫu smartphone trong dòng Nexus là do Google sản xuất.

Có hẳn một đội ngũ các nhà sản xuất đứng đằng sau để tạo ra những sản phẩm Android khác nhau“, nhà phân tích Tuong Nguyen của hãng Gartner cho biết, “Nhờ vậy, Android trở nên thú vị và khác biệt“.

Đối với Steve Jobs, điều này thật sự “kì lạ”. Vị CEO quá cố tin rằng việc kiểm soát trải nghiệm của người dùng là đúng đắn. Tuy nhiên, trải nghiệm người dùng trên các thiết bị Android luôn có sự khác biệt tùy theo hãng sản xuất.

Android đang bị phân mảnh“, Steve Jobs cho biết trong một cuộc gọi vào năm 2010.

Mặc dù giữ thái độ bình thản, nhưng ở phía sâu trong hậu trường, Steve Jobs có thể đã cảm thấy lo ngại về Android. Bài học Microsoft vượt qua Apple bằng cách tạo ra phần mềm giá rẻ cho các hãng máy tính vẫn luôn còn đó.

Cả Apple và Google đều đang giành chiến thắng?

Trong cuốn tiểu sử được xuất bản sau khi Steve Jobs qua đời, ông đã tuyên bố sẽ phát động “chiến tranh” để chống lại Android, một sản phẩm được ông gọi là “đồ đánh cắp“. Jobs đã tự hứa là sẽ “dành từng xu” trong số tiền hàng tỷ USD của Apple để “sửa đổi điều sai trái này“.

Tới thời Tim Cook, điều này đã không chỉ dừng lại ở lời nói. Apple đã tiến hành vô số vụ kiện bằng sáng chế với nhiều hãng smartphone Android như Samsung hay Motorola.

Tuy nhiên, không nỗ lực nào ngăn cản được CEO kiêm đồng sáng lập Google, Larry Page tiếp tục phát triển Android. Khi được hỏi về tuyên bố “gây chiến” của Steve Jobs vào năm 2013, ông Page cho biết: “Vậy nó đang được tiến hành như thế nào?

Vậy đâu là kết quả của cuộc chiến giữa Apple và Google? Câu trả lời chính xác nhất có thể là cả hai bên đều đã giành chiến thắng.

Trong một báo cáo gần đây, đã có 2 tỷ thiết bị Android đang hoạt động trên khắp thế giới. Điều này khiến cho những sản phẩm đang giúp Google hái ra tiền như Gmail, dịch vụ tìm kiếm và Google Maps giữ được vị thế thống trị trong lòng người dùng smartphone cũng như máy tính.

Trong khi đó, Apple vẫn tiếp tục thâu tóm gần như tất cả lợi nhuận trong ngành smartphone nhờ sự áp đảo trong phân khúc cao cấp. Ngoài ra, số tiền Apple kiếm được từ iOS cũng nhiều hơn so với số tiền Google kiếm được từ Android.

Chỉ trong quý 1/2017, Apple đã kiếm được 36 tỷ USD doanh thu từ việc bán iPhone và iPad trên toàn cầu. Cũng trong khoảng thời gian đó, Alphabet, công ty mẹ của Google đã báo cáo doanh thu 3,1 tỷ USD tới từ danh mục “khác”, bao gồm sản phẩm phần cứng và Google Play.

Về cơ bản, Google không phải là công ty phần cứng như Apple. Google là một công ty quảng cáo và Android sẽ giúp hãng có thêm doanh thu từ lĩnh vực quảng cáo di động.

Apple đang cố gắng bán điện thoại hoặc máy tính bảng cho bạn“, nhà phân tích Nguyen cho biết, “Trong khi đó, Google chỉ muốn được bạn chú ý mà thôi“.

Nguyễn Long

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2203585/android-da-danh-bai-iphone-de-gianh-vi-the-thong-tri-nhu-the-nao

Add Comment