Cách mạng công nghiệp 4.0: Làm gì để Việt Nam không tụt hậu? – VnReview

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang là cơ hội và cũng thách thức cho Việt Nam. ​Bởi nếu không có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta sẽ tụt hậu, hoặc “lỡ tàu” so với xu hướng đi lên của các nước trên thế giới.

Tại “Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng hiện Việt Nam vẫn đang ở trong cả 3 cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Và nay chuyển sang 4.0 sẽ là cơ hội lớn để chúng ta tiến lên. “Việt Nam hoàn toàn có thể tiến lên và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội CMCN 4.0 bứt phá phát triển”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô tận, bởi nó sẽ thay đổi cơ bản tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện nay. Khái niệm đầu tiên khi nói về cách mạng 4.0 là sự kết nối, kết nối mọi nơi mọi lúc giữa người với người, người với vật, đặc biệt quan trọng là giữa vật với vật: “Công nghệ 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ. Trong phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội thì của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP. Như vậy, thách thức ở đây, nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0 thì con người phải có trí tuệ thì mới tham gia vào được quá trình sản xuất”.

Nói về một nền kinh tế sáng tạo thì bản thân từng con người trong đó phải có sự sáng tạo. Trong khi đó, đối với những nước nghèo hoặc đi sau thường năng lực sáng tạo thấp, sử dụng trí tuệ không cao. Dù vậy, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam dù đi sau nhưng vẫn có cơ hội vượt lên trước bởi chúng ta không phải tốn quá nhiều cho chi phí chuyển đổi cho những cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3. Ông Thiên lấy ví dụ bằng việc Việt Nam mới đầu tư vào một nhà máy ở thời kỳ công nghiệp lần thứ 2 như Formusa nhưng có thể giữ lại 50 năm nữa. Trong khi chỉ cần 20 năm là có thể thay thế.

Do đó, chúng ta phải ý thức được những di sản từ quá khứ với hai điều. Một là chúng ta phải tận dụng những cơ hội từ các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì hiện nay vẫn chưa có nhiều gánh nặng từ những cuộc cách mạng trước 4.0. Thứ hai, chúng ta không thể sốt ruột để tích lũy trong thời gian trước mắt từ những thành quả của cuộc cách mạng 3.0 mà đến nay vẫn chưa làm được, nếu không sẽ phải trả giá rất đắt.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.

“Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần, bị tụt hậu phát triển và đang tụt hậu xa hơn. Và tụt hậu phát triển đã được nhận định là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng, việc giải quyết những vấn đề của cuộc CMCN 4.0 phải trên nền tảng trả lời cho thấu đáo câu hỏi Tại sao chúng ta là một dân tộc thông minh nhưng lại bị tụt hậu?”, ông Thiên nói.

Vị Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đình Thiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển KH&CN phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0 là rất lớn”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định.

Trong khi đó, bà Louisse Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho hay, một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt là nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Điều này đòi hỏi một nghiên cứu chi tiết hơn về các hệ thống công nghệ đang nổi lên và những hàm ý trong việc cải thiện chuỗi giá trị.

Quang cảnh Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công Thương tổ chức đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với chiến lược phát triển các lĩnh vực sản xuất, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam.

Bên cạnh nhiều ý kiến xác đáng, Diễn đàn còn tổ chức các Đối thoại bàn tròn như Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0, Kết nối chuỗi cung ứng trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Kinh tế chia sẻ và IoT – việc hình thành xã hội mới.

G.L

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2125648/cach-mang-cong-nghiep-4-0-lam-gi-de-viet-nam-khong-tut-hau

Add Comment