Đánh giá Asus Zenbook Pro UX580: Hai màn hình, liệu có sướng gấp đôi? – VnReview

Zenbook Pro UX580 là sản phẩm vừa được Asus giới thiệu tại Computex 2018. Điểm nhấn của chiếc laptop này chính là phần bàn di chuột nay đóng vai trò một màn hình thứ hai, gọi là ScreenPad.

Asus không phải là hãng đầu tiên tích hợp màn hình lên bàn di chuột, nhưng trên UX580 thì chức năng của cả màn hình và touchpad đều thực sự tốt, chứ không phải nửa vời như những thiết bị trước đây. Bên cạnh đó, chiếc laptop này cũng mang một cấu hình mạnh mẽ, thiết kế với chất liệu cao cấp và giá bán cũng không rẻ: từ 46,9 triệu đồng cho phiên bản sử dụng CPU Intel Core i7.

Thông số và giá của hai phiên bản Asus Zenbook Pro UX580 tại Việt Nam

Sản phẩm trong bài đánh giá này là phiên bản thấp hơn, dùng CPU Core i7.

Thiết kế cao cấp, mỏng nhẹ so với cấu hình

Máy có vỏ kim loại, màu sắc hơi ánh xanh

ZenBook Pro UX580 sở hữu thiết kế khá mỏng và nhẹ, gọn gàng so với một laptop màn hình 15.6 inch. Trọng lượng của máy chỉ 1,9kg, chỗ dày nhất chỉ 1,9 cm nên khi cần mang đi làm, di chuyển thì máy vẫn khá nhẹ, dễ cầm, nhưng vẫn chắc chắn nhờ chất liệu kim loại.

Phần nhôm mặt bàn phím có họa tiết xước

Toàn bộ phần vỏ, mặt phím và nắp của UX580 đều được làm từ nhôm. Máy có hai màu, phiên bản trong bài có màu Deep Dive Blue kết hợp giữa sắc xanh và đen cùng những đường viền màu vàng đồng nhìn khá nhã nhặn. Qua quá trình sử dụng, chắc chắn phần vỏ nhôm sẽ bị xước dăm, nhưng màu sắc giúp giấu đi những vết xước khá tốt.

Nắp trên có họa tiết Zen quen thuộc, phần vỏ hơi dễ bám vân tay

Nắp trên của máy vẫn sử dụng họa tiết đường tròn đồng tâm Zen quen thuộc, nhìn không ấn tượng bằng nắp trên bóng của dòng UX430. Không như phiên bản 14 inch (UX480) dùng bản lề ErgoLift, UX580 sử dụng kết cấu bản lề quen thuộc và chắc chắn, màn hình không bị rung nhiều nếu di chuyển máy. Với khe mở ở phía trước, máy gần như có thể dùng một tay để mở nắp màn hình.

Cảm biến vân tay được đặt phía dưới bàn phím, hỗ trợ mở khóa rất nhanh

Về mặt kết nối, máy trang bị 2 cổng USB 3.0, khe cắm thẻ MicroSD và chân cắm tai nghe ở cạnh phải. Ở phía đối diện là 2 cổng USB TypeC/Thunderbolt 3, cổng HDMI và khe cắm nguồn.

Các cổng kết nối của UX580

Nhìn chung số cổng kết nối khá đa dạng, phù hợp với cả những thiết bị truyền thống như phím, chuột, ổ gắn ngoài… lẫn các thiết bị mới như màn hình Thunderbolt, smartphone đời mới… Tuy nhiên nếu Asus trang bị cho máy khe cắm thẻ SD thì sẽ tiện dụng và đúng với đối tượng người sáng tạo nội dung hơn là thẻ MicroSD hiện tại.

Bàn phím có kích thước đầy đủ, nhưng cảm giác gõ không mấy ấn tượng

Bàn phím của máy có kích thước đầy đủ, trừ các phím điều hướng. Do diện tích không đủ nên máy không được trang bị cụm phím số, thay vào đó là một hàng phím chức năng ở bên phải. Trên chiếc máy này, cụm phím F được đặt sẵn các chức năng điều khiển, nếu muốn dùng như bình thường người dùng phải giữ nút Fn hoặc chuyển hẳn lại.

Phía dưới khu vực bản lề là các khe thoát nhiệt

Hành trình phím của UX580 là khoảng 1,5 mm, cũng là khá sâu với laptop mỏng. Tuy nhiên cảm giác gõ phím vẫn không hiệu quả bởi mặt phím hơi trơn, khiến cho ngón tay dễ bị trượt và gõ nhầm khi đánh máy nhanh. Bù lại thì phần mặt bàn phím có cảm giác chắc chắn, không bị lún nhiều kể cả khi gõ hay nhấn mạnh.

Bàn di chuột trên UX580 có kích thước 5.5 inch, được trang bị đủ các tính năng điều khiển bằng cử chỉ Windows Precision. Cảm biến vân tay ở các thế hệ trước thường được đặt trong bàn di nhưng ở 7UX580 đã được chuyển xuống phía dưới bàn phím. Tất nhiên, cảm giác sử dụng bàn di không quá quan trọng bởi tính năng thú vị nhất của nó lại là… hiển thị.

Màn hình phụ ScreenPad: Tính năng độc đáo, hữu ích, nhưng vẫn cần cải thiện

ScreenPad chính là tính năng được Asus tập trung quảng bá trên UX580. Phần bàn di của máy chính là một màn hình cảm ứng có kích thước 5.5 inch, độ phân giải Full HD. Trước khi trải nghiệm thực tế, tôi đã nghĩ đây sẽ chỉ là một tính năng thừa thãi, dùng để marketing và gây tốn pin. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, màn hình thứ hai này đã tỏ ra khá hữu dụng.

Chuyển đổi giữa các chế độ đơn giản chỉ với một nút bấm

Ngoại trừ chức năng bàn di thông thường, phần touchpad trên UX580 còn 2 chế độ: ScreenPad là chế độ cho phép dùng màn hình để làm các chức năng phụ, hiển thị những tùy chọn trong các ứng dụng hỗ trợ, và Extension Display là chế độ cho phép biến bàn di thành màn hình thứ hai. Việc chuyển giữa các chế độ rất dễ dàng chỉ với nút F6.

Chức năng ScreenPad hiện hỗ trợ một số tính năng như máy tính, bàn phím số, điều khiển nhạc, YouTube, Spotify, mở nhanh ứng dụng…

Trong chế độ ScreenPad, Asus đã cài đặt sẵn một số ứng dụng như điều khiển âm nhạc, máy tính, lịch… Ngoài ra, hiện tại cũng có bộ ứng dụng cho Microsoft Office. Hãng cho biết họ cũng mở bộ công cụ phát triển để các nhà phát triển có thể tạo thêm ứng dụng cho ScreenPad.

Chức năng này có cả phần cài đặt riêng để chỉnh độ sáng, chọn hình nền cho màn hình nhỏ

Màn hình phụ trên UX580 rất có thể sẽ được so sánh với TouchBar trên Macbook Pro, nhưng thực tế cách hoạt động của hai thiết bị rất khác nhau. TouchBar hoạt động theo ngữ cảnh, tức là khi bạn vừa làm một hành động gì thì các tùy chọn tiếp theo sẽ hiện lên.

ScreenPad hỗ trợ một số tính năng trên bộ Microsoft Office

Trong khi đó ScreenPad hiển thị những tùy chọn cố định, do vậy người dùng có thể để sẵn những tùy chọn hay dùng cho tiện truy cập. Người viết đã sử dụng và đánh giá TouchBar phù hợp hơn với những ứng dụng như Office, nhưng khi cần điều chỉnh nhạc, video thì ScreenPad lại có lợi thế nhờ màn hình lớn hơn.

Với tính năng Extension Display, người dùng có thêm một màn hình hiển thị, giống như gắn thêm màn hình ngoài

Tính năng thứ hai, Extension Display mới chính là điểm “đáng tiền” của sản phẩm này. Nếu như đã từng dùng hai màn hình, bạn sẽ biết có rất nhiều công việc sẽ trở nên hiệu quả hơn khi có hai màn hình cùng lúc, mà UX580 lại có màn hình thứ hai tích hợp sẵn trong máy.

Khi bật Extension Display, Windows sẽ nhận ra máy đang “kết nối” vào một màn hình thứ hai, và cho phép sử dụng với các chế độ quen thuộc như Duplicate (hai màn hiển thị giống nhau) hay Extend (hai màn hiển thị song song). Màn hình này có chức năng y hệt như một màn thường, bạn có thể kéo bất kì nội dung nào vào đây.

 

Bạn có thể hiển thị bất kỳ nội dung nào trên màn hình này, như lướt web, phim, hiển thị preview ảnh, video, thậm chí là cả chơi game

Trong quá trình sử dụng, tôi thường xuyên dùng màn hình thứ hai để hỗ trợ công việc. Khi dựng phim, tôi có thể “ném” cửa sổ preview xuống màn hình thứ hai để có thêm không gian làm việc với timeline. Khi đang soạn thảo một bài báo cáo trong PowerPoint, tôi sẽ để cửa sổ trình chiếu ở màn hình phụ và nhìn thấy ngay các hiệu ứng, nội dung mình vừa làm.

Nếu cần vừa viết bài, vừa tham khảo nguồn tin, tôi có thể để cửa sổ web xuống dưới để tra cứu. Hoặc nếu như đang trong giờ làm việc mà muốn… xem tuyển Olympic Việt Nam đá với Hàn Quốc, tôi cũng có thể mở trận đấu ở màn hình dưới. Thậm chí bạn còn có thể kéo game vào màn hình này để chơi.

Nhìn chung việc sử dụng màn hình thứ hai như thế nào là tùy từng người, nhưng chế độ Extension Display thực sự có thể giúp bạn làm việc, giải trí tốt hơn. Dù vậy, vẫn có một số điểm trừ đối với màn hình thứ hai này.

Đầu tiên, tôi nhận thấy cảm ứng trên màn hình chưa được mượt, vuốt từ cạnh trên xuống trong chế độ ScreenPad đôi khi máy phản hồi hơi chậm. Bên cạnh đó, các ứng dụng cho chế độ này cũng chưa nhiều.

 

Dù vậy màn hình phụ có chất lượng hiển thị chưa tốt, điều khiển cũng khó nếu không cắm thêm chuột bên ngoài

Chất lượng hiển thị cũng là một điểm chưa ổn. Do còn sử dụng làm bàn di chuột nên Asus đã không dùng lớp kính bảo vệ như trên điện thoại, mà lại phủ một lớp mờ lên bề mặt màn hình. Điều đó khiến cho độ tương phản, góc nhìn kém hơn khá nhiều nếu so với một màn hình smartphone thông thường.

Với kích thước 5.5 inch và độ phân giải Full HD, khi làm màn hình phụ thì các nội dung sẽ hiển thị rất nhỏ, khó nhìn. Khi muốn chữ hiển thị rõ và dễ đọc, tôi phải tăng độ phóng đại lên khoảng 300%. Thật may là Windows 10 hiện cho đặt độ phân giải, độ phóng đại cho từng màn hình, và với các nội dung như phim hay hình ảnh thì đây cũng không phải vấn đề lớn.

Khi chuyển sang chế độ màn hình phụ, bạn cũng sẽ không thể điều khiển bằng cách chạm, cảm ứng ngay trên màn hình này, mà phải di con trỏ chuột rất nhỏ xuống màn hình dưới. Cách điều khiển như vậy hơi khó chịu nếu như không có chuột ngoài. Tốc độ chuyển giữa các chế độ cũng khá chậm.

Nhìn chung màn hình phụ nằm trên bàn di chuột không phải là một sự sáng tạo vô nghĩa của Asus. Trên UX580, nó có thể giúp người dùng tăng khả năng làm việc, giải trí. Tuy nhiên chất lượng hiển thị và cách điều khiển vẫn còn những điểm cần cải thiện.

Màn hình chất lượng tốt, góc nhìn rộng, loa hơi nhỏ

Màn hình chính của UX580 có chất lượng tốt, góc nhìn rộng

Màn hình chính của máy có độ phân giải Full HD, tấm nền IPS với góc nhìn rộng. Theo Asus thì họ đã đo kiểm và cân màu của từng màn hình từ trước khi xuất xưởng để đạt khả năng hiển thị màu sắc chuẩn xác, ít sai màu nhất.

Độ sáng của màn đạt mức gần 300 nits. Màn hình của UX580 đủ sáng để sử dụng trong nhà khi trời sáng, còn dùng trong môi trường văn phòng thông thường thì hiển thị rất sáng, rõ. Góc nhìn của màn hình cũng rất rộng, đây sẽ là điểm cộng nếu bạn cần chỉnh sửa ảnh, video hoặc xem phim và muốn người khác xem cùng.

Kiểm tra với thiết bị và phần mềm chuyên dụng, có thể thấy những thông số màn hình Asus đưa ra khá chuẩn

Khả năng hiển thị màu sắc của máy có độ chuẩn màu rất tốt, thể hiện qua các kết quả đo bằng thiết bị chuyên dụng. Nếu so với những thông số của nhà sản xuất cung cấp (100% sRGB, Delta E<3) thì chất lượng thật của màn đã đáp ứng được. Phiên bản cao cấp nhất không chỉ có màn hình 4K và cảm ứng, mà thông số cũng tốt hơn: 100% Adobe RGB và Delta E<2.

Loa được đặt ở mặt dưới, âm lượng hơi nhỏ và chất âm hơi thiếu bass

Hai loa của UX580 được đặt ở phần vát phía mặt dưới. Âm lượng của loa không lớn, đủ nghe khi ngồi làm việc văn phòng, xung quanh không quá ồn, còn nếu bạn dùng ở những nơi ồn ào thì có lẽ nên dùng tai nghe. Loa có âm trường rộng, chất âm thiên sáng, trong nên nghe giọng nói hoặc nhạc nhẹ nhàng tốt, nhưng với những thể loại nhạc nhiều bass thì kém ấn tượng.

Hiệu năng mạnh mẽ, không bị ảnh hưởng nhiều từ nhiệt độ

Phần cứng của UX580 rất mạnh mẽ, với vi xử lý Intel Core đời 8 6 nhân, 16GB RAM và card đồ họa NVIDIA GeForce GTX 1050 Ti. Cấu hình này tất nhiên đủ để đáp ứng đa số nhu cầu sử dụng của một người làm nội dung thông thường: những công việc như lướt web, chỉnh sửa ảnh máy xử lý rất nhẹ nhàng.

Hiệu năng của máy đủ đảm bảo cho những ứng dụng khá nặng như chỉnh sửa ảnh, video

Đối với công việc nặng hơn như chỉnh sửa video, tạo hiệu ứng 3D trong video… thì máy nóng hơn, quạt chạy ồn hơn. Ở điều kiện văn phòng bình thường thì quạt của UX580 không đủ gây khó chịu, nhưng nếu làm việc ở nhà, nơi yên tĩnh thì mức cao nhất của quạt cũng có thể làm bạn bị phân tâm.

Vấn đề với những chiếc máy mỏng, nhẹ và cấu hình cao luôn là sự cân bằng giữa nhiệt độ và hiệu năng. Để thử nghiệm, chúng tôi cho máy xuất một video đánh giá của VnReview có độ dài 11 phút ở độ phân giải 4K. Máy được thử trong hai điều kiện: rút sạc, bật chế độ hiệu năng tối đa và cắm sạc.

Chúng tôi sử dụng phần mềm Intel Power Gadget để theo dõi hoạt động của máy, trong đó có những thông số đáng chú ý: xung nhịp CPU, công suất tiêu thụ và nhiệt độ.

Sự chênh lệch về tốc độ, hiệu năng khi xuất file phim lúc cắm sạc và chạy pin. Khi cắm sạc, xung nhịp không bị ảnh hưởng quá nhiều từ nhiệt độ.

Khi chạy bằng pin, xung nhịp của máy lên xuống liên tục và rất đều, nhưng khi xuống thấp nhất có thể tới 800 Mhz, xung nhịp trung bình trong toàn bộ quá trình là 2 GHz. Nhiệt độ tối đa lúc này khoảng 85 độ, duy trì trung bình khoảng 80 độ. Công suất tiêu thụ trung bình của CPU là 18W, và máy mất 15 phút để xuất video.

Cũng với tác vụ y hệt nhưng cắm sạc, xung nhịp của máy lên xuống không đều như khi chạy trên pin, nhưng máy có thể duy trì mức xung nhịp trung bình 3 GHz.  Nhiệt độ tối đa khoảng 90 độ, trung bình 80 độ. Công suất tiêu thụ trung bình của CPU là 25W, và máy chỉ mất 10 phút để xuất video.

Về mặt thông số, vi xử lý Intel Core i7-8750H có xung nhịp tối đa 3,9 GHz khi hoạt động cả 6 nhân. Như vậy với thiết kế mỏng nhẹ, chúng tôi đánh giá máy hoạt động ổn, không bị giới hạn nhiều vì nhiệt độ khi hoạt động liên tục trong thời gian dài, vẫn duy trì được mức 3GHz khi cắm pin.

Tuy nhiên lúc rút pin, có lẽ Asus đang ưu tiên thời lượng pin hơn là tốc độ nên hiệu năng của máy giảm khá rõ. Máy vẫn đủ khả năng xử lý công việc, hình ảnh hay video khi làm việc trên pin, nhưng nếu Asus trang bị khả năng điều chỉnh linh hoạt hơn thì người dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn.

Đối với các kết quả đánh giá hiệu năng bằng phần mềm, ZenBook Pro UX580 đạt điểm số tương ứng với cấu hình của máy, không có nhiều bất ngờ.

Kết quả đo hiệu năng CPU bằng Cinebench và GeekBench

Kết quả đánh giá hiệu năng đồ họa bằng bài test Time Spy trong 3DMark

Do được trang bị card đồ họa tầm trung GTX 1050 Ti, máy có thể chơi tốt phần lớn game mới nhất ở độ phân giải Full HD, mức thiết lập hình ảnh trung bình (hoặc thấp với các game nặng) và tốc độ khung hình trên 60 FPS. Cỗ máy này không hướng tới những game thủ nghiêm túc mà chủ yếu tới nhu cầu chơi game vừa phải, cũng như card đồ họa để hỗ trợ các chương trình dựng hình, video.

Máy đáp ứng được game PUBG ở mức đồ họa trung bình, tốc độ 60 fps với những cảnh nhẹ

Với game CS: GO, chiếc UX580 đáp ứng nhẹ nhàng trên 100 fps

Có lẽ đối tượng của chiếc máy này không phải những game thủ “try hard”, mà là những người tranh thủ thời gian để chơi game, do vậy cũng không cần cấu hình quá cao

Ổ SSD trong máy là Toshiba XG3, kết nối qua giao tiếp PCIe x4. Tốc độ của ổ rất cao, khởi động chỉ mất vài giây và sao chép dữ liệu thông thường cũng rất nhanh.

Kết quả đánh giá hiệu năng SSD qua ứng dụng CrystalDiskMark

Thời lượng pin không ấn tượng

Mặc dù được trang bị pin dung lượng tới 71WHr, thời lượng pin của UX580 không mấy ấn tượng. Trong công việc hàng ngày khi tôi dùng máy để soạn thảo văn bản, mở khoảng 10 tab trong trình duyệt, xử lý ảnh nhẹ nhàng với hai màn hình cùng bật thì máy dùng được khoảng 3 giờ. Nếu tắt màn hình thì thời gian sử dụng có thể tăng lên 4 giờ.

Pin của máy không ấn tượng, nếu cầm máy đi làm quá 1 buổi tôi buộc phải mang sạc theo

Với thời gian như vậy, khi đi làm tôi không thể bỏ sạc ở nhà. Cục sạc của chiếc máy này có công suất lớn tới 150W, sạc nhanh (chỉ hơn 1 giờ là đầy pin) nhưng hơi cồng kềnh để mang đi lại. Cấu hình cao, không gian tản nhiệt ít và sự tối ưu chưa tốt từ phần mềm ScreenPad là những nguyên nhân chính khiến pin của chiếc laptop này chỉ ở mức trung bình.

Kết luận

Khi sử dụng laptop để làm việc, nhiều người có xu hướng gắn thêm chuột, màn hình hay bàn phím ngoài để tăng độ tiện dụng. Asus đã hiện thực hóa ý tưởng đó bằng cách thêm màn hình vào phần di tay. Nếu chưa sử dụng thì bạn có thể nghĩ đây là một tính năng thừa thãi để quảng cáo, nhưng trong thực tế việc có hai màn hình sẽ có tác dụng trong khá nhiều công việc.

Tất nhiên tích hợp một màn hình thứ hai vào máy không hề đơn giản và thực tế màn hình này còn nhiều hạn chế về phần cứng, phần mềm. Nếu bỏ qua tính năng đó, máy vẫn sở hữu thiết kế đẹp mắt, hiệu năng mạnh mẽ để đáp ứng hầu hết tác vụ phổ thông. Điểm trừ đáng nói nhất là thời lượng pin, khiến cho trải nghiệm sử dụng chưa được trọn vẹn.

Với mức giá lên tới gần 50 triệu, UX580 mang lại được hiệu năng tốt và trải nghiệm thú vị với màn hình thứ hai. Ở tầm giá này hiện cũng không có nhiều lựa chọn, chủ yếu là laptop gaming với cấu hình mạnh nhưng thường dày, nặng hơn UX580. Macbook Pro 2018 bản 15 inch cũng là một thiết bị đáng chú ý, nhưng giá bán của nó cao hơn UX580 khá nhiều. Ngoài ra nếu hướng tới hiệu năng và màn hình thực sự tốt, bạn cũng có thể cân nhắc một số mẫu máy workstation.

Điểm cộng:

+ Thiết kế gọn, màu sắc nhã nhặn

+ Màn hình phụ hữu ích

+ Màn hình chính hiển thị đẹp, trong trẻo

+ Hiệu năng mạnh mẽ

Điểm trừ:

– Bàn phím gõ không tốt

– Hiệu năng, tốc độ chuyển đổi chế độ ở màn hình phụ khá chậm

– Pin không ấn tượng

Tuấn Anh

!function(f,b,e,v,n,t,s) (window, document,’script’, ‘https://connect.facebook.net/en_US/fbevents.js’); fbq(‘init’, ‘137432690179439’); fbq(‘track’, ‘PageView’);

Nguồn: https://vnreview.vn/danh-gia-laptop-chi-tiet/-/view_content/content/2591115/danh-gia-asus-zenbook-pro-ux580-hai-man-hinh-lieu-co-suong-gap-doi

Add Comment