Đánh giá chi tiết âm thanh từ “DAC rời” của Bphone 2017 – VnReview

Sang đến thế hệ thứ hai, chiếc smartphone BKAV cũng mang đến tham vọng âm thanh lớn hơn, cao cấp hơn. Nhưng để smartphone có thể thực sự sánh ngang tầm DAC/amp hay DAP không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Trước khi thực hiện bài viết này để gửi tới bạn đọc, điều đầu tiên tôi làm là trăn trở. Trăn trở, bởi tôi biết một chiếc smartphone cao cấp nhất từ Việt Nam sẽ luôn là chủ đề gây tranh cãi. Và ngay cả khi xét đến một yếu tố ít được người dùng phổ thông chú ý tới như “âm thanh cao cấp” thì Bphone vẫn là một chiếc smartphone gây tranh cãi: thế hệ BPhone thứ 2 ra mắt khi trào lưu “giết” cổng tai nghe đang bùng nổ, cùng lúc lại dám tuyên bố “chất đến từng đồng” vì sử dụng DAC rời.

Mà âm thanh thì lại là một lĩnh vực không thể đong đếm được: chúng ta không nghe nhạc bằng những biểu đồ hay những con số được nhà sản xuất tuyên bố. Đôi tai của chúng ta có độ nhạy khác nhau với các dải âm. Chúng ta có hiểu biết khác nhau về các thiết bị âm thanh, có quan niệm yêu-ghét với thiết bị, có kinh nghiệm “thẩm âm” khác nhau và trên hết là có sở thích âm nhạc rất khác nhau.

Chính những lời khuyên nhập môn tôi đã từng đưa ra với bạn đọc mới chơi tai nghe, nay lại trở lại và đúng với tôi hơn bao giờ hết. Làm thế nào tôi có thể xác nhận được rằng âm thanh của BPhone 2017 là “chất đến từng đồng”? Liệu tôi có thể đưa đưa ra nhận định rằng “âm thanh của BPhone 2017 cao cấp hơn các đối thủ khác”?

Chất âm DAC rời

Trước hết, âm thanh của Bphone có thể coi là trung tính, không nhiều “màu” khi thử nghiệm với những chiếc tai nghe trở thấp. Với Grado/Alessandro MS2e, bạn có thể nghe thấy chất treb sáng, có năng lượng. Với Fostex TH-X00, bạn có thể cảm nhận được nhịp đập của bass. Với Audio Technica AD2000, bạn có thể cảm nhận thêm một chút tách bạch trong không gian có phần ngọt ngào quá mức vì thứ trung âm dày, ấm đã làm nên tên tuổi của hãng tai nghe Nhật Bản.

Tổng thể, Bphone 2017 có âm thanh hơi “khô” một chút. Chất âm này có lẽ sẽ làm vừa lòng một lượng lớn các tín đồ âm thanh bình thường, vốn là những người thích được nghe “màu” âm thanh từ tai nghe và đòi hỏi DAC/amp phải trung thực. Đây cũng là âm thanh kết hợp khá tốt với những chiếc tai nghe mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên, song cần lưu ý rằng tai nghe có treb quá sáng có thể gây mệt cho những người không thích dải âm cao này.

Nhưng kể cả với đặc điểm như vậy, BPhone 2017 có điểm gì KHÁC so với những thiết bị sử dụng DAC tích hợp bình thường? Tôi hiểu rằng chúng ta cần phải nói về những khác biệt có thể cảm nhận được trong trường hợp sử dụng thực tế, và điều này đặt tôi vào một vị trí không dễ dàng: sự khác biệt là có, nhưng không hề rõ ràng.

Thử so sánh với iPhone 6s Plus, thế hệ iPhone cuối cùng có cổng tai nghe và cũng có chất lượng âm thanh cao hơn hẳn so với adapter trên iPhone 7 trở đi. Ngay cả khi sử dụng với những chiếc tai nghe trở thấp từ Grado hay Fostex với nguồn phát Tidal Hi-fi, sự khác biệt sẽ chỉ hiện hữu khi bạn nghe đi nghe lại một bài hát và “soi mói” từng dải âm. Khác biệt dễ thấy nhất nằm ở mức độ “sạch” của âm thanh: theo cảm nhận rất cá nhân, tôi thấy Bphone 2017 có âm bass gọn hơn, ít “lềnh phềnh” hơn và dải treb cũng ít cảm giác lạo xạo hơn. 

Sự khác biệt khi chuyển từ iPhone 6s Plus sang Bphone 2017 có thể ví với sự khác biệt khi chuyển từ cổng tai nghe tích hợp trên Macbook sang bộ DAC/amp “tiêu chuẩn” ODAC+O2, một trong những thiết kế mã nguồn mở nổi tiếng nhất thế giới âm thanh. Song, một lần nữa, trong khi sự cải thiện ở đây mang cùng một bản chất (sạch hơn, tách biệt hơn và chi tiết hơn), mức độ cải thiện thực tế từ iPhone lên Bphone không thể nhiều và rõ rệt như khi nâng cấp lên DAC/amp được.

Thông số và nguồn nhạc

Trước khi đi đến những hạng mục tiếp theo, có lẽ chúng ta nên điểm qua về thông số âm thanh của Galaxy Note8. Về mặt lý thuyết, DAC rời trên Bphone 2017 có thể hỗ trợ tới 32 bit/384KHz, cũng là mức được Galaxy Note8 hỗ trợ. Smartphone của Apple và nhiều hãng khác chưa hỗ trợ đến mức này.

Trong thực tế, tìm nhạc 32 bit/384 KHz đúng với sở thích có lẽ sẽ là bất khả thi. Ngay cả nguồn nhạc 24-bit/96KHz là mức hỗ trợ tối đa của gian hàng nổi tiếng được nhiều người biết đến là HDTracks cũng đem đến nhiều trở ngại: dung lượng lưu trữ quá cao và giá quá đắt. Hơn 20 USD cho một album không phải là một khoản tiền nhỏ.

Giải pháp chúng tôi lựa chọn là Tidal, dịch vụ stream nhạc chất lượng cao có giá gia đình khoảng 20 USD/tháng. Trong trải nghiệm thực tế trên Bphone 2017, Tidal cho ra chất âm trong trẻo và không có tạp âm. Tuy vậy, trong một thử nghiệm khách quan (thay đổi nguồn mà không cho người nghe biết), chúng tôi nhận ra Spotify cũng có thể mang lại chất lượng gần tương đồng. Có lẽ, điểm quan trọng ở đây là phải lựa chọn các nguồn nhạc bản quyền thay vì dùng nhạc FLAC “lậu” tải từ torrent.

Tai nghe đi kèm

Bài thử nghiệm tiếp theo có lẽ sẽ được đông đảo người dùng phổ thông quan tâm: tai nghe đi kèm sản phẩm. Xu thế nâng cấp tai nghe đi kèm smartphone đang được khá nhiều hãng điện thoại chú ý tới: LG có tai nghe gắn mác B&O còn Samsung có tai nghe gắn mác AKG. Apple đã mua lại Beats nhưng vẫn chỉ tặng kèm EarPods.

Còn Bphone 2017 chỉ có một chiếc tai nghe màu trắng khá giản dị với logo chữ B quen thuộc.

Những chiếc tai nghe này đấu với nhau ra sao? Do điều kiện không cho phép và cũng bởi “dị ứng” với các sự cố về chất lượng của LG nên tôi không có sản phẩm của hãng này để so sánh. Giữa tai nghe đi kèm của Bphone 2017, iPhone 6 Plus và Galaxy Note8, tôi vẫn sẽ dành tặng vị trí dẫn đầu cho EarPods. Khi ra mắt thiết kế earbud cải tiến vào năm 2012, Apple đã thực sự tìm ra điểm cân bằng giữa mức độ thoải mái, lượng bass và độ “trong” của âm thanh. Đến tận ngày hôm nay, do chủ yếu nghe nhạc bằng tai nghe fullsize nên tôi vẫn chỉ sử dụng EarPods hoặc các bản sao đến từ Sony như STH30 và STH32 khi thực sự phải gắn tai nghe vào điện thoại.

Cuộc chiến giữa 2 chiếc tai nghe còn lại không hẳn có kẻ chiến thắng thuyết phục. Thực sự, dù các nhà sản xuất có đem gắn mác B&O, AKG hay bất cứ một thương hiệu nào khác thì tai nghe đi kèm vẫn chỉ là… tai nghe đi kèm. Kiểu dáng in-ear cho phép tai nghe Note8 và tai nghe AKG có thể mang lại chất âm nhiều bass hơn nhưng cũng lùng bùng hơn. Với Pink Floyd chẳng hạn, cả 2 chiếc tai nghe này cùng đem dải bass “đập” hết các âm thanh guitar, keyboard được thu âm rất trau chuốt trong High Hopes.

Nếu bạn quan tâm đến chất lượng âm thanh, đừng chấp nhận âm thanh từ tai nghe trong hộp sản phẩm – bao gồm cả tai nghe của Bphone 2017. Ngay cả những sản phẩm bán rời có giá dễ chấp nhận như Yuin PK3, Sony STH32, Notes Audio NT.100 hoặc AYA mkii cũng sẽ mang đến những cải thiện dễ thấy. Như đã đề cập ở trên, do đi theo chất âm trung tính nên Bphone sẽ kết hợp tốt với các mẫu tai nghe có chất âm giàu nhạc tính hơn là các mẫu có chất âm khô khan như Xiaomi Piston hay Audio Technica IM02.

Kết hợp với loa vi tính/loa di động

Đây có lẽ là sự kết hợp mang lại kết quả bất ngờ nhất. Phần lớn những chiếc loa để bàn (như Aego M được sử dụng trong bài viết) hay loa di động (như Beoplay A2) có độ tách bạch không cao và cũng thường nhấn khá nhiều vào phần bass để “nịnh” đôi tai của đối tượng người dùng nói chung. Loại âm thanh này tạo ra một sự kết hợp/bù trừ khá tốt với chất âm có phần “điện tử” của Bphone 2017. Trên Aego M, Bphone 2017 giúp tạo ra dải bass gọn hơn và dải treb sáng hơn, kết quả là âm thanh nghe “đã” hơn khá nhiều so với cổng âm thanh của chiếc PC hay MacBook mà tôi sử dụng. Kết nối Beoplay A2 với Bphone qua cổng 3.5mm cũng giúp tạo ra âm thanh sáng sủa hơn so với kết nối Bluetooth vốn sử dụng DAC tích hợp trong loa.

Loa di động Beoplay A2

Thử nghiệm trở cao

Chiếc tai nghe cuối cùng được chúng tôi sử dụng là AKG K612. Đây là một trong những mẫu tai nghe cuối cùng của các kỹ sư AKG “chính hiệu” Áo trước khi bị Harman đóng cửa và chuyển toàn bộ chu trình thiết kế/sản xuất sang Trung Quốc (các mẫu in-ear AKG, bao gồm cả mẫu bán kèm Note8, cũng là do các bộ phận Trung Quốc sản xuất/thiết kế). 

Lý do chọn K612: ở mức trở kháng 120 Ohm cùng độ nhạy 101 dB SPL/V, chiếc AKG sẽ đòi hỏi phải có amp rời, song là… bất kỳ một chiếc amp rời nào. Điều này có nghĩa rằng K612 không hề kém amp khi ngay cả những lựa chọn giá rẻ như CmoyBB hoặc O2 DIY cũng có thể kéo ra đầy đủ chất âm của chiếc tai nghe này.

Đáng tiếc là Bphone đã không thể vượt qua thử nghiệm này. Dung lượng ở mức cao nhất của Bphone 2017 có thể coi là đủ cao để tận hưởng các bài hát một cách nhẹ nhàng trên AKG; dải mid và dải treb có cũng có chất lượng vừa đủ (mượt, mềm) nhưng dải bass lại thiếu hụt – một dấu hiệu của hiện tượng không đủ sức mạnh. Rõ ràng là Bphone không thể thay thế được một lựa chọn DAC/amp đầy đủ. iPhone 6s Plus và Galaxy Note8 cũng vậy.

Đối đầu với DAP và amp/DAC

Không có bất ngờ nào ở đây cả. Thua kém về sức mạnh, Bphone 2017 cũng không thể đánh bại những bộ amp/DAC đã được chứng minh chất lượng như O2+ODAC hoặc JDS C5D. Tuy vậy, dựa theo trí nhớ của tôi thì BPhone 2017 sẽ không quá thua kém một số lựa chọn cũ như Fiio E10K hoặc Centrance DACport, ít nhất là về chất lượng âm thanh trên tai nghe trở thấp.

Kết quả trong cuộc đối đầu giữa Bphone 2017 và một chiếc DAP (máy nghe nhạc) tầm trung là Pioneer XDP-100R cũng kết thúc với phần thắng tuyệt đối dành cho người Nhật: XDP-100R tạo ra âm thanh trong trẻo hơn, giàu nhạc tính hơn nhưng vẫn chi tiết hơn.

Bphone 2017: “Chất” tới từng thanh âm?

Hãy cùng trở lại với 2 câu hỏi đầu tiên của bài viết: Âm thanh của Bphone 2017 có “chất đến từng đồng”? Có cao cấp hơn các đối thủ khác?

Với câu hỏi thứ 2, tôi xin ra đưa câu trả lời là “có, nhưng không rõ”. Với riêng đôi tai của tôi, Bphone 2017 “hay” hơn iPhone 6s Plus và Galaxy Note8. Trên một chiếc điện thoại tầm cận cao cấp, BKAV đã có nỗ lực rất đáng khen ngợi khi sử dụng một giải pháp kỹ thuật khác biệt để nâng tầm cho âm thanh, vốn là một yếu tố trải nghiệm không được người dùng phổ thông đề cao so với cấu hình, màn hình hay pin.

Song, cái “hay hơn” ở đây chỉ đến từ những thử nghiệm lặp đi lặp lại rất kỹ lưỡng trên những chiếc tai nghe mà tôi thường không dùng với điện thoại. Những nỗ lực của BKAV là chưa đủ để Bphone có thể bứt ra khỏi vai trò là một thiết bị cho mọi người để sánh ngang với những chiếc DAP cao cấp – nói cách khác, trở thành một thiết bị dành cho audiophile. Chất âm của BPhone có thể coi là cao cấp hơn iPhone 6s (cũng là cao hơn adapter Lightning sau này) nhưng chắc chắn không thể sánh với Pioneer XDP-100R.

Bởi lý do này, câu hỏi liệu âm thanh Bphone 2017 có “chất đến từng đồng” sẽ lại dẫn ra một câu hỏi khác: chỉ tính riêng trên mặt âm thanh, bạn sẽ đòi hỏi gì từ một mẫu điện thoại tầm trung dành cho tất cả mọi người? Rõ ràng là bạn sẽ không đòi hỏi chất âm ngang ngửa với một chiếc DAP cùng tầm giá, bạn không thể đòi hỏi điện thoại phải “kéo” được tai trở cao… Nhưng nếu bạn có hy vọng được sở hữu một chiếc smartphone “trung tính” và tách bạch, có thể nhường toàn bộ đất diễn cho những chiếc tai nghe trở thấp như Grado, Audio Technica và Fostex để chiến tốt từng thể loại nhạc… Bphone 2017 chắc chắn sẽ khiến bạn phải mỉm cười.

Gia Cường

Nguồn: http://vnreview.vn/danh-gia-chi-tiet-di-dong/-/view_content/content/2309970/danh-gia-chi-tiet-am-thanh-tu-dac-roi-cua-bphone-2017

Add Comment