Đánh giá nhanh bàn phím cơ Durgod V104s: Thế lực mới của làng phím cơ? – VnReview

Không có thiết kế quá hào nhoáng, điểm nổi bật của chiếc bàn phím cơ V104s đến từ thương hiệu Trung Quốc Durgod là mang lại cho người dùng cảm giác gõ tốt nhất – với mức giá cạnh tranh nhất có thể.

Durgod là một thương hiệu vẫn còn khá mới lạ, chỉ mới chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam hồi cuối năm 2018, nhưng những sản phẩm bàn phím Durgod trước đây như Taurus K320, K310 đều nhận được những đánh giá khá tích cực từ cộng đồng nước ngoài. Mới đây, hãng công nghệ Trung Quốc này đã giới thiệu tới 4 mẫu bàn phím cơ mới, lần lượt là V87, V87s, V104 và V104s để người dùng có thêm những sự lựa chọn “khai phím” trong dịp năm mới đã đến gần.

Sản phẩm trong bài đánh giá của VnReview ngày hôm nay là phiên bản V104s cao cấp nhất trong số 4 mẫu, với 104 phím và có trang bị đèn LED RGB. Chiếc bàn phím này hiện được phân phối chính hãng bởi Ninza Việt Nam với mức giá niêm yết là 2,6 triệu đồng.

Thiết kế đơn giản, cảm giác gõ tốt

Hộp của Durgod V104s không quá cầu kỳ với tông màu xanh đen nam tính, ở mặt trước là hình ảnh của chiếc bàn phím với logo Durgod và tên mã bàn phím ở hai góc hộp. Mặt sau của hộp là một số thông tin về Durgod cũng như thông tin nhà máy sản xuất của chiếc bàn phím. Bên trong hộp, Durgod có tặng kèm một tấm che bụi bàn phím và một chiếc keypuller dạng “đánh trứng”, khá là chu đáo.

Durgod V104s có kiểu dáng cơ bản, gọn gàng với layout 104 phím, không có phím macro hay phím media riêng. Logo Durgod được đặt ở góc trên bên phải của bàn phím, và ngay phía bên dưới là đèn báo lock màu trắng, gần như không thể đơn giản hơn.

Mặt dưới của Durgod V104s không có rãnh đi dây, feet cao su chống trượt khá nhỏ và lẫy nâng bàn phím chỉ có một nấc. Ngoài ra, khá khó hiểu khi dây kết nối của Durgod V104s lại là dây liền, thay vì là dây rời như chiếc Taurus K320 vốn có giá rẻ hơn đáng kể (Durgod thậm chí còn tặng 2 dây cáp trong chiếc Taurus K320) và không được bọc dù nên nhìn khá “mỏng cơm”. Đầu kết nối USB của Durgod V104s không được mạ vàng nên sau một thời gian sử dụng có thể sẽ bị rỉ sét. Đây có thể là những điểm mà Durgod đã phải đánh đổi trên chiếc V104s để hạ giá thành.

Vỏ của bàn phím được làm bằng nhựa nhưng khá chắc chắn, không hề cho cảm giác ọp ẹp. Họa tiết vân nhám giúp giảm đáng kể tình trạng bám mồ hôi và vân tay, đây là một điểm cộng so với những chiếc bàn phím màu đen khác mà tôi từng trải nghiệm trước đây.

Chiếc V104s trong bài của VnReview sử dụng switch Cherry MX Blue của hãng sản xuất Cherry đến từ Đức. Ngoài Blue, V104s còn có phiên bản sử dụng switch Red và Brown để người dùng lựa chọn. Theo thông tin từ nhà sản xuất, Switch Cherry MX Blue có tuổi thọ lên tới 50 triệu lần nhấn, có clicky và tactile (khấc), lực nhấn 50g. Đáng chú ý, switch của V104s đã được lube (tra dầu) sẵn để hành trình phím trở nên mượt mà hơn, loại bỏ cảm giác “lạo xạo” như có bụi bẩn trong switch khi gõ.

Tuy cá nhân tôi chưa từng gặp phải tình trạng “lạo xạo” kể trên, nhưng khi trải nghiệm thực tế, đúng là hành trình phím của Durgod V104s cho cảm giác trơn tru hơn, nhưng sự khác biệt chỉ được thể hiện rõ khi bạn có một chiếc bàn phím khác đặt bên cạnh để trải nghiệm song song. Đối với những người dùng phổ thông, nhiều khả năng họ sẽ không nhận ra sự khác biệt này. Có lẽ nó sẽ rõ rệt hơn sau khi bàn phím đã được sử dụng trong một thời gian dài, giống như một chiếc xe máy được tra dầu và không được tra dầu vậy.

Do sử dụng switch MX Blue clicky nên Durgod V104s có độ ồn khi gõ khá lớn. Trong môi trường văn phòng, độ ồn của phím đủ để khiến những người xung quanh phải khó chịu, đây là một điểm mà người dùng cần đặc biệt cân nhắc. Trải nghiệm khi gõ văn bản cũng như chơi game của Durgod V104s là rất tốt, tôi vẫn tin rằng switch Cherry MX Blue là loại switch tốt nhất dành cho những người mới đặt chân vào thế giới phím cơ để họ có thể hiểu được giá trị của phím cơ so với bàn phím cao su truyền thống.

Keycap là một điểm sáng giá của Durgod V104s. Được làm từ chất liệu nhựa PBT, các ký tự của bàn phím được in doubleshot thay vì khắc la-ze như một số bàn phím của iKBC nên không xảy ra hiện tượng bay chữ, mờ chữ sau một thời gian dài sử dụng. Nhựa PBT cũng vượt trội hơn ABS ở khả năng chống bám mồ hôi, giúp keycap không bị bóng. Điểm yếu lớn nhất của nhựa PBT là khó sản xuất hơn, nên giá thành của sản phẩm sẽ bị đẩy lên đôi chút.

Keycap của Durgod V104s được hoàn thiện tốt, ít có chi tiết thừa. Độ dày keycap ở mức tương đối, bề mặt được làm nhẵn cho cảm giác tiếp xúc với đầu ngón tay khá tốt. Font chữ của keycap tuy khá gọn gàng nhưng vẫn mang đậm dấu ấn rằng đây là font chữ của một chiếc bàn phím đến từ Trung Quốc.

Phần housing của switch được làm bằng nhựa trong suốt, và đèn LED được đặt bên dưới switch thay vì đặt ngay trên phần housing như nhiều bàn phím cơ khác. Điểm yếu của thiết kế này là ánh sáng đi qua keycap sẽ ít hơn, khiến độ sáng không cao bằng những bàn phím đặt đèn LED trên housing, nhưng bù lại, ánh sáng sẽ tràn ra cả cạnh ngoài của keycap, cộng với việc keycap của V104s được làm nhô cao hơn một chút so với mặt phím, hệ thống LED của chiếc bàn phím trở nên khá “lung linh”, nhất là trong phòng tối.

Tính năng hạn chế, không nhiều tùy biến

Các chế độ LED của Durgod V104s khá ít, với 10 chế độ thiết lập sẵn và hai chế độ tùy chỉnh để người dùng tự thiết lập. Mặc định, hai chế độ tùy chỉnh sẽ chỉ sáng các phím MOBA cho hai tựa game là Dota 2 và Liên Minh Huyền Thoại.

Phần mềm tùy chỉnh của Durgod không hỗ trợ chiếc V104s

Trong giấy hướng dẫn đi kèm có ghi rằng Durgod V104s hỗ trợ cụm phím tắt Multimedia

Một điểm trừ khá lớn của Durgod V104s là nó không có phần mềm điều khiển, bạn sẽ phải thiết lập mọi thứ thông qua phím Fn (Function). Durgod có phần mềm Zeus Engine, nhưng không rõ vì lý do gì lại không/chưa hỗ trợ chiếc V104s (trang chủ của Durgod còn chưa cập nhật những sản phẩm dòng V mới này). Ngoài ra, trong sách hướng dẫn có nói rằng chiếc V104s tích hợp những cụm phím tắt cho các tính năng media, nhưng lại không hề nói rõ những cụm phím đó là gì. Trên thực tế, tôi cũng không thấy biểu tượng phím media nào được in trên keycap.

Tổng kết

Mặc dù là một cái tên còn khá mới mẻ, Durgod đã cho thấy họ sẵn sàng chơi “sòng phẳng” với những thương hiệu khác đã trở nên phổ biến tại Việt Nam như iKBC hay Ducky. Không có thiết kế hào nhoáng, Durgod V104s tập trung toàn lực vào trải nghiệm sử dụng của người dùng, và có thể nói đó là một chiến lược hợp lý. Sử dụng switch Cherry MX cao cấp đã lube sẵn cho người dùng, keycap PBT cùng chất lượng hoàn thiện tổng thể cao và mức giá khá dễ chịu, Durgod V104s hoàn toàn có khả năng trở thành thế lực mới trong thị trường phím cơ Việt Nam.

Tuy nhiên, khó có thể nói rằng Durgod V104s là một chiếc bàn phím hoàn hảo, khi nó vẫn tồn tại những điểm trừ không đáng có. Không/chưa có phần mềm điều khiển, dây cáp liền không được bọc dù, đầu cáp không được mạ vàng và không có các cụm phím tắt media là những thứ hoàn toàn có thể khắc phục được nếu Durgod chăm chút cho sản phẩm của mình hơn. Nhưng suy cho cùng, Durgod vẫn là “lính mới”, và những ưu điểm của V104s thực sự đủ để người dùng bỏ qua những yếu điểm ấy.

Ưu điểm:

+     Chất lượng gia công tốt, cứng cáp

+     Trải nghiệm gõ phím được chăm chút kỹ lưỡng

+     Keycap PBT doubleshot bền bỉ, không bị bóng theo thời gian

+     Mức giá hợp lý

Nhược điểm

–      Không có phần mềm điều khiển

–      Cáp kết nối liền, không bọc dù bảo vệ

–      Không có cụm phím tắt media

–      Hệ thống đèn LED chưa thực sự nổi bật

Hoàn Đặng

!function(f,b,e,v,n,t,s) (window, document,’script’, ‘https://connect.facebook.net/en_US/fbevents.js’); fbq(‘init’, ‘137432690179439’); fbq(‘track’, ‘PageView’);

Nguồn: https://vnreview.vn/danh-gia-chi-tiet-phu-kien/-/view_content/content/2737005/danh-gia-nhanh-ban-phim-co-durgod-v104s-the-luc-moi-cua-lang-phim-co

Add Comment