VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh Oppo F1s: tự sướng cực nịnh mắt, pin khá

Oppo F1s là phiên bản nâng cấp mạnh của mẫu Oppo F1 cũ, nhất là khả năng chụp ảnh tự sướng từ camera trước cũng như kích cỡ màn hình, vi xử lý và cảm biến vân tay.

Sản phẩm này vừa bắt đầu bán thị trường Việt Nam từ ngày 11/8 với giá bán 5,99 triệu đồng. Điểm đáng chú ý nhất ở Oppo F1s là camera trước 16MP để chụp ảnh tự sướng. Và ở mức giá 6 triệu đồng thì thiết kế thân kim loại và cấu hình của sản phẩm cũng khá hấp dẫn: màn màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải HD, vi xử lý Mediatek MT6750 tám lõi 1.5GHz, RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB, camera sau 13MP và pin dung lượng 3075 mAh.

Thiết kế

Oppo F1s có thân kim loại với các góc được bo tròn mềm mại và các đường viền được phay kim cương khá mịn, không thấy bị cảm giác sắc tay khi cầm. Thân máy có độ dày và trọng lượng ở mức vừa phải (7,4mm và 160g). Mặc dù không phải là thiết kế kim loại nguyên khối song phần khung và mặt lưng kim loại được gắn kết đồng nhất, cả đường ghép nối giữa khung với mặt lưng cũng như chất liệu bề mặt. Ở phía mặt lưng, có hai dải nhựa giúp máy thu phát các sóng không dây (LTE, GSM, Wi-Fi, Blutooth và GPS) bình thường, không bị thân kim loại che cản.

Ở mặt trước, thiết kế của máy trông giống mẫu Oppo F1 Plus (cũng na ná iPhone 6s Plus) với viền màn hình khá gọn (đạt tỷ lệ màn hình/khung máy khoảng 71%) cùng sự xuất hiện của camera 16MP, hai cảm biến ánh sáng/tiệm cận và cảm biến vân tay trên nút Home. Theo Oppo, cảm biến vân tay hoạt động với tốc độ lên tới 0,22 giây mỗi lần đọc dấu vân tay. Trong thực tế sử dụng, cảm biến đọc dấu vân tay thực sự nhanh song do không phải là cảm biến luôn bật nên cần bấm kích hoạt điện thoại trước mới mở khoá bằng vân tay được. Nếu có thói quen bấm phím Home trước khi mở khoá thì bạn sẽ thấy bình thường, song sẽ tiện hơn nếu cảm biến vân tay luôn ở trạng thái bật giống như các máy Xiaomi và HTC gần đây, chỉ cần chạm ngón tay vào là mở khoá, không cần bấm để đánh thức màn hình.

Máy hỗ hai SIM chuẩn Nano và khe cắm thẻ nhớ ngoài độc lập

Cạnh phía dưới gồm cổng âm thanh, mic thoại, cổng micro-USB và loa ngoài

Màn hình

Một điểm nhiều người chê trách ở điện thoại này là độ phân giải HD (1280 x 720 pixel) với kích cỡ 5.5 inch. Thực ra, đây là điểm mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập, không dễ nhận thấy sự nhiều khác biệt nhiều giữa màn hình HD và Full-HD trên màn hình nhỏ của điện thoại ở khoảng cách nhìn thông thường với đa số người dùng, trừ một số người có thị lực rất tốt. Tất nhiên, nếu để ý kỹ thì có thể nhận màn hình 5.5 inch độ phân giải Full-HD sẽ mịn hơn so với HD song điều này không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày với số đông. Ở khía cạnh tích cực, màn hình HD sẽ giảm bớt nhiều gánh nặng xử lý cho GPU của máy cũng như giúp cải thiện được thời lượng pin.

Ngoài yếu tố độ phân giải, tấm nền IPS LCD của Oppo F1s có chất lượng tương đồng với đàn anh Oppo F1: màu sắc tươi tắn có vẻ đậm hơn chút so với màu thực tế, góc nhìn khá rộng và độ sáng tối đa cũng ở mức khá. Khi tăng độ sáng lên cao nhất, màn hình có thể nhìn rõ ngoài trời. Song do màn hình bị bóng nhẹ nên xem ngoài trời sẽ thấy rõ nhất khi nhìn thẳng vào màn hình, nếu nhìn ở góc chếch sẽ bị mờ. Ở điểm này thì Oppo F1s cũng như các màn hình IPS LCD nói chung, nhất là những máy ở tầm giá dưới 7 triệu đồng, đều kém hơn nếu so với các màn hình AMOLED trên các máy Samsung cùng tầm giá như Galaxy A3 (2016) hay Galaxy J7 (2016).

Bảng đo kết quả màn hình của Oppo F1s và các máy cùng tầm giá

Khả năng hiển thị độ chính xác màu của các màu cơ bản: chấm tròn là màu máy hiển thị thực tế, còn ô vuông là màu tiêu chuẩn.

Phần mềm và hiệu năng

Máy hiện được cài sẵn phiên bản Color OS V3.0 dựa trên Android 5.1 hơi cũ giống các máy Oppo gần đây như Oppo F1 và Oppo F1 Plus. Giao diện và các tính năng không có gì lạ lẫm nếu đã quen với các máy của thương hiệu này.

Những điểm đáng chú ý về phần mềm trên các máy Oppo là không có khay ứng dụng (đưa thẳng các ứng dụng lên màn hình chính giống iOS); kho chủ đề (theme) để thay đổi giao diện; các tính năng điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt và bật; bộ ứng dụng Trung tâm bảo mật với nhiều chức năng giúp quản lý dữ liệu cũng như ứng dụng cài trên máy; có chế độ sử dụng một tay (lướt nhẹ tay từ góc trái hoặc phải đến giữa màn hình để kích hoạt) và chế độ màn hình lọc bớt ánh sáng xanh để sử dụng ban đêm đỡ chói mắt. Gần đây, Oppo bắt đầu tích hợp sẵn bàn phím ảo TouchPal thay thế cho bàn phím Swype trên các máy Oppo mới. Bàn phím này gõ tiện hơn Swype và cũng hỗ trợ quét để nhập liệu khá tốt song chưa bằng Swype ở khoản quét.

Về hiệu năng, Oppo F1s có cấu hình khá tốt so với mức giá 6 triệu đồng: vi xử lý Mediatek MT6750 tám lõi (4 lõi 1.5GHz và 4 lõi 1GHz) với đồ hoạ Mali-T860MP2, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB (còn trống khoảng 25GB cho người dùng và có thêm khe cắm thẻ nhớ ngoài). Trong sử dụng thực tế, máy xử lý tốt các hoạt động trên điện thoại. Máy chơi khá mượt những game nặng đồ hoạ như N.O.V.A 3 hay Dead Trigger 2 ở chế độ đồ hoạ mặc định của game và chỉ bị giật lag nhẹ khi có những cảnh đông quái hoặc nhiều hiệu ứng cháy nổ.

Trên các phần mềm đo hiệu năng, máy cũng đạt ở mức khá khi so sánh với các sản phẩm cùng tầm.

Antutu đánh giá về hiệu năng tổng thể của thiết bị

GeekBench 3 đánh giá hiệu xử lý của CPU

Bài test Manhattan của GFXBench đánh giá hiệu năng xử lý đồ hoạ ở GPU ở độ phân giải của máy (Manhattan On) và độ phân giải Full-HD (Manhattan Off)

Thời gian pin

Các máy Oppo lâu nay không được đánh giá cao về thời lượng pin. Tuy vậy trên chiếc Oppo F1s, thời lượng pin của sản phẩm đã được cải thiện đáng kể. Với màn hình độ phân giải không cao (HD) và viên pin 3075 mAh, Oppo F1s có thời lượng sử dụng pin khá tốt trong các thử nghiệm của VnReview với hoạt động lướt web, xem phim và chơi game. Nếu so các máy cùng tầm giá của Samsung như A3 (2016) hay Galaxy J5 (2016) và J7 (2016) thì vẫn có sự chênh lệch lớn song với kết quả như vậy thì phần đông người dùng có thể yên tâm dùng đủ trong ngày.

Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Xem phim HD offline ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Camera tự sướng

Đây là thực sự là điểm nhấn nổi bật nhất ở Oppo F1s. Camera trước của máy có độ phân giải 16MP với khẩu f/2.0, cảm biến 1/1.3 inch, không có đèn flash nhưng có thể dùng ánh sáng màn hình để trợ sáng khi chụp ban đêm. Về phần mềm, Oppo trang bị cho máy nhiều tính năng hỗ trợ cho việc chụp ảnh tự sướng: hẹn giờ chụp, chụp tự động bằng giọng nói hay cử chỉ bàn tay, điều chỉnh màu da và làm mịn da 7 cấp độ, chụp ảnh tự sướng panorama.

Trên thực tế, chất lượng ảnh chụp tự sướng của Oppo F1s rất ấn tượng so với những smartphone cùng tầm giá như Sony Xperia XA hay Galaxy J5 (2016). Ảnh chụp ở trong các điều kiện ánh sáng đủ và hơi tối chút đều có độ chi tiết tốt, nước ảnh "nịnh mắt" phù hợp với làn da người châu Á và các mức độ làm đẹp cũng hoạt động hiệu quả tốt.

Ảnh chế độ bình thường (trái) và chế độ làm đẹp cấp độ 4 (bên phải)

Ảnh chế độ bình thường (trái) và chế độ làm đẹp nhẹ cấp độ 3 (bên phải)

Ảnh chế độ làm đẹp vừa cấp độ 4 (bên trái) và chế độ làm đẹp mạnh cấp độ 7 (bên phải)

Camera sau của Oppo F1s có độ phân giải 13MP, khẩu f/2.2, hỗ trợ lấy nét pha và có một đèn flash trợ sáng. Phần đánh giá về camera sau sẽ được chúng tôi tiếp tục cập nhật trong thời gian tới khi có thời gian trải nghiệm đầy đủ hơn.

Kết luận ban đầu

Nhìn chung, Oppo F1s là sản phẩm khá ấn tượng ở tầm giá 6 triệu đồng hiện nay. Máy có thiết kế thân kim loại với thân máy khá mỏng, màn hình hiển thị ổn dù độ phân giải không cao, hiệu năng nhanh nhẹn đủ chơi được cả những ứng dụng nặng, thời lượng pin khá và ảnh tự sướng ấn tượng. Tuy nhiên, phần mềm của máy hơi cũ, hy vọng sẽ được Oppo cải tiến trong thời gian tới khi sản phẩm được lên Android 6 hoặc 7.

Thanh Phong

Chủ đề khác