logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

5 rủi ro “không thể xem thường” khi đầu tư vào tiền điện tử ở thời điểm hiện tại

-26/09/2018
5 rủi ro “không thể xem thường” khi đầu tư vào tiền điện tử ở thời điểm hiện tại
5 rủi ro “không thể xem thường” khi đầu tư vào tiền điện tử ở thời điểm hiện tại

Sự dâng trào giá trị chóng mặt của các đồng tiền kỹ thuật số, như là Bitcoin, Ethereum. XRP, Litecoin và nhiều nữa, đã thu hút sự chú ý từ công chúng, giới truyền thông, người nổi tiếng và doanh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó không thể kể đến những kẻ lừa đảo không từ bất kì thủ đoạn nào từ email giả cho đến các mánh bơm giá đầu cơ đẩy giá tiền điện tử lên cao chót vót rồi lại xả sập chúng lên nhà đầu tư non dạ.

Tuy vậy, bất chấp những biến động giá kinh hoàng cùng bao cáo buộc thị trường không trong sạch, những ông lớn Phố Wall vẫn đang thấy tiềm năng “hái ra tiền” từ lĩnh vực này, thông qua việc cho phép người ta đánh cược tăng giảm giá tiền điện tử bằng các dạng phái sinh – như là hợp đồng tương lai. Trong khi đó, một ý tưởng khác để giúp nhà đầu tư bình thường tiếp xúc với tiền số là quỹ ETF thì lại “sa lầy” khi không nhận được cái gật đầu từ các nhà quản lý tài chính.

Cơ quan quản lý tài chính có tiếng nói nhất Phố Wall, Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), bên cạnh đó còn chỉ ra 5 rủi ro chính mà tiền điện tử cần sớm giải quyết nếu muốn ước mơ ETF của mình trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

“Hiện đang tồn đọng một loạt những vấn đề liên quan đến bảo vệ nhà đầu tư cần phải được giải quyết trước khi các bên tài trợ bắt đầu chào bán những sản phẩm ấy đến cho công chúng,” SEC viết trong thông báo của mình.

 

Sau đây là 5 rủi ro lớn được SEC chỉ ra và những gì bạn cần biết kĩ để giúp mình không trở thành kẻ “chân ướt chân ráo” mon men bước vào “vùng nước dữ” mang tên đầu tư tiền điện tử.

1. Rất khó để xác định được giá trị thật của một đồng tiền điện tử

Rủi ro đầu tiên được SEC đề cập là hai chữ “định giá”, hay xác định giá trị thật sự của thương vụ đầu tư đang xét đến nằm ở đâu.

Với những dạng tài sản sinh tiền mặt khác hay là cổ phiếu được giao dịch tài chính, các chuyên gia đầu tư thường sử dụng tỉ số giữa giá trị giao dịch cổ phiếu cùng một số thang đo khác như là lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng hay dòng tiền. Điều này cực kỳ quan trọng nếu như bạn, tương tự như Warren Buffett, là một “nhà đầu tư vào giá trị”, nghĩa là bạn chọn đầu tư vào những dạng tài sản có giá trị tiềm ẩn nhiều hơn những gì đại đa số mọi người đều thấy được.

Tuy nhiên, vấn đề có thể nói là lớn nhất bây giờ là tiền điện tử không thể được định giá theo phương pháp truyền thống được, chúng chỉ có thể được “đặt giá” và giao dịch như những dạng tiền tệ toàn cầu khác. Đấy là chưa kể chúng chưa đủ trưởng thành, đủ ổn định, cũng như đủ thanh khoản để có thể khiến người ta tham gia hoạt động giao dịch với một sự tự tin nhất định.

2. Không dễ để giao dịch Bitcoin cùng các loại tiền số khác

Điều trớ trêu thay cho Bitcoin là mức độ nổi tiếng hiện tại của nó đã khiến nó đánh mất đi khả năng thực hiện công dụng cơ bản của mình: đó là trở thành một phương tiện thanh toán kỹ thuật số. Hồi đầu năm nay, nhà xử lý thanh toán Stripe thông báo sẽ ngừng hỗ trợ Bitcoin, với lí do là những đợt lên xuống giá trị thất thường đã khiến đồng tiền điện tử này “không còn phù hợp cho thanh toán nữa”.

Thật không dễ để ta đưa ra quyết mua vào một thứ gì đó khi biết rằng ngày mai nó có thể sẽ mất 30% giá trị hoặc hơn thế nữa. Tất cả hoạt động mua bán trao đổi thậm chí còn có thể kéo thời gian giao dịch ra thành rất lâu, đã có lúc một giao dịch bình thường phải chờ trung bình 78 phút mới có thể được xác nhận.

Bên cạnh đó, một trong những lo ngại khác của SEC là tiền mã hoá không đủ “thanh khoản” để có thể được mang vào trong các quỹ đầu tư, vốn thường yêu cầu đơn vị lập quỹ phải giữ một phần tiền dự phòng để phòng hờ trường hợp nhà đầu tư muốn rút hết về lại tiền mặt.

3. Tiền điện tử rất khó bảo quản

Một điểm trừ nữa cho việc lưu trữ rất nhiều giá trị vật chất như vậy trong những thuật toán bí ẩn mà ít ai hiểu được là rất khó để có thể bảo quản chúng. Điển hình là trường hợp của một lập trình viên người Anh tên James Howells, từng tuyên bố mình sở hữu lượng Bitcoin trị giá hàng chục triệu đô trong một ổ cứng mà giờ đang ngụp lặn đâu đó dưới đáy của bãi rác địa phương.

Trong khi đó, số tiền ta bỏ ra để mua chứng khoán cần phải có một bộ phận “lưu ký” đứng ra kết nối nhà đầu tư với công ty phát hành cổ phiếu và xác nhận giao dịch. Theo như quy định của SEC, các nhà quản lý quỹ đầu tư cần phải cộng tác với những tổ chức lưu ký đã được cấp phép, đóng vai trò làm trung gian giám hộ tài sản để giảm thiểu tối đa rủi ro thất thoát hoặc mất cắp. Dù vậy, người mua vẫn có quyền tự mua cổ phiếu trực tiếp từ một công ty đại chúng.

Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ tổ chức lưu ký được cấp phép nào đứng ra đảm bảo giao dịch tiền kỹ thuật số. Cần làm rõ là bản thân tiền điện tử cũng có cơ chế giải quyết dứt điểm vấn đề này, đó là thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) trên Ethereum. Tuy nhiên, theo SEC, công nghệ ấy vẫn chưa được phát triển “đến nơi đến chốn” để đủ tin cậy.

“Làm sao để quỹ đầu tư xác nhận sự tồn tại, quyền sở hữu và chức năng phần mềm của các đồng tiền điện tử có private key riêng cùng những bản lưu khác,” SEC đặt câu hỏi. “Các mối đe doạ tấn công mạng hay hack ví tiền điện tử có tác động như thế nào đến công tác bảo vệ an toàn nguồn tiền?”

 

4. Nhà đầu tư vào tiền điện tử có thể dễ bị thiệt từ biến động thị trường

Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ còn lo ngại rằng cấu trúc của quỹ ETF sẽ không phù hợp với hoạt động giao dịch tiền mã hoá – một bất cập mà có thể sẽ bị lợi dụng để gây bất lợi lên nhà đầu tư phổ thông, những người sẽ không thể tiếp cận thông tin một cách sớm nhất.

Cụ thể, giới chức quản lý sợ tiền kỹ thuật số sẽ rất dễ bị giao dịch chênh lệch giá bởi lưu lượng ít ỏi lúc này của chúng (chỉ một hành động mua bán thôi cũng đủ sức tạo ảnh hưởng lên giá trị trên thị trường) để tạo nên các lần biến động giá. Theo thống kê từ trong năm 2017, đã có đến 6 dịp Bitcoin biến động hơn 30% chỉ trong 1 ngày.

Chưa hết, còn một sự thật nữa là nhiều sàn giao dịch hàng đầu phân khúc tiền điện tử vẫn hay thường xuyên xảy ra các sự cố “tắt điện”.

SEC muốn có một cơ chế chịu trách nhiệm cho các lần biến động giá và trả lời cho câu hỏi: “Liệu một sàn giao dịch ngừng hoạt động sẽ có ảnh hưởng như thế nào lên giá trị thị trường hay tình trạng chênh lệch giá?”

5. Hack và lừa đảo – vấn nạn nan giải của tiền điện tử

Tiền tệ kỹ thuật số đã có một quá khứ lâu dài với tin tặc trong những năm qua, với hầu như đa phần các sàn giao dịch lớn đều ít nhất một lần bị kẻ trộm viếng thăm.

Thật vậy, rủi ro đầu tư tiền điện tử thứ 5 được SEC đưa ra có thể được xem như là một dạng tổng hoà các lí do trước đó: Nếu như không giải quyết được những vấn đề về định giá, thanh toán, giám hộ và biến động, tiền thuật toán lúc nào cũng mang trong mình xác suất bị lừa đảo lớn hơn mọi phương tiện đầu tư khác.

Để lấy ví dụ thì chắc chắn không thể không đề cập đến những mánh “pump and dump” (bơm lên rồi xả sập). Nói một cách đơn giản thì trên thị trường lâu lâu sẽ có những phần tử sẽ cố mua một đồng tiền điện tử “vô danh tiểu tốt” nào đó để đẩy giá lên cao chót vót rồi xả sập chúng xuống đầu các nhà đầu tư FOMO vào sau. Đây cũng chính là cách mà “Sói già Phố Wall” Jordan Belfort đã làm để kiếm cả một gia tài, đơn giản chỉ từng việc gom cả đống cổ phiếu rác trên các sàn giao dịch chưa được quản lý, bơm giá lên rồi bán tháo chúng một khi đã gây được tiếng vang và thu hút đủ nhà đầu tư mới vào.

Song, nên nhớ là không phải tất cả những bất cập nêu trên đều “vô phương cứu chữa”. Thông báo của SEC có thể được xem như là một sự tự tin vào triển vọng của phân khúc này, khi cơ quan giám sát tài chính bận rộn nhất nước Mỹ vẫn dành chút thời gian vạch ra những yêu cầu mà tiền điện tử cần đáp ứng nếu muốn được chấp nhận.

Dù vậy, cảnh báo của SEC còn là một lời nhắc nhở tất cả mọi người: Nếu bạn đang có ý định tham gia đầu tư tiền điện tử, thì hãy nên làm vậy với số tiền “nhàn rỗi” mình chấp nhận có thể mất, chứ đừng quẳng hết tiền tiết kiệm cả đời mình vào đó, trừ khi 5 rủi ro nêu trên đã tìm được phương án xử lí ổn thoả.

____________________________________

Để tìm hiểu nhiều hơn về cơ hội và rủi ro trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử, bạn đọc có thể đến tham gia Vena Network Meetup: Phân tích cơ hội và rủi ro khi đầu tư tài sản kỹ thuật số cùng Vena Network
Đơn vị tổ chức: Vena Network &Tekrise
Thời gian:
19:00 – 21:30 ngày 27 tháng 09 năm 2018
Địa điểm: Circo Co-working space, Lầu 1 Chung cư H3, số 384 Hoàng Diệu, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh
Link đăng ký: https://goo.gl/forms/bQbSZDsZVXXJFgaw1

-26/09/2018
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68