logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Jerome Powell là ai? Tiểu sử về Chủ tịch của Fed

-31/10/2023

Chúng ta đã quá quen với những cái tên có những ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiền mã hoá như Chủ tịch Gary Gensler của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Những quyết định của cơ quan này phần lớn đều có những tác động lớn lên giá của các đồng crypto phổ biến như Bitcoin và Ethereum. Nhưng đối với thị trường tiền mã hoá, vẫn còn một người nữa có quyền lực lớn hơn cả Gary Gensler, những quyết định của ông không những ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà nó còn ít nhiều làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của thế giới. Người đó không ai khác đó chính là Jerome Powell, Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ, người nắm trong tay sự sống còn của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Vậy Jerome Powell là ai? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.


Jerome Powell là ai? Tiểu sử về Chủ tịch của Fed

Jerome Powell là ai?

Đắc cử vào ghế Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan được xem như là ngân hàng trung ương của Mỹ, vào năm 2018 với 85 phiếu thuận và 12 phiếu chống, ông Jerome Powell được cho là người có thể kế thừa những điều mà người tiền nhiệm Janet Yellen để lại nhưng với một cách “cộng hoà” hơn. Khác với những người đồng chức trước đó của mình, ông Powell được đánh giá là có tầm nhìn và cách tiếp cận thị trường hơn những người từng ngồi vào ghế Chủ tịch Fed. 

Dưới sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ khi ấy là là Donald Trump, người nổi tiếng là một doanh nhân thành công, những quyết định của Jerome Powell được cho là đã tiến bộ và phù hợp hơn với thị trường tài chính Mỹ thời hiện đại.


Chân dung Chủ tịch Fed Jerome Powell

Jerome Powell (tên đầy đủ: Jerome Hayden "Jay" Powell) sinh ngày 04/02/1953 tại Washington D.C, (Hoa Kỳ) trong một gia đình có truyền thống luật với bố là một luật sư đồng thời là cựu binh của Thế chiến thứ 2 và ông ngoại là James J. Hayden, trưởng khoa Luật của Đại học Columbus và giảng viên tại Đại học luật Georgetown. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton ngành chính trị và Đại học Georgetown ngành luật năm 1975, Jerome Powell đến New York và bắt đầu sự nghiệp của mình tại một hãng luật nhỏ, sau đó là một ngân hàng đầu tư. Tiếp đó, Jerome Powell làm việc tại các quỹ đầu tư Carlyle Group, Severn Capital Partners và Quỹ Môi trường Toàn cầu. Tuy những công việc trên không để lại nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp của ông nhưng chúng lại là một trong những bước đệm vô cùng cần thiết, giúp ông vững bước trên con đường sự nghiệp sau này. 

Năm 1990, ông trúng tuyển vào làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ, nhanh chóng được bộ nhiệm làm Thứ trưởng Tài chính chỉ 2 năm sau đó với nhiệm vụ chính là giám sát các hoạt động của ngân hàng tại Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha).

Đến năm 2012, ông Jerome Powell (đảng Cộng hòa) được bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc của Fed bởi Tổng thống Obama (đảng Dân chủ). Trong thời gian làm việc tại Fed, ông thể hiện rất rõ quan điểm của mình về những chính sách tiền tệ cũng như lãi suất. Cụ thể, theo quan điểm của ông, việc tăng lãi suất nên diễn ra chậm rãi để làm giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Mỹ có thể chạm ngưỡng 2% sớm hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, ông Powell cũng được cho là một người khá bạo dạn khi thẳng tay bỏ phiếu phản đối Chủ tịch Fed lúc đó trong cuộc họp FOMC. Từ đấy, người ta gọi ông là phiên bản "cộng hòa" của bà Janet Yellen.

Chính sách tiền tệ của Fed dưới thời Jerome Powell

Cách ứng phó của Fed giai đoạn dịch COVID-19 (2020 - 2021)

Trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, tình hình tài chính của thế giới nói chung và của nước Mỹ nói riêng đều không mang tính khả quan. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu việc làm biến mất, một bộ phận lớn người lao động Mỹ phải cách ly và kéo theo đó là hàng loạt công ty phải giải thế. Không có một biện pháp ứng phó nào được lên kế hoạch trước để ngăn chặn sự ảnh hưởng này.

Là cơ quan đầu não về tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Fed đã phải in rất nhiều tiền để giữ cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, cũng như trợ cấp cho người dân. Đổi lại, Cục Dự trữ Liên bang chấp nhận hậu quả lạm phát về sau này. Đây là động thái nhằm thứ nhất kiềm hãm sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế và thứ hai là nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi sau này.

Theo thống kê, số tiền USD lưu hành trên thị trường tài chính đã tăng gấp đôi từ mốc từ trên  4 nghìn tỷ USD lên 8,5 nghìn tỷ USD chỉ trong gần 2 năm, điều chưa từng có tiền lệ.


Số tiền được bơm ra nền kinh tế Mỹ giai đoạn 2020 - 2021

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ giai đoạn 2020 - 2021

Hãy hình vào hai hình trên, hình đầu tiên thể hiện lượng tiền mà Fed đã bơm ra nền kinh tế thông qua các kênh tài chính nhằm giữ cho các thực thể tài chính sống sót qua dịch bệnh. Trong khi đó, hình ảnh thứ hai đang cho thấy mức độ lạm phát của quốc gia này tăng tỷ lệ thuận với lượng tiền được bơm vào nền kinh tế. Từ đó, chúng ta có thể suy ra được cách ứng phó của Fed trong giai đoạn dịch bệnh khá rõ ràng, một mặt Jerome Powell hạ lãi suất để giữ sức khoẻ tốt cho các kênh tài chính. Mặt khác, để các thực thể kinh tế lớn được tồn tại, Fed in thêm tiền và bơm ra nền kinh tế thông qua các kênh tài chính.

Nâng lãi suất để giải quyết tình trạng lạm phát (2022-2023)

Vào tháng 03/2021, dưới tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Mỹ, Fed đã thực hiện những lần hạ lãi suất chưa từng có trong lịch sử để phần nào giảm thiểu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cụ thể, ngày 03/03/2022, Fed đã hạ lãi suất 0,5% mức giảm cao nhất tính từ 2018, tiếp đó, cơ quan này tiếp tục hạ lãi suất thêm 0.25% trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều bang.

Đây là động thái được cho là nhằm để ngăn chặn sự đóng băng của thị trường tài chính, thông qua hai lần hạ lãi suất, Fed đã trực tiếp mở rộng nguồn cung vốn ở ngắn hạn để các ngân hàng tư nhân không bị thâm hụt thanh khoản và cũng để tránh nguy cơ thanh lý tài sản của người dân Mỹ.

Các lần điều chỉnh lãi suất của Fed trong giai đoạn dịch COVID-19 (2020-2023). Ảnh: Trading Economics (31/10/2023)

Trong giai đoạn hậu đại dịch, khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tiềm tàng của một cuộc lạm phát, Fed dưới quyền của Jerome Powell đã có những động thái liên quan đến lãi suất nhằm ứng phó với tình hình căng thẳng của địa chính trị, kinh tế và tài chính.

Cụ thể, theo cơ sở lý luận của Fed, động thái tăng lãi suất đến từ sự so sánh tăng trưởng kinh tế của 2022 và 2023. Tuy năm 2022, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương nhưng đến năm 2023, sự tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại và cũng theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (Congressional Budget Office) tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào quý 2 năm 2024.

Do đó, tính đến lần họp vào tháng 07/2023, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 11 lần tính từ tháng 03/2022. Lãi suất từ 0,25% đã được nâng lên 5,75% chỉ trong 1 năm rưỡi, lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dưới tốc độ tăng nhanh chóng như vậy, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận với khoản vay với lãi suất thấp như thời đại dịch.

Một hệ quả khác của việc nâng lãi suất quá nhanh là cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ vào tháng 03/2023, khi các ngân hàng lớn như Silicon Valley Bank phải đóng cửa khi không quản lý được rủi ro tiền gửi khách hàng, dẫn đến bank run.

Và theo dự báo, trong lần họp tháng 11 và 12 năm 2023, rất có khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên trên mức hiện tại.

Jerome Powell và tiền mã hoá

Góc nhìn đầy “thân thiện" với tiền mã hoá

Trái ngược với những người đồng cấp có cái nhìn tiêu cực về thị trường tiền mã hoá, Jerome Powell có góc nhìn đa chiều và thân thiện hơn với khía cạnh này của tài chính. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện sự cẩn trọng cần có của một người có kinh nghiệm lâu năm trong thị trường.

Cụ thể, vào quý 1 năm 2023, trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ, Jerome Powell đã trả lời rằng với tình hình hiện tại, thị trường tiền mã hoá đang không có sự quản lý chặt chẽ và điều này là tối cần thiết đối với thị trường này. Vị Chủ tịch Fed khi ấy ví thị trường crypto như "một mớ hỗn độn".

“Giống như tất cả mọi người, chúng tôi đã quan sát những gì đã xảy ra trong ngành crypto và thấy được rất nhiều sự hỗn loạn, lừa đảo, thiếu minh bạch, rủi ro thanh khoản, chúng tôi thấy được nhiều thứ như vậy. Những gì chúng tôi đang làm là đảm bảo các tổ chức tài chính nằm dưới sự quản lý của chúng tôi phải cẩn trọng khi tiếp xúc với lĩnh vực đó.”

Jerome Powell và stablecoin

Ở cương vị là chủ tịch của một trong những thực thể tài chính lớn nhất của thị trường tài chính Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, Jerome Powell đang ở trong một tình thế bắt buộc phải đưa ra những quyết định mang tính chiến lược đối với thị trường tiền mã hoá.

Cụ thể, vào tháng 06/2023, trong một tuyên bố của buổi chất vấn với Hạ viện, Jerome Powell đã nói rằng stablecoin là "tiền tệ", cần được quản lý. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nước này đang đứng trước dự thảo luật về quản lý stablecoin đã được Ủy ban Tài chính Hạ viện công bố.

Theo góc nhìn của ông, stablecoin nên được quản lý bằng những chế tài thông minh hơn là đàn áp nó, điều này là để tránh việc dập tắt những tiến bộ trong tài chính.

Mặc dù vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dưới quyền ông Powell đến nay vẫn lảng tránh câu hỏi liệu cơ quan này có phát hành phiên bản kỹ thuật số hóa của đồng đô la hay không, điều mà đang được nhiều cường quốc kinh tế khác trên thế giới như Trung Quốc và khu vực EU nghiên cứu và thử nghiệm.

Tổng kết

Bên trên là những thông tin về Jerome Powell và những điều ông đã làm được ở cương vị Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thông qua bài viết, hy vọng Coin68 đã mang đến cho người dùng những góc nhìn tổng quan nhất về Jerome Powell và những thành công ông đang thực hiện đối với ngành tài chính Hoa Kỳ và thế giới.

-31/10/2023
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68