logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Tất tần tật về phân loại NFT mà nhà sưu tầm cần biết

-15/11/2023

Là nhà sưu tầm NFT đã lâu hay "mới vào nghề", bạn đã biết hết các cách phân loại NFT chưa? Cùng Coin68 khám phá trong bài viết ngày hôm nay nhé!

Tất tần tật về phân loại NFT mà nhà sưu tầm cần biết

NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non-Fungible Token là một loại token được triển khai trên mạng lưới Blockchain. Sự khác biệt của NFT so với các đồng coin/token thông thường nằm tính độc nhất của nó.

Nếu như với token thông thường mỗi đơn vị đều là giống nhau, có thể chia nhỏ và có thể thay thế lẫn nhau thì ở NFT mỗi token là một thực thể độc lập độc nhất, không thể chia nhỏ, không thể thay thế cho nhau.

Để dễ hiểu hơn hãy đến với ví dụ về hai loại vật phẩm là tiền tệ đô la và văn bản luật.

  • Tiền tệ đô la là một dạng fungible token. Không có sự khác biệt giữa mỗi 1 USD hay 2 USD hay 10 USD, chúng đều giống nhau, có khả năng cộng dồn và thay thế cho nhau. 10 USD + 10 USD = 20 USD. 10 đô bạn sở hữu cũng giống với 10 đô mà tất cả người khác sở hữu.
  • Các văn bản luật là một dạng non-fungible token. Mặc dù đều là văn bản luật và nằm trong cùng “bộ sưu tập” Hệ thống văn bản pháp luật, nhưng mỗi văn bản đều có một “số văn bản” riêng, nội dung và giá trị sử dụng riêng. Chính vì thế chúng không thể thay thế cho nhau, cũng không thể chia nhỏ thành 0,1 văn bản, 0,2 văn bản. NFT cũng tương tự như vậy.

Bonus: Để tăng độ ảo hơn một chút và giúp bạn hiểu sâu hơn bản chất của NFT, mình sẽ quay lại với ví dụ tiền tệ đô la là fungible token. Nhưng mình chưa bao giờ nói tờ tiền 1 đô, 2 đô hay 100 đô là fungible token, bởi vì khi đề cập đến từng tờ tiền riêng lẻ thì nó lại là non-fungible token, bởi vì dù giá trị tiêu dùng mỗi tờ tiền là như nhau nhưng chúng lại có số series riêng, từ đó mang lại giá sưu tầm khác nhau.

Tờ tiền 2 USD số series 888888 là độc nhất và không thể trùng lặp hay xếp chồng, thay thế cho tờ tiền 2 USD có số series 666666, và dĩ nhiên giá người ta bỏ ra mua cho mục đích sưu tầm cũng sẽ khác nhau cho 2 tờ tiền đó. Như vậy tiền tệ là fungible token nhưng tờ tiền được in ra lại là non-fungible token.

Tóm tắt lại bạn có thể thấy một số tính chất đặc thù của NFT (non-fungible token) như sau:

  • Tính độc nhất
  • Tính không thể phân tách
  • Tính không thể thay thế / xếp chồng

Trong các nội dung tiếp theo sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về các phân loại của NFT (non-fungible token).

Phân loại NFT

Theo mục đích sử dụng

Chắc hẳn các bạn biết nhiều nhất tới hai dòng PFP (NFT dùng làm ảnh đại diện) và In-game item (vật phẩm trong game) qua mùa GameFi vừa rồi. Nhưng theo cách chia này, NFT được phân loại thành rất nhiều danh mục khác nữa, dưới đây là các danh mục NFT chia theo mục đích sử dụng mà tác giả quan sát được.

Phân loại NFT theo mục đích sử dụng

PFP

Nhóm các NFT sử dụng chủ yếu cho việc làm ảnh đại diện, ngoài làm ảnh đại diện nó có thể phục vụ nhiều công việc khác, như membership, metaverse character, cũng có thể là in-game item,… Nhưng nhìn chung nó là một NFT mà người sưu tập muốn dùng làm ảnh đại diện. Một số bộ sưu tập phổ biến dòng này có thể kể đến như Bored Ape Yacht Club (BAYC), Azuki, Milady Maker.

In-game / Metaverse Asset

Các vật phẩm trong game được NFT hóa sẽ nằm trong danh mục này, ví dụ đất đai, vũ khí, nhân vật. Nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến các nhân vật của tựa game Axie Infinity hay đất đai trong thế giới ảo Decentraland.

Membership

Khi nắm giữ loại này bạn sẽ có một đặc quyền nào đó, ví dụ quyền mua, quyền mint, hay tham gia một buổi hòa nhạc. 

Định danh

Dòng này xuất hiện với mục đích định danh cho các thực thể trong không gian blockchain. Các dự án nổi là Ethereum Name Service (ENS), SpaceID, Unstoppable Domains, Lens Protocol.

Ngoài ra còn có các dự án dạng POPA (Proof of Attendance Protocol) là những NFT được cấp cho những người tham gia hoạt động như một bằng chứng về sự tham gia của họ.

Content - Nội dung số

Là các nội dung số được NFT hóa như âm nhạc, video, bài viết. Một số nền tảng hỗ trợ NFT hóa nội dung: CosTV, Mirror.xyz, OpenCampus.

Art

Danh mục này bao gồm các tác phẩm nghệ thuật phục vụ chủ yếu cho mục đích sưu tầm.

RWA

Real World Asset - RWA là những tài sản đời thực được token hoá đưa lên mạng lưới Blockchain, nó có thể là nhà cửa, xe cộ, chứng khoán, trái phiếu. Những token này đại diện cho tài sản đời thực được neo vào. 

Theo đặc tính lưu trữ

Đầu tiên bạn cần biết rằng không phải NFT nào cũng được lưu trữ hoàn toàn on-chain. Thông thường NFT gồm 2 phần:

  • Token: phần định danh được triển khai từ smart contract

  • Metadata: phần nội dung chi tiết của NFT chẳng hạn tên, tác giả, mô tả, hình ảnh, video. Metadata được liên kết với Token thông qua một trường thông tin on-chain là tokenURI

Thông thường chỉ có phần token được lưu trữ on-chain còn metadata sẽ được lưu trữ tại các hệ thống dữ liệu phi tập trung để giảm thiểu chi phí. Một số dự án lựa chọn lưu trữ metadata off-chain tại các server tập trung để tiết kiệm tối đa chi phí và tăng tính linh hoạt.

NFT được cấu tạo từ token định danh và metadata

Dựa vào đặc tính lưu trữ của chúng mà ta có thể chia ra thành các loại NFT như sau.

Off-chain data

Đối với dòng này chỉ có phần thông tin token là được triển khai từ smart contract, phần media được lưu trữ tại các server lưu trữ tập trung để giảm thiểu tối đa chi phí và tăng tính linh hoạt. Dự án có thể linh hoạt cập nhật phần hiển thị của NFT bất cứ lúc nào với chi phí tối thiểu.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng người sở hữu NFT có thể bị thay đổi hoặc mất hiển thị hình ảnh một cách không mong muốn nếu server lưu trữ tập trung đó gặp vấn đề.

Semi on-chain

Nếu metadata của NFT thay vì lưu trữ off-chain mà được lưu trữ tại các hệ thống dữ liệu phi tập trung như IPFS, Arweave thì xếp vào danh mục này.

Việc lưu trữ tại các server phi tập trung sẽ giúp dữ liệu người dùng trở nên an toàn hơn (bảo mật phụ thuộc vào mạng lưới lưu trữ dữ liệu dự án lựa chọn). Sự thay đổi thông dữ liệu NFT sẽ hạn chế hơn.

Đây là giải pháp được đa số dự án lựa chọn, bởi lẽ nó vừa đảm bảo tính phi tập trung và vừa đảm bảo sự linh hoạt cần thiết mà còn tiết kiệm chi phí.

Fully on-chain

Đây là loại hình NFT cao cấp nhất, toàn bộ thông tin token và metadata được lưu trữ hoàn toàn trên chuỗi chính. Thông tin token được triển khai từ smart contract còn metadata cũng được mã hoá và lưu trữ ngay trên chính chuỗi đó.

Điều này giúp NFT đó được kế thừa hoàn toàn tính chất của mạng lưới mà nó triển khai:

  • Tính phi tập trung
  • Tính bất biến
  • Tính minh bạch
  • Tính không cần cấp phép
  • Tính không cần đặt niềm tin

Do việc lưu trữ hoàn toàn trên on-chain nên chi phí triển khai cho mỗi NFT bị tăng đáng kể so với các hình thức khác.

Loại hình NFT này phổ biến nhất là trên mạng lưới Bitcoin, các fully on-chain NFT này được triển khai thông qua giao thức có tên Ordinals. Casey Rodarmor người tạo ra giao thức Ordinals gọi những fully on-chain NFT là Digital Artifact.

Không chỉ trên mạng lưới Bitcoin, fully on-chain NFT có thể được triển khai ở bất cứ blockchain, miễn là toàn bộ phần token và metadata được mã hoá và lưu trữ hoàn toàn on-chain.

Một chút thông tin bên lề, gần đây Elon Musk trong một buổi nói chuyện tại The Joe Rogan Experience ông cũng đã lên tiếng ủng hộ loại hình NFT này, rằng:

“Người dùng nên mã hóa phần hình ảnh của NFT và đưa nó lên on-chain thay vì chỉ lưu trữ mình cái URL on-chain. Vì nếu nơi lưu trữ dữ liệu gặp vấn đề bạn có thể không còn hình ảnh đó nữa.”

Theo tiêu chuẩn sử dụng

Chiếu theo tiêu chuẩn sử dụng cho việc phát hành NFT, chúng ta có thể chia ra thành các loại khác nhau. Ở mỗi mạng lưới sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau, tuy nhiên phổ biến hơn cả vẫn là Ethereum, trong mục này chúng ta sẽ tìm hiểu về các tiêu chuẩn phổ được sử dụng cho non-fungible token trên mạng lưới Ethereum.

Các tiêu chuẩn phổ biến trên Ethereum

ERC-721

ERC-721 là tiêu chuẩn đầu tiên dành cho việc phát hành non-fungible token trên mạng lưới Ethereum.  Được đưa ra bởi Dieter Shirley vào năm 2018, tiêu chuẩn này đã đánh dấu bước tiến lớn cho sự phát triển của lĩnh vực NFT. Mỗi token được tạo ra theo theo tiêu chuẩn này là một phiên bản độc nhất và bất biến trên mạng lưới Ethereum. ERC-721 đã nhanh chóng trở thành chuẩn chung cho NFT kể từ ngày ra mắt.

ERC-1155

ERC-1155 là bộ tiêu chuẩn được thiết kế để hỗ trợ việc tạo và quản lý nhiều loại tài sản số trong một hợp đồng thông minh duy nhất. Nó cho phép phát hành và quản lý nhiều loại token khác nhau (cả ERC-20 và ERC-721) trên cùng một smart contract, vì vậy giúp giảm thiểu chi phí cho cả người tạo và người sử dụng.

Khi so sánh với ERC-721 hiệu suất của ERC-1155 được cải thiện đáng kể, tuy nhiên có thể gây khó khăn trong quá trình thiết kế và vận hành vì sự phức tạp của nó.

ERC-721 thường được ưa chuộng khi muốn đề cao tính độc đáo và sự riêng biệt còn ERC-1155 sẽ hữu ích cho các mục đích yêu cầu sự linh hoạt và luân chuyển nhiều như Game, Metaverse.

ERC-6551

ERC-6551 là một tiêu chuẩn nhằm tăng cường sức mạnh cho ERC-721 mà không cần thay đổi hạ tầng mạng lưới. ERC-6551 cung cấp cho NFT tạo ra bởi ERC-721 khả năng sở hữu một tài khoản hợp đồng thông minh riêng biệt, được gọi là Token-bound Account (TBA). Từ đây mở ra vô vàn khả năng tương tác với các ứng dụng và tài sản khác.

Để hình dung sự khác biệt của nó thì bạn hãy tưởng tượng rằng trước đây mỗi NFT cần nằm trong một chiếc ví của chủ sở hữu. Chủ sở hữu chỉ có thể giữ hoặc chuyển nhượng nó.

Nhưng sau khi được Token-bound Account hoá bởi ERC-6551 chiếc NFT đó trở thành một địa chỉ ví (ví trong ví) đóng vai trò như một thực thể hay một người dùng mới trong mạng lưới. Người dùng có thể nhân danh NFT đó để gửi nhận token, nft khác, hoặc là sử dụng nft đó để ký xác thực như một thực thể độc lập.

Nhìn chung ERC-6551 mở ra vô vàn ngữ cảnh sử dụng cả trong không gian DeFi và Web3. Đây là một tiêu chuẩn tuy mới nhưng tính ứng dụng rất lớn, nó nên được quan tâm và nghiên cứu.

Khác

Ordinals là giao thức giúp tạo ra NFT trên mạng lưới Bitcoin, các NFT được phát hành thông qua giao thức này được gọi là Inscription. Chúng được tạo ra bằng cách mã hoá toàn bộ nội dung NFT và lưu trữ trực tiếp trên mạng lưới Bitcoin.

Đây là dự án điển hình trong danh mục fully on-chain NFT mà chúng ta nhắc tới ở phần phân loại theo đặc tính lưu trữ bên trên.

Ngoài ra chúng ta có BRC-20 được giới thiệu như là fungible token trên mạng lưới Bitcoin, nhưng nếu thực sự đi sâu vào bản chất chúng vẫn là những Inscription (non-fungible token) với phần nội dung là text không thể xếp chồng.

Kết luận

Trong thế giới NFT đa dạng, việc phân loại danh mục không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp, mà là khám phá vô tận sức sáng tạo. Từ nghệ thuật đến ứng dụng, NFT mở ra không gian đa chiều cho sự đổi mới và định hình lại quyền sở hữu tài sản. Trong không gian Web3 sắp tới NFT là một mảnh ghép hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.

Kudō

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-15/11/2023
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68