Bia, rượu và đồ uống có cồn là nguyên nhân khiến số ca ung thư tăng – VnReview

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Lancet Oncology số ngày 13/7, đồ uống có cồn là nguyên nhân gây ra hơn 740.000 ca ung thư trên thế giới vào năm 2020.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã tổng hợp dữ liệu từ các kết quả nghiên cứu và nhận thấy tiêu thụ ít nhất hai thức uống có cồn mỗi ngày có liên quan đến hơn 103.000 ca ung thư mới vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện nhiều khảo sát hơn nữa để làm nổi bật lên mối liên hệ này.

Đã có nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng cho thấy sử dụng rượu bia có thể gây ra các bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú, gan, đại tràng, trực tràng, hầu họng, thanh quản và thực quản. Thậm chí, việc sử dụng đồ uống có cồn ở cường độ thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Song, nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn tương đối kém khi một cuộc khảo sát ở Anh vào năm 2018 cho thấy, cứ 10 người thì chỉ có 1 người biết rằng rượu bia có thể gây ung thư. Vì thế, việc nâng cao sự hiểu biết về mối nguy hại của đồ uống có cồn là hết sức cần thiết.

Vào năm 2020, ước tính có khoảng 741.300 trường hợp ung thư trên toàn cầu là do bia rượu gây ra. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị các công ty cần bổ sung cảnh báo về ung thư trên nhãn mác, đồng thời đánh thuế cao hơn, giảm các chiến dịch tiếp thị.

Đồng tác giả nghiên cứu Harriet Rumgay, thuộc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ở Pháp, cho biết đồ uống có cồn gây ra gánh nặng ung thư đáng kể trên toàn cầu, và điều này được thể hiện rõ ngay cả khi mức độ sử dụng ít hơn.

“Tác hại của rượu đối với bệnh ung thư thường không được biết đến hoặc bị bỏ qua, vì vậy chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa rượu và ung thư, cũng như thiết lập các chính sách giảm tiêu thụ rượu nói chung để ngăn ngừa nguy cơ ung thư và các bệnh khác do rượu gây ra”, Rumgay cho biết.

Các nhà khoa học mô tả cách họ thực hiện các tính toán bằng việc sử dụng phép đo ước lượng tiêu thụ rượu hiện có cho năm 2010, dựa trên các số liệu bao gồm dữ liệu thuế và doanh số, cũng như các dữ liệu khác như ước tính rủi ro đối với các bệnh ung thư có liên quan đến đồ uống có cồn.

“Do có sự chênh lệch giữa khả năng phát triển ung thư và việc uống rượu, chúng tôi cần tính đến khoảng thời gian tiềm ẩn giữa năm người bệnh tiếp xúc với đồ uống có cồn và năm được chẩn đoán mắc ung thư”.

Phối hợp những số liệu này với ước tính hiện có về các cơ ung thư mới vào năm 2020, kết quả nghiên cứu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong việc dự báo số ca ung thư do uống bia rượu.

Cụ thể, đồ uống có cồn được ước tính gây ra khoảng 568.700 trường hợp ung thư ở nam giới và 172.600 trường hợp ở phụ nữ vào năm 2020, với phần lớn các ca bệnh liên quan đến ung thư thực quản, gan và vú. Tuy nhiên, khi xét đến nguyên nhân của từng loại ung thư riêng biệt, tỷ lệ số ca ung thư do rượu gây ra ở các bộ phận thực quản, hầu họng, môi và khoang miệng là cao nhất.  

Mặt khác, sử dụng đồ uống có cồn ở mức vừa và thấp cũng được xem là có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống 10g rượu mỗi ngày – tương đương 1 ly rượu nhỏ – đã đóng góp thêm 35.400 đến 145.800 ca ung thư trên toàn cầu vào năm 2020.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra các phát hiện khác nhau tùy theo từng khu vực. Tỷ lệ mắc ung thư được ước tính do đồ uống có cồn thấp nhất ở vùng Bắc Phi và Tây Á, trong khi ở Đông Á và Trung – Đông Âu, tỷ lệ mắc bệnh lại cao nhất. Tương tự, kết quả cũng có sự khác biệt giữa nam và nữ khi khả năng mắc bệnh của nam giới cao hơn, chiếm 77% tổng số ca mắc trên toàn cầu, 568.700 vào năm 2020.  Theo ước tính ở Anh, tác nhân bia rượu chiếm 4% số ca mắc ung thư, tương đương 16.800.

Một số nghiên cứu trước đây của Cơ quan phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC) cũng cho thấy, xu hướng sử dụng bia rượu ở nam giới cao hơn phụ nữ, và khi uống, họ cũng dễ bị say và gặp rối loạn sử dụng rượu. Song, nhiều dữ liệu gần đây cho thấy phụ nữ đang bắt đầu thu hẹp khoảng cách với nam giới về lưu lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. Điều này có thể dẫn đến gia tăng các chẩn đoán ung thư ở phụ nữ trong thập kỷ tới.

Harriet Rumgay cho biết sẽ thật hữu ích nếu có thể ước tính số ca mắc ung thư tử vong do đồ uống có cồn gây ra. Đây sẽ là hồi chuông cảnh báo về tác hại của rượu bia và nâng cao nhận thức cộng đồng, nữ nghiên cứu sinh chia sẻ.

Tuy nhiên, các số liệu có thể thiếu sót vì chúng không bao gồm những người dùng rượu bia trước đây mà hiện tại không còn nữa, hay chỉ khảo sát các bệnh ung thư do loại thực phẩm độc hại này trực tiếp gây ra. Các biến chứng khác hay hệ quả lâu dài mà đồ uống có cồn để lại cũng không được đề cập.

Michelle Mitchell, giám đốc điều hành của viện nghiên cứu Cancer Research UK, cho biết báo cáo trên đã cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm để ngăn ngừa các bệnh ung thư liên quan đến rượu bia.

“Chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc uống rượu có thể gây ra bảy loại ung thư, và càng uống nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao”, Mitchell cho biết.

Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng không có lưu lượng sử dụng rượu nào là an toàn, vì chỉ một giọt đồ uống có cồn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh gan, đột quỵ cũng như ung thư.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc cắt giảm vô nghĩa. Thay đổi thói quen sử dụng rượu bia điều độ cũng được xem là một cách tiếp cận an toàn so với thói quen uống nhiều hơn hai phần rượu mỗi ngày.

Ngọc Diệp (Theo The Guardian)

!function(f,b,e,v,n,t,s)
(window, document,’script’,
‘https://connect.facebook.net/en_US/fbevents.js’);
fbq(‘init’, ‘137432690179439’);
fbq(‘track’, ‘PageView’);

Nguồn: https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/3488230/bia-ruou-va-do-uong-co-con-la-nguyen-nhan-khien-so-ca-ung-thu-tang

Add Comment