Thị trường gọi xe Việt ra sao nếu Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á? – VnReview

Vài ngày trước, hãng tin KR Asia đưa tin Grab đang đàm phán để mua lại Uber, nhằm thống nhất thị trường gọi xe ở Đông Nam Á. Sự việc được xem là có sự hậu thuẫn không nhỏ của tập đoàn SoftBank Nhật Bản, nhà đầu tư hiện đang nắm ghế lãnh đạo tại cả hai công ty.

Sẽ ra sao nếu Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á?

Những suy đoán về khả năng Grab mua lại Uber Đông Nam Á xuất hiện vào ngày mà Softbank đầu tư 9,3 tỷ USD để nắm giữ 15% cổ phần của Uber, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này. Trong lần trả lời phỏng vấn Financial Times sau khi kết thúc lễ ký kết hợp tác đầu tư, ông Rajeev Misra, thành viên Ban giám đốc mới của Uber, và là người của SoftBank, nói rằng Uber sẽ thu được lợi nhuận nhanh hơn nếu rời bỏ một số thị trường quốc tế, và tập trung vào các thị trường khác. Cụ thể, ông muốn Uber tập trung vào phát triển tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.

Các nhà phân tích suy đoán Rajeev Misra đang muốn rút Uber khỏi thị trường Đông Nam Á (gồm cả Việt Nam), Trung Đông và Châu Phi, nơi mà Grab đang chiếm ưu thế, nhằm đưa Grab trở thành dịch vụ chia sẻ chuyến đi duy nhất tại các quốc gia này. Nếu điều này xảy ra thì đó cũng không phải là lần đầu tiên Uber rút khỏi một thị trường mà công ty hoạt động. Năm 2016, công ty từng rút khỏi Trung Quốc do bị chính đối thủ Didi Chuxing mua lại. Uber cũng bị buộc phải rời khỏi thị trường Nga vào giữa năm 2017.

Thị trường gọi xe Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều sẽ chịu ảnh hưởng từ thương vụ này. Đó có thể coi là cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp vận tải truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group… hay các dịch vụ gọi xe như Vivu (FaceCar), Carento, 123 xe…Và trong trường hợp Grab và Uber Đông Nam Á sáp nhập, sẽ có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, cả hai vẫn hoạt động như hai thương hiệu riêng biệt nhưng có sự chia sẻ dữ liệu khách hàng; thứ hai, Uber có thể rút khỏi thị trường và bàn giao thị phần cho Grab. Nhưng dù bằng cách nào, Grab vẫn sẽ được hưởng những chính sách độc quyền, dẫn đến sự cạnh tranh ít hơn và tăng giá dịch vụ cao hơn.

Người dùng chịu thiệt

Trên thế giới, Grab chỉ là bản sao của Uber khi Uber ra đời từ năm 2009 tại Mỹ trong khi Grab ra đời năm 2012 tại Malaysia. Nhưng tại Việt Nam, Grab mới là người đến trước (tháng 2/2014) và phải 4 tháng sau, Uber mới “gõ cửa” Việt Nam. Ba năm qua, miếng bánh thị phần gọi xe Việt vẫn chỉ là cuộc đua song mã giữa Grab và Uber, với lợi thế nghiêng về phía startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á – Grab.

Thống kê của Bộ GTVT tại 2 thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP HCM cho thấy, tính đến cuối năm 2017 Grab có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, tại TP.HCM công ty cũng có 18.110 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng và đang tham gia hoạt động. Về phần Uber, đơn vị này hiện đang có 2.392 xe trên địa bàn Hà Nội, và 3.614 xe được cấp phù hiệu tại TP HCM.

Và nếu thương vụ sáp nhập giữa Uber Đông Nam Á và Grab diễn ra, kịch bản Uber bị “tống cổ” khỏi thị trường Trung Quốc (năm 2016) rất có thể sẽ lặp lại tại Việt Nam. DiDi Chuxing hiện chiếm tới 99% thị phần gọi xe nội địa, cung cấp khoảng 11 triệu chuyến xe mỗi ngày.

Khi không còn Uber, Grab gần như sẽ là đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, bởi lẽ các dịch vụ gọi xe của Vinasun, Mai Linh, Taxi Group còn khá mới mẻ và chưa đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với Grab. Trong khi các ứng dụng trong nước như Vivu (FaceCar), Carento, 123 xe, Vietgo, Taxi Go… đang tập trung vào mảng đặt xe đường dài (tuyến đi sân bay), chưa có sự tham gia của Uber và Grab. Thực tế nhu cầu di chuyển đường dài là có nhưng không nhiều và liên tục như đối với các quãng đường ngắn. Thống kê trên App Store và Play Store cho thấy, số lượt tải về của Carento, 123 xe, Vietgo, Taxi Go… đều không lớn, chỉ dừng lại ở hàng nghìn.

Các ứng dụng gọi xe trong nước cũng thua kém Grab, Uber khá nhiều về chức năng

Không còn Uber, Grab giờ đây đã có thể tăng giá cước dịch vụ và cắt bỏ các chương trình khuyến mại. Đây là những động thái từng được công ty thực hiện trong thời gian qua nhằm cạnh tranh miếng bánh thị phần với chính đối thủ Uber. Kể từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, Grab đã thu hút được rất nhiều người dùng nhờ vào các chương trình khuyến mại khủng chạy quanh năm. Đơn cử như cung cấp code khuyến mại tặng một số chuyến đi miễn phí cho người dùng đăng ký mới, code giảm giá 20-50% trên một chặng hành trình vào từng thời điểm, code khuyến mại cho những khách hàng thân thiết… Nhờ đó, chỉ cần nhập mã khuyến mại, hành khách có thể được giảm từ 20.000 – 40.000 đồng trên một chặng hành trình, thậm chí với những chặng hành trình ngắn, hành khách còn không phải trả đồng nào.

Khi Uber rời đi, người tiêu dùng Việt sẽ không còn được hưởng những ưu đãi với các chương trình khuyến mại mạnh như trước, giá cước vận chuyển cũng sẽ tăng cao hơn. Và với lượng tài xế đông đảo, địa bàn hoạt động rộng hơn bất cứ ứng dụng gọi xe trong nước nào khác, Grab nay đã gần như có đủ “thiên thời, địa lợi” để khiến người dùng lựa chọn sử dụng dịch vụ của mình.

Khi Uber đã rời đi, người tiêu dùng Việt sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất

Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các tài xế Grab và Uber hiện nay. Chính sách đối với tài xế của Grab cũng có thể sẽ có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Tại Việt Nam, Grab từng thông báo tới các tài xế tham gia mạng lưới về việc tăng phí dịch vụ sử dụng ứng dụng hồi tháng 9/2017. Theo đó các Grabiker sẽ phải trả một khoản phí 20% thay vì mức 15% trước đó; từ ngày 1/10/2017, các tài xế Grabcar phải trả một khoản phí 25% thay vì mức 20% như trước đây.

Mức phí này được cho là cao hơn nhiều so với mức phí trung bình khoảng 10% trong ngành vận tải taxi. Việc tăng phí của Grab đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của các tài xế Grab. Trên mạng xã hội, cộng đồng lái xe Grab đã kêu gọi tắt ứng dụng để phản đối sự điều chỉnh trên. Hồi đầu năm 2018, nhiều tài xế Grab cũng đã có hành động tụ tập và ngừng làm việc nhằm gây sức ép với dịch vụ, điều chính mức phí cho mỗi chuyến xe. Tuy nhiên những phản kháng xảy ra không lâu bởi nhiều lái xe vẫn phải tiếp tục hành trình mưu sinh của mình. Đó là khi Grab vẫn còn phải cạnh tranh với Uber, và nếu thương vụ sáp nhập này diễn ra, mức phí với tài xế có thể sẽ bị đẩy cao hơn nữa…

Kẻ hưởng lợi lớn nhất từ vụ sáp nhập

Nếu như Uber hoàn toàn rút khỏi thị trường Việt Nam, và cả Đông Nam Á và Châu Á nói chung, thì điều đó sẽ rất có lợi cho SoftBank. Bởi vì tập đoàn Nhật Bản không chỉ đầu tư vào mỗi Uber, mà thậm chí còn rót vốn vào hầu hết các startup cho đi nhờ xe tại Châu Á. Trước đây, SoftBank đã từng đầu tư vào rất nhiều đối thủ cạnh tranh của Uber. Có thể kể đến như Didi Chuxing tại Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á hay Ola tại Ấn Độ.

SoftBank đã đầu tư rất nhiều vào cả Uber và Grab

Chính vì vậy mà ngay ngày đầu tiên sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm phần lớn cổ phần của Uber, SoftBank đã muốn startup này rút khỏi thị trường Châu Á. Như vậy, SoftBank sẽ không phải lo ngại các khoản đầu tư của mình đấu đá với nhau và có thể thâu tóm thị trường trên toàn thế giới.

Ngay cả khi điều đó không phù hợp với tham vọng toàn cầu mà Uber đặt ra từ ban đầu. Trên thực tế, không phải Mỹ hay Châu Âu, mà chính Châu Á mới là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Uber.

Tất nhiên ý kiến này của SoftBank sẽ cần phải được cả hội đồng quản trị của Uber thông qua, trong đó có cả nhà sáng lập và cựu CEO Travis Kalanick, mặc dù đã từ bỏ quyền lực nhưng vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phần của công ty. “SoftBank sẽ đóng vai trò hợp nhất”, một nguồn tin thân cận với Grab chia sẻ với truyền thông năm ngoái, sau thương vụ SoftBank đầu tư 9,3 tỷ USD để nắm giữ 15% cổ phần của Uber. Nguồn tin này cũng chia sẻ rằng đại diện SoftBank đang có mặt trong ban lãnh đạo của cả Grab và Uber, do đó cuộc đối thoại giữa hai hãng cũng vì thế mà có thể biến chuyển rõ rệt.

G.L

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2398323/thi-truong-goi-xe-viet-ra-sao-neu-grab-thau-tom-uber-dong-nam-a

Add Comment