Cách nhận biết các đánh giá ảo khi mua hàng online – VnReview

Nếu bạn là người thường xuyên mua hàng trên các website thương mại trực tuyến như Amazon, Ebay… thì bạn nên nhớ một điều rằng: đừng bao giờ tin những đánh giá 5 sao trên các trang web này, bởi nhiều khả năng đó chỉ là những đánh giá ảo (do chính chủ shop viết).

Theo MakeUseOf, đây là vấn đề nhức nhối đang khiến Amazon đau đầu tìm cách giải quyết, thậm chí họ còn đâm đơn kiện lên tòa án buộc tội các công ty cung cấp dịch vụ đánh giá ảo các đây không lâu. Tuy nhiên, ai cũng biết Amazon khó mà chiến thắng được trong trận chiến này, do đó những người mua hàng trực tuyến đành phải tự dựa vào khả năng của mình mà nhận biết được liệu món hàng đang bán được đánh giá 5 sao kia có đáng tin hay không.

Những dấu hiệu nhận biết đánh giá ảo

Hầu hết những người chuyên viết đánh giá ảo để kiếm tiền đều có “mánh” riêng của mình, và không may cho họ là lại có một số người chuyên đi nghiên cứu để phát hiện ra những “mánh” này.

– Đầu tiên, những đánh giá ảo sẽ có những từ khóa tương tự nhau: các công ty cung cấp dịch vụ đánh giá ảo thường liệt kê cho nhân viên danh sách những tính năng của sản phẩm và những kiểu đánh giá gì mà người ta thường muốn nghe. Danh sách này bao gồm những từ khóa hay cụm từ mà các nhà cung cấp sản phẩm thấy “lọt tai”. Do đó, nếu bạn đọc thấy nhiều cụm từ như vậy lặp đi lặp lại trong các đánh giá khác nhau thì bạn có thể chắc chắn đó là những đánh giá ảo!

– Thứ hai, các đánh giá ảo thường tích cực một cách “quá đáng” và chỉ nói chung chung về sản phẩm: không có thứ gì hoàn hảo, tuy nhiên một vài đánh giá lại nói về sản phẩm bằng những tính từ thể hiện sự tích cực  và những từ thiên về hành động (như “tôi hoàn toàn thích nó”, “nó hoạt động quá tuyệt vời”…).

– Thứ ba, các đánh giá ảo thường xuất hiện dày đặc trong một khung thời gian khá ngắn: nếu sản phẩm bạn đang xem nhận được một lượng lớn đánh giá chỉ trong vòng vài ngày thì bạn biết mình nên làm gì rồi đấy?

Tất nhiên, khi cảm thấy “mánh” đã bị lộ, những người chuyên viết đánh giá ảo sẽ thay đổi chiến thuật. Ví dụ, hiện nay một vài dấu hiệu nhận biết đã không còn hiệu quả nữa, như việc một đánh giá bày tỏ thái độ tích cực “thái quá” nêu trên.

Lúc này, bạn cần đến một vài ứng dụng để kiểm tra xem liệu các đánh giá kia có thực sự là “ảo” hay không.

Ứng dụng kiểm tra đánh giá ảo Fakespot và ReviewMeta

Đây là hai ứng dụng được cho là khá tốt trong việc lọc ra những đánh giá ảo. ReviewMeta xuất hiện trước, nhưng Fakespot lại hiệu quả hơn một chút nhờ sử dụng một số thuật toán mới. Cả hai ứng dụng này đều có phần mở rộng có thể cài lên các trình duyệt giúp đơn giản hóa việc kiểm tra đánh giá. Tốt nhất bạn nên dùng cả hai cho an tâm!

Cách sử dụng chúng cũng khá đơn giản: chỉ cần bật trang web lên và dán đường link đến sản phẩm trên Amazon vào khung tìm kiếm, thuật toán thông minh sẽ phân tích tất cả các đánh giá và cho bạn biết cái nào đáng tin và cái nào nên bỏ qua.

Xếp hạng bằng sao thường không đáng tin cậy. Bạn chỉ nên tin các đánh giá 3 sao

Thực ra bạn có thể không cần quan tâm tới số sao trong phần đánh giá, bởi việc xếp hạng sản phẩm bằng sao thường quá chủ quan và không có ý nghĩa gì nhiều lắm. 

Trang web Best Reviews đã phân tích 360.000 xếp hạng bằng sao của người dùng trên 488 sản phẩm và đưa ra được biểu đồ như trên: hơn 66% xếp hạng sản phẩm là 5 sao, và chắc chắn bạn sẽ không bao giờ tin điều vớ vẩn này. Làm thế nào lại có thể có nhiều sản phẩm 5 sao như thế trên Amazon được??? Thêm nữa, xếp hạng sản phẩm bằng sao là cách đơn giản nhất giúp các công ty thổi phồng giá trị cũng như doanh số sản phẩm của mình lên.

Nói vậy không có nghĩa mọi xếp hạng sao đều vô dụng. Bạn nên tìm các xếp hạng 3 sao và đọc các đánh giá đó, bởi các đánh giá này thường là các đánh giá trung thực, nêu rõ ưu và nhược điểm của sản phẩm.

Và bạn cũng đừng quên tìm sản phẩm nào có càng nhiều đánh giá càng tốt, bằng cách sử dụng phần mở rộng Amazon Sort để lọc các sản phẩm theo số lượng đánh giá, giúp tiết kiệm thời gian vô ích vì bấm vào các sản phẩm có số đánh giá quá ít.

Đừng nên tin dòng chữ “Người mua hàng đã được kiểm chứng” (Verified Purchase) một cách mù quáng

Khi một người mua sản phẩm và viết đánh giá về nó, Amazon sẽ tự động thêm một dòng chữ “Verified Purchase” ngay phía trên đoạn đánh giá của người đó. Nghe thì có vẻ có tính xác thực cao, và sự thực là dòng chữ này ĐÃ TỪNG là một trong những cách để phân biệt đánh giá thật, đánh giá ảo.

Tuy nhiên, trên đời không ai lường trước được điều gì. Các công ty chuyên viết đánh giá ảo nhanh chóng “nắm thóp” được người dùng: trong thỏa thuận mua bán đánh giá ảo, các công ty này sẽ được nhà phân phối cung cấp cho một chứng từ giả chứng nhận rằng công ty đã mua sản phẩm, và Amazon thì hoàn toàn không hay biết điều này!

Do đó, sau khi đọc xong bài viết này, hi vọng các bạn sẽ thận trọng hơn trong việc mua hàng trên các trang web thương mại trực tuyến, đặc biệt là Amazon. Đừng bao giờ tin vào các đánh giá quá tích cực bởi chúng chính là những cái bẫy dụ dỗ người dùng “ngây thơ” mua hàng.

Tấn Minh

Nguồn: http://vnreview.vn/tu-van-web/-/view_content/content/2288933/cach-nhan-biet-cac-danh-gia-ao-khi-mua-hang-online

Add Comment